Từ Khaisilk đến Lý Xuân Hải: Hai đầu dải lụa

Trở về sau 4 năm vướng vòng lao lý, Lý Xuân Hải - cựu CEO Ngân hàng ACB - đang bắt đầu một khởi đầu mới với ngành tơ lụa. Trong khi đó, doanh nhân Hoàng Khải lại đang trải qua cú 'ngã ngựa' sau 30 năm làm nên thương hiệu lụa Việt Nam.

Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 1/11 của Công ty Cổ phần Tơ lụa Bảo Lộc - Bảo Lộc Silk chính thức thông báo, ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc (CEO) Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Ông Hải đồng thời là người đại diện pháp luật của Bảo Lộc Silk.

Ông Lý Xuân Hải sinh năm 1965 tại Hà Nội, thuộc thế hệ "những người trở về từ Đông Âu". Ông Hải là Thạc sĩ Kinh tế Đại học Paris Dauphine (Pháp) và Tiến sĩ Toán - Lý thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus (Belarus).

Ông Hải gia nhập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) năm 1996 trên cương vị Phó giám đốc chi nhánh Hải Phòng. Ông được bổ nhiệm Tổng giám đốc từ năm 2005 và trúng cử thành viên HĐQT ACB từ 2008 đến 2012.

Thời điểm là Tổng giám đốc ACB, ông được đánh giá là một trong những lãnh đạo thành công và nổi tiếng nhất trong giới ngân hàng khi đưa ACB vươn lên trở thành ngân hàng duy nhất tiệm cận với nhóm ngân hàng quốc doanh. Ông Hải từng được bầu là "Lãnh đạo Ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam" 2007 và 2010.

Tuy nhiên, sai lầm trong công tác quản lý đã đưa ông Hải từ đỉnh cao của danh vọng, tiền bạc trở thành người vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý trong đại án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) tại Ngân hàng ACB. Ông Hải đã bị tuyên án 8 năm tù và đã mãn hạn tù vào tháng 3/2017 sau tổng thời gian hơn 4 năm bị tạm giam. Ông Hải cũng bị cấm làm trong lĩnh vực ngân hàng 5 năm kể từ thời điểm mãn hạn.

Sau khi được trả tự do, ông Hải bất ngờ đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của Bảo Lộc Silk đồng thời là cổ đông lớn của doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu 27%.

Ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, Chủ tịch Bảo Lộc Silk.

Lụa được xem là một lĩnh vực hoàn toàn mới với vị cựu lãnh đạo ngân hàng này. Ông Lý Xuân Hải đã đầu tư vào Bảo Lộc Silk từ trước đó nhưng phải tới tháng 6 vừa qua mới chính thức tham gia vào hoạt động quản trị doanh nghiệp. Theo số liệu gần nhất, ông Hải góp vốn vào công ty từ ngày 25/6/2017 khi vốn điều lệ của Bảo Lộc Silk ở mức 3,32 tỷ đồng.

Bảo Lộc Silk được thành lập từ năm 1994 tại Lâm Đồng, tiền thân là Công ty Dệt may lụa tơ tằm 2/9 (Sesigatex), hoạt động chính trong lĩnh vực gia công tơ lụa cho các thị trường. Cơ cấu cổ đông ban đầu tại Bảo Lộc Silk bao gồm Công ty Cổ phần Tơ tằm Á Châu nắm giữ 46,42% vốn; Công ty Dây tằm tơ Việt Nam sở hữu 8,18% vốn. Hai cá nhân là ông Trần Đức Phú nắm giữ 25,58% và bà Bùi Kim Dung sở hữu 19,62% vốn còn lại.

Trong khi ông Lý Xuân Hải chính thức đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch HĐQT vào tháng 6/2017, một tháng sau đó, Bảo Lộc Silk đã tăng vốn điều lệ lên hơn gấp đôi đạt 9,95 tỷ đồng.

Bảo Lộc (Lâm Đồng) từng được mệnh danh là "thủ phủ" của ngành dâu tằm tại Việt Nam, từng một thời hoàng kim của nghề trồng dâu nuôi tằm - ươm tơ dệt lụa. Nhưng từ năm 2000, “thủ phủ” dâu tằm có nhiều biến động, khiến nghề trồng dâu nuôi tằm - ươm tơ dệt lụa của Bảo Lộc thoái trào. Các công ty xe tơ dệt lụa thời kỳ này, trong đó có Bảo Lộc Silk dần chuyển sang sản xuất gia công cho các khách hàng như Nhật Bản, Hàn Quốc, thị trường nội địa rất nhỏ.

