Từ Khaisilk, Mumuso đến Con Cưng...

'Treo đầu dê bán thịt chó' phải chăng đã trở thành một 'mô hình kinh doanh' phổ biến và 'đặc trưng' ở Việt Nam? Trong những năm gần đây, người tiêu dùng chẳng còn biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả và luôn khuyên nhau hãy là người tiêu dùng thông minh!

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Ảnh: T.L

Chút niềm tin cuối cùng vào đạo đức đối với các nhà kinh doanh hình như cũng đã đến hồi cạn kiệt. Sai phạm, vi phạm trong bán hàng, quảng cáo, xâm hại quyền lợi người tiêu dùng đang ở mức độ nghiêm trọng và ngày càng tinh vi; trong khi vai trò quản lý và xử lý của Nhà nước kém hiệu quả. Vụ việc Con Cưng đang diễn ra cũng chỉ là thêm một trường hợp mới, cho dù chưa có kết luận kiểm tra.

Kiểu kinh doanh “treo đầu dê bán thịt chó” đang... phổ biến!

Tháng 10-2017, dư luận cả nước từng choáng váng khi hay tin Khaisilk, một thương hiệu lớn, tưởng chừng uy tín, hóa ra đã “treo đầu dê bán thịt chó” suốt thời gian dài. Cụ thể là họ nhập hàng Trung Quốc về rồi dán mác mới nói đó là hàng... Việt Nam. Thật khó đếm nổi có bao nhiêu người đã bị Khaisilk lừa dối nhưng chắc rằng đó là con số rất lớn, cùng với nguồn thu lợi bất chính không hề nhỏ.

Gần đây hơn là vụ chuỗi cửa hàng Mumuso cũng kinh doanh theo kiểu thiếu trung thực như vậy. Có đến 99,3% hàng hóa nhập từ Trung Quốc, nhưng cách ghi nhãn, quảng cáo của họ lại khiến người tiêu dùng tin rằng hàng hóa có xuất xứ từ Hàn Quốc, chẳng khác gì đánh lừa người tiêu dùng để bán hàng.

Câu hỏi đặt ra là: vì sao pháp luật đã có và nghiêm mà tình trạng gian lận trong kinh doanh không giảm, lại còn càng phát triển?

Mới nhất là vụ lùm xùm tại các cửa hàng kinh doanh thuộc hệ thống Con Cưng. Mặc dù cơ quan quản lý thị trường vẫn còn đang kiểm tra và chưa có kết luận chính thức, nhưng các dấu hiệu cho thấy hệ thống này ít nhất đã sai phạm trong việc dán nhãn mác, lập lờ về xuất xứ, chất lượng hàng hóa.

Có thể nói, tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, kiểu kinh doanh “treo đầu dê bán thịt chó” rất phổ biến. Thường thì kín đáo, tinh vi nhưng càng ngày càng có nhiều trường hợp công khai, công nhiên mà cũng chẳng ai rờ tới. Chẳng hạn như trên mạng xã hội, không ít gian hàng rao bán iPhone X với giá chỉ trên 2 triệu đồng. Ai cũng hiểu đây là hàng giả, là vi phạm pháp luật.

Tổng cục Hải quan mới đây đã lên tiếng báo động tình trạng làm giả xuất xứ hàng hóa. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đặt hàng sản xuất ở Trung Quốc, đem về gắn nhãn mác “Made in Vietnam”.

Gian lận thương mại gây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, đến đạo đức xã hội, đến uy tín của doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam. Không chỉ vậy, gian lận thương mại còn tạo ra sự bất bình đẳng, chèn ép những doanh nghiệp kinh doanh chân chính, đàng hoàng.

Pháp luật đã đầy đủ và nghiêm

Hệ thống pháp luật Việt Nam tuy chưa thể nói là hoàn thiện, nhưng cũng đã khá đầy đủ, chặt chẽ, hoàn toàn có thể áp dụng để xử lý những hành vi gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng nhái. Từ lâu, chúng ta đã ban hành Luật Quảng cáo, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... quy định về những hành vi bị cấm với mức chế tài ngày càng tăng nặng.

Luật quảng cáo cấm các hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, công dụng, hoặc nội dung khác mà doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa đã công bố, quảng cáo hoặc cam kết. Luật cũng cấm doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa.

Luật Thương mại thì quy định rất rõ về nhãn hàng hóa, cùng những nội dung bắt buộc phải có trên nhãn hàng, như nhãn hàng phải bằng tiếng Việt, bắt buộc phải thể hiện các nội dung về xuất xứ hàng hóa; thành phần, định lượng; ngày hết hạn; thông tin cảnh báo...

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã bổ sung các tội danh xử lý gian lận thương mại rất nghiêm khắc, như tội sản xuất, bán hàng giả, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng...

Vậy nên câu hỏi đặt ra là: vì sao pháp luật đã có và nghiêm mà tình trạng gian lận trong kinh doanh không giảm, lại còn càng phát triển?

Quản lý nhà nước yếu kém, đạo đức kinh doanh đành thua kẻ gian dối

Qua thực trạng hiện nay, có thể khẳng định rằng vai trò quản lý của Nhà nước, của các cơ quan quản lý thị trường, hải quan... chưa hiệu quả, nếu không muốn nói là yếu kém. Chưa hết, việc xử lý doanh nghiệp sai phạm cũng không công khai, thiếu minh bạch và có vẻ như quá nhẹ, thiên về hành chính, nội bộ. Chẳng hạn như vụ Khaisilk, hành vi mua bán hàng giả, lừa dối khách hàng là rõ ràng, có dấu hiệu hình sự. Nhưng kết quả xử lý thế nào tới nay chẳng mấy ai rõ...

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường từng công khai thừa nhận cơ quan này chưa chủ động trong công tác theo dõi diễn biến thị trường, đôn đốc kiểm tra, giám sát hoặc tham mưu đề xuất xử lý các vụ việc nổi cộm, phức tạp trên thị trường. Bên cạnh đó, năng lực và trình độ chuyên môn của công chức quản lý thị trường ở một số đơn vị chưa đồng đều; không ít công chức chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, thậm chí một số người buông lỏng quản lý, chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ dẫn đến sai sót trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Đạo đức kinh doanh là điều mà giới kinh doanh Việt Nam đang thiếu. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự thực dụng, hám lợi (bất chính) đang hoành hành. Thay vì làm giàu một cách chân chính, qua những sản phẩm chất lượng, uy tín, thì có vẻ như xã hội lại dồn vào kiểu kinh doanh chụp giật, lừa dối, bất chấp hậu quả. Nếu không sớm chấm dứt tình trạng này thì nó sẽ di hại, ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến cả nền kinh tế, đến niềm tin của người tiêu dùng. Khi đó, rất khó có cơ hội cho thương hiệu sản phẩm của Việt Nam cất cánh.

Các cơ quan chức năng cần phải xử lý đúng pháp luật, thật nghiêm đối với các hành vi gian lận thương mại. Cương quyết không thể chấp nhận sự tồn tại của “mô hình kinh doanh” kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Có như vậy mới có chỗ cho tư duy kinh doanh lành mạnh, uy tín, hướng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đừng để đạo đức kinh doanh đành phải thua kẻ làm ăn gian dối.

(*) Công ty Luật Ecolaw

LS. Trần Hồng Phong (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276358/tu-khaisilk-mumuso-den-con-cung-.html