Tự khám phá Nam Kỳ xưa qua… ảnh quý

Gần 100 năm, kể từ lần xuất bản đầu tiên năm 1925 để phát hành ở các nước Đông Dương, cuốn sách ảnh quý Xứ Nam Kỳ đã trở lại, tạo cơ hội cho độc giả tự khám phá về một Nam Kỳ xưa qua bao thăng trầm…

Tỉnh Châu Đốc thế kỷ 19 - Ảnh: ẢNH: QUỲNH TRÂN

La Cochinchine (Xứ Nam kỳ) gồm 456 ảnh với 400 bản in được đánh số cụ thể. Bản in lần này sử dụng gần như nguyên bản tập sách được đánh số 319 với 436 bản khắc đồng của chính tiệm chụp ảnh Photo Nadal – Sài Gòn, người “thợ săn” lịch sử Đông Dương chăm chuốt công phu phần hình ảnh xuất bản, được nhà sưu tầm Trương Ngọc Tường (ở Cai Lậy, Tiền Giang) lưu giữ lâu nay. Tác phẩm tái bản do Hoàng Hằng dịch, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng viết lời giới thiệu vừa được tạp chí Xưa và nay và NXB Hồng Đức ra mắt bạn đọc.

Theo tác giả Marcel Bernanose (1884 – 1952), người từng làm cố vấn văn hóa cho một số quan Thống đốc và nhiều quan Toàn quyền Đông Dương: La Cochinchine, như cách hiểu của người xưa là xứ Nam Kỳ, vùng đất rộng lớn ở phương Nam, nằm trên đường du thám của đoàn quân viễn chính Pháp những năm đầu thế kỷ 19. Dù khoác lên mình nhiều tên gọi khác nhau: Gia Định, Nam Kỳ, Nam Bộ, Nam phần, Nam Việt hay miền Nam và vùng đất phương Nam ngày nay, đều chứa đựng biết bao điều “bí ẩn” về lịch sử, kinh tế, văn hóa, du lịch, giao thông…

Cuốn sách có nhiều trang viết lý thú về những năm tháng xa xưa của TP.HCM ngày nay: “Sài Gòn có nguồn gốc lịch sử rất lâu đời. Thành phố được xây dựng trên một gò đất mà từ địa phương gọi là “giồng” do nhô phía trên đất phù sa của đồng bằng châu thổ. Giồng đất này quan trọng nhờ có sông Sài Gòn và sông Đồng Nai nên cho phép những con tàu trọng tải lớn có thể đi lại quanh năm”. Còn tỉnh Chợ Lớn thì trải rộng trên diện tích hơn 121 ngàn hecta, do được bồi đắp nên lãnh thổ chỉ là vùng đất rộng lớn không rừng, không núi. Đường sắt Mỹ Tho – Sài Gòn chạy qua hầu hết chiều rộng của tỉnh Chợ Lớn, song song với đường thuộc địa số 16, từ TP Chợ Lớn đến Bến Lức. Nơi đây có đường sắt băng sông Vàm Cỏ trên một cầu sắt lớn, ranh giới của tỉnh Tân An. Tuyến xe lửa này có 4 chuyến mỗi ngày…”.

Nhiều hình ảnh về các tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Bà Rịa, Mỹ Tho, Bến Tre, Tây Ninh, Trà Vinh, Cần Thơ, Sa Đéc, Sóc Trăng, Long Xuyên, Bạc Liêu, Rạch Giá, Châu Đốc và đất Hà Tiên xưa… rất phong phú trong tập sách cùng những di tích quý giá của xứ Nam Kỳ và các phong tục tập quán, đời sống muôn màu, phong cảnh thiên nhiên đất nước… vô cùng phóng khoáng và tuyệt đẹp.

Thanh Niên xin giới thiệu một số bức ảnh tuyển chọn từ sách để giúp độc giả cùng khám phá về Nam Kỳ xưa đầy mê hoặc:

Chợ Lớn với cảnh chợ búa và nhà máy rượu, xay xát

Nhà máy điện, bến phà, tiệm bán hủ tiếu và ...một con rạch ở Cần Thơ

Làm ruộng và bắt cá, bán cá ở tỉnh Gia Định

Cầu Bình Tây, kênh Bonnard, kênh Lò Gốm và kênh Tàu Hũ (Chợ Lớn)

Vườn dừa ở Bến Tre, làng ở Giồng Trôm và chợ Thạnh Phú

Lê Công Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/tu-kham-pha-nam-ky-xua-qua-anh-quy-989353.html