Trong vài tháng gần đây, công ty mới bắt đầu chiến lược mở rộng thị trường nội địa và đang lên kế hoạch mở chi nhánh ở TP. HCM.

Kế hoạch thay đổi về tổ chức cùng với việc mở chi nhánh tại TP. HCM được cho là bước đi của Bảo Lộc Silk trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ ở nội địa thời điểm hiện nay sau một thời gian dài tập trung vào xuất khẩu.

“Thị trường liệu sẽ đón nhận một "Hải Silk" mới sau một "Khải Silk" đầy tai tiếng những ngày qua?

Thông tin cựu CEO ngân hàng Lý Xuân Hải về làm lụa tơ tằm được công bố đúng vào thời điểm ngành tơ lụa trong nước đang “nóng” hơn bao giờ hết với sự vụ Khaisilk bán khăn "Tàu" gắn mác “Made in Vietnam”.

Xuất thân là người học nhạc nhưng Hoàng Khải được biết đến nhiều với tên gọi "Khải Silk”. Hoàng Khải sinh năm 1963 tại Hà Nội, là con trai cả trong một gia đình có cửa hàng thêu trên phố Hàng Gai. Bước ngoặt cuộc đời diễn ra vào giai đoạn Hoàng Khải 25 tuổi khi ông quyết định bỏ học Nhạc viện và thành lập cửa hàng Khaisilk đầu tiên trên phố Hàng Gai, chuyên buôn bán các mặt hàng lụa cao cấp và được quảng cáo là sản xuất tại Việt Nam.

Từ cửa hàng hàng đầu tiên mở năm 1989, doanh nhân gốc Hà Nội này đã gia tăng sự hiện diện của Khaisilk tại những khu vực nổi tiếng như Đồng Khởi (TP.HCM), khách sạn Metropole, khách sạn Nikko, khách sạn Sofitel Plaza và những khách sạn sang trọng bậc nhất như Intercontinental Peninsula Đà Nẵng, JW Marriott Phú Quốc, cùng nhiều nhà hàng cao cấp.

Khác với những thương hiệu của làng nghề, Khaisilk là thương hiệu tư nhân hiếm hoi định vị trên thị trường các sản phẩm lụa cao cấp tại Việt Nam và được nhiều khách quốc tế lựa chọn.

Khăn lụa tơ tằm Khaisilk "Made in Vietnam" chính là khởi nguồn cho sự thành công của vị doanh nhân 54 tuổi này. Thế nhưng cũng chính những chiếc khăn lụa này đang là đề tài nóng trên khắp các phương tiện truyền thông những ngày gần đây khi bị khách hàng phát hiện đó thực chất là lụa Trung Quốc nhưng lại gắn mác Việt Nam.

Bảo Lộc Silk hoạt động chính trong lĩnh vực gia công tơ lụa cho các thị trường nước ngoài.

Nhiều người cho rằng, Tập đoàn Khaisilk nay chủ yếu thu lợi nhuận từ các mảng kinh doanh khác như nhà hàng, bất động sản còn lụa giờ chỉ còn là mảng kinh doanh thứ yếu nên doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng nhiều cú sốc này.

Thế nhưng, tơ lụa mới chính là xuất phát điểm tạo nên thương hiệu Khaisilk. Những đơn vị kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác của Hoàng Khải, người ta cũng chỉ biết đến cái tên Khaisilk như một biểu tượng, thương hiệu bảo chứng cho tất cả hệ thống đó.

Người Việt không có nhiều thương hiệu kinh doanh lớn. Do đó, sự thất bại của thương hiệu Khaisilk sẽ là điều vô cùng đáng tiếc cho một thương hiệu đã được gây dựng từ 30 năm trước với nhiệt huyết đưa dải lụa Việt Nam tới gần với thế giới.

Hành vi gian lận thương mại của Khaisilk đang được các cơ quan chức năng soi xét dưới khía cạnh pháp luật và doanh nghiệp có thể sẽ phải nhận chế tài xử phạt.

Ngành lụa cũng lắm "tơ". Đế chế Khaisilk nghìn tỷ 30 năm được Hoàng Khải xây dựng từ lụa và đang lâm vào khốn đốn cũng vì lụa. Trong khi cựu CEO ngân hàng Lý Xuân Hải lao đao vì ngân hàng một thời, thì nay lại quyết định "bén duyên" với tơ lụa. Thị trường liệu sẽ đón nhận một "Hải Silk" mới sau một "Khải Silk" đầy tai tiếng những ngày qua?

Theo Nhadautu.vn

TGO

Nguồn Thương Gia: http://thuonggiaonline.vn/tu-khaisilk-den-ly-xuan-hai-hai-dau-dai-lua-10739.htm