Từ hôm nay 1/7, siết chặt hơn nữa việc kỷ luật cán bộ, công chức

Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, từ hôm nay 1/7/2020, việc kỷ luật cán bộ, công chức sẽ được 'siết chặt' hơn rất nhiều so với trước đây.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 có ý nghĩa vô cùng lớn đối với cán bộ, công chức. Một trong số những điểm nổi bật của Luật này là sửa đổi, bổ sung quy định về kỷ luật đối với cán bộ, công chức.

Cán bộ, công chức tham nhũng bị buộc thôi việc

Để thống nhất về việc xử lý người có hành vi tham nhũng nêu tại Điều 92, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật sửa đổi lần này đã bổ sung thêm quy định về việc xử lý cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng. Theo đó, cán bộ, công chức sẽ bị buộc thôi việc trong 02 trường hợp:

- Bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm;

Bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Việc bổ sung quy định này là hoàn toàn hợp lý, nó không chỉ thống nhất các quy định của pháp luật mà còn giúp công tác phòng, chống tham nhũng được nghiêm minh hơn. Ngoài ra, cũng bổ sung thêm quy định về hình thức hạ bậc lương với công chức. Theo đó, việc hạ bậc lương chỉ áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (trước đây không có quy định về điều này).

Kéo dài thời hạn xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức

Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Theo quy định hiện hành, thời hiệu áp dụng với công chức là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, thời gian 24 tháng là quá ít khi hành vi vi phạm để bị kỷ luật của công chức nhiều khi rất khó phát hiện, xử lý và đang cào bằng giữa các hình thức xử lý vi phạm. Do đó, để phù hợp với thực tế, Luật sửa đổi đã kéo dài thời hiệu xử lý. Cụ thể:

- 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;

- 05 năm đối với các hành vi vi phạm còn lại.

4 trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý

Không chỉ kéo dài thời hiệu kỷ luật cán bộ, công chức, đặc biệt Luật sửa đổi còn bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý với cán bộ, công chức có một trong những hành vi vi phạm sau đây:

- Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

- Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Đồng thời, Luật sử đổi cũng kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức. Theo đó, thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày (hiện nay là 02 tháng); Nếu vụ việc có tình tiết phức tạp cần phải thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày (hiện nay đang là 04 tháng)…

Có thể thấy, những sửa đổi bổ sung của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức lần này là hoàn toàn kịp thời và phù hợp với thực tế. Việc kỷ luật viên chức đã được “siết chặt” hơn rất nhiều so với trước đây.

Phương Mai

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/su-kien-va-van-de/202007/tu-hom-nay-17-siet-chat-hon-nua-viec-ky-luat-can-bo-cong-chuc-3ab55fd/