Từ huyền thoại đến người hùng

Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) vừa vinh danh tốp 5 huyền thoại của bóng đá Đông Nam Á. Trong đó, cựu tiền đạo của đội tuyển Việt Nam Lê Công Vinh xuất sắc góp mặt bên cạnh những tên tuổi như: Kiatisuk Senamuang (Thái Lan), Neil Etheridge (Philippines), Soh Chin Aun (Malaysia) và Bambang Pamungkas (Indonesia).

Để đưa ra danh sách này, AFC dựa trên tiêu chí về tầm ảnh hưởng của cầu thủ đối với đội tuyển quốc gia, thành công ở cấp câu lạc bộ trong nước và nước ngoài. Xét trên khía cạnh này, không cầu thủ nào của bóng đá Việt Nam xứng đáng hơn Lê Công Vinh. Cầu thủ quê gốc Nghệ An vẫn đang nắm giữ kỷ lục là “cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển Việt Nam” (với 51 bàn); 3 lần giành Quả bóng Vàng Việt Nam; cầu thủ ghi bàn thắng quyết định đem về chức vô địch AFF Cup đầu tiên của Việt Nam; từng ra nước ngoài thi đấu ở cả châu Âu lẫn Nhật Bản...

 Công Vinh cùng vợ - ca sĩ Thủy Tiên - thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện. Ảnh: THIÊN THANH.

Công Vinh cùng vợ - ca sĩ Thủy Tiên - thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện. Ảnh: THIÊN THANH.

Trong làng bóng đá Việt Nam, Công Vinh là biểu tượng cho một cầu thủ có ý chí rèn luyện và ý thức xây dựng phong cách thi đấu chuyên nghiệp ngay từ thời trai trẻ. So với các đồng nghiệp cùng trang lứa, tài năng của Vinh không thể so sánh được với Văn Quyến, Anh Đức hay Thanh Bình. Trong bối cảnh nhiều cầu thủ Việt Nam thời điểm đó “nhúng chàm” vì bán độ, lô đề, cờ bạc... thì Công Vinh nổi lên là một cầu thủ mẫu mực, nói không với tệ nạn.

Nhiều người hâm mộ không thích Công Vinh bởi phong cách chơi bóng đơn giản, song cũng chẳng có lý do cụ thể nào để ghét anh. Người ta mặc định Công Vinh chỉ có cơ hội đá chính khi Văn Quyến, Quốc Vượng cùng nhiều cầu thủ khác của đội tuyển Việt Nam bị bắt giữ năm 2005 vì bán độ. Nhưng không nhiều người nhớ rằng, danh hiệu “Quả bóng Vàng Việt Nam” đầu tiên mà Công Vinh đoạt được là ở tuổi 19. Và suốt hơn 10 năm sau đó, Công Vinh luôn được bảo đảm cho suất đá chính trong đội hình đội tuyển Việt Nam. Đánh giá về quyết định chọn Công Vinh của AFC, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải nói: “Tôi hoàn toàn nhất trí với những đánh giá của AFC về Công Vinh. Đó là sự ghi nhận cho những nỗ lực, thành quả mà Vinh đã đạt được. Tính đến thời điểm này, Công Vinh vẫn là cầu thủ đóng góp nhiều nhất cho đội tuyển Việt Nam và số bàn thắng cậu ấy ghi được là minh chứng”.

Khi trở thành Chủ tịch của Câu lạc bộ (CLB) bóng đá TP Hồ Chí Minh, Công Vinh cũng đã quyết liệt trong việc xây dựng hình ảnh một đội bóng đạt tiêu chuẩn, chuyên nghiệp từ... cái nhà vệ sinh. Công Vinh dám nói lên những góc khuất của bóng đá Việt Nam, không ngại “đụng chạm” những đồng đội, HLV cũ và anh chấp nhận bị số đông chỉ trích là làm màu, ích kỷ. Sau khi chia tay CLB TP Hồ Chí Minh, Công Vinh mở Học viện Bóng đá cộng đồng mang tên “CV9” và ấp ủ xây dựng nhiều kế hoạch về đào tạo cầu thủ trẻ.

Những ngày qua, Công Vinh được cộng đồng mạng xem là một trong những người hùng của phong trào tương thân tương ái, chung tay giúp đỡ đồng bào miền Tây trước đợt hạn, mặn lịch sử. Anh cùng vợ mình-ca sĩ Thủy Tiên đã vận động, gây quỹ được gần 20 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên được dùng để mua máy lọc nước biển thành nước ngọt giúp nông dân miền Tây vượt khó. Để có thể trao những chiếc máy lọc nước đến tay những người cần, Công Vinh đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, rong ruổi khắp miền Tây trong các đợt nắng nóng cao điểm và dịch bệnh.

Không chỉ thành công trong sự nghiệp quần đùi áo số, những việc làm ý nghĩa của Công Vinh ngoài sân cỏ thực sự là một tấm gương sáng để nhiều cầu thủ trẻ Việt Nam học tập, noi theo. Từ huyền thoại trong bóng đá, giờ Công Vinh lại hóa người hùng.

HOA LƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/tu-huyen-thoai-den-nguoi-hung-613708