Từ hội anh em của nhà văn đoạt giải Nobel đến băng đảng khét tiếng

Khởi đầu là hội anh em do nhà văn đoạt giải Nobel Wole Soyinka sáng lập, các băng đảng trường học Nigeria đã gieo rắc nỗi sợ hãi với các hành động bạo lực như giết người, cướp bóc.

Roland* gia nhập Buccaneers, một tổ chức sinh viên bí mật và bất hợp pháp ở Nigeria, khi anh là sinh viên năm nhất. Để tham dự tổ chức, thành viên phải trải qua nghi thức gia nhập tàn bạo trong rừng vào đêm khuya.

Các thành viên cũ hát, nhảy, uống rượu và tạo thành một vòng tròn quanh Roland và các thành viên khác. Họ bị bịt mắt và đánh đập dã man đến tận sáng sớm.

Nghi thức này được thực hiện để xóa bỏ sự yếu đuối và làm thành viên mới trở nên dũng cảm.

"Sau khi đi vào đó và đi ra, bạn là một con người khác", Roland nói với BBC.

 Các băng đảng Nigeria thường có nghi thức gia nhập tàn bạo. Ảnh: BBC.

Các băng đảng Nigeria thường có nghi thức gia nhập tàn bạo. Ảnh: BBC.

Những tổ chức này được xem như hội anh em hay băng đảng trường học. Chúng thường có những cái tên như Vikings, Black Axe (Rìu đen), Eiye (một từ trong tiếng Yoruba có nghĩa là chim) và Buccaneers.

Những hội anh em này có hệ thống cấp bậc như quân đội. Họ sử dụng mật hiệu và có cả phù hiệu thể hiện vũ khí yêu thích của tổ chức.

Các tổ chức bí mật này bị cấm ở Nigeria. Hàng trăm thành viên đã bị bắt và bị truy tố trong những năm qua. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục hoạt động, đặc biệt là trong các trường đại học, nơi vẫn thu hút thành viên mới.

Đe dọa tấn công

Những hội anh em này bị cáo buộc đứng sau hành vi bạo lực nghiêm trọng (bao gồm cả giết người) tại các trường đại học trên cả nước và đôi khi quấy rối giảng viên để được điểm cao.

Trong một số trường hợp, sinh viên bị dụ dỗ gia nhập với lời hứa về cơ hội mở rộng quan hệ.

Hầu hết tổ chức cũng hoạt động ngoài khuôn viên trường, thường với các thành viên không đi học đại học. Họ ngày càng tiến sâu vào con đường tội phạm.

Thông báo đe dọa của băng One Million Boys. Thông báo viết: "One Million Boys sẽ đến khu vực này sớm. Vì vậy, mọi người hãy chuẩn bị. Nếu không hợp tác sẽ bị chặt tay". Ảnh: BBC.

Ở những nơi như thủ đô Lagos và Port Harcourt, các tổ chức này tuyển thanh thiếu niên vào các băng đảng đường phố, nơi đào tạo thành viên, nếu họ vào đại học.

Vào tháng 4, cư dân ở Lagos và bang Ogun bên cạnh phải thành lập nhóm dân phòng khi có tin tức lan truyền rằng hàng trăm thành viên băng đảng One Million Boy và Awawa Boy đang tấn công một số khu phố.

Bang này đang phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus corona và một số cư dân nói rằng các băng đảng đã trở nên táo bạo hơn. Chúng thậm chí xông vào nhà để cướp.

Ngày càng nhiều câu chuyện xuất hiện, đặc biệt là trên mạng xã hội, về các vụ cướp đồng loạt ở những cộng đồng khác.

Cảnh sát phủ nhận có nhiều vụ cướp ở bang này và gọi các câu chuyện là "tin giả" được bọn côn đồ lan truyền để gây hoảng loạn trước khi tiến hành các cuộc tấn công.

Tuy nhiên, cảnh sát xác nhận bắt giữ hơn 200 nghi phạm liên quan đến một cuộc chiến băng đảng nổ ra sau cái chết của một thủ lĩnh băng đảng.

Roland quyết định tham gia một băng đảng để được bảo vệ tại trường đại học của mình ở miền Đông Nigeria.

Một người bạn của Roland đã bị cướp bởi một thành viên băng đảng và dẫn đến mối thù. Roland bị kéo vào mối thù này và đã bị tấn công hai lần. Anh đã báo cáo các cuộc tấn công lên trường đại học, nhưng nhân viên bảo vệ trong trường không thể làm được gì.

Những người bảo vệ tư nhân không vũ trang này không phải đối thủ của những tên côn đồ mang súng và vũ khí chết người khác.

Roland đã tham gia Buccaneer, “hội huynh đệ ít bạo lực nhất”, sau khi từ chối lời mời tham gia băng Rìu Đen khét tiếng.

Nhưng một khi là thành viên, Roland phải sống trong nỗi sợ hãi về các băng nhóm đối thủ.

Tổ chức của nhà văn đoạt giải Nobel

Các hội anh em ở Nigeria không phải luôn bạo lực như vậy.

Hội anh em đầu tiên được lập ra vào năm 1952, những năm cuối cùng của chế độ thực dân Anh, bởi những thanh niên chung lý tưởng, trong đó có nhà văn đoạt giải Nobel Wole Soyinka tại Đại học Ibadan ở bang Oyo, phía tây nam Nigeria.

Họ đặt tên cho tổ chức của mình là Hiệp hội Thủy thủ Quốc gia (hay Pyrates) để nổi dậy chống lại chủ nghĩa tinh hoa của tầng lớp trung lưu Nigeria.

Những người sáng lập ban đầu đi theo chủ đề cướp biển. Họ từng giả vờ là cướp biển, đeo khăn và mang đoản kiếm.

Nhà văn Wole Soyinka khi còn là giảng viên tại Đại học Ibadan những năm 1960. Ảnh: BBC.

"Chúng tôi đã chơi đùa rất vui với tổ chức đó", ông Soyinka nói với BBC.

Ông gọi các tổ chức hiện tại là "băng đảng xấu xa, độc ác".

"Tôi không thể tưởng tượng nổi một tổ chức ở trường đại học thực sự có thể áp dụng phong cách mafia và dùng các bài kiểm tra nam tính như cưỡng hiếp, cướp, dùng vũ khí, giết người, bắt cóc”, ông nói thêm.

Pyrates, tổ chức Soyinka vẫn là thành viên, hiện là nhóm dành riêng cho "những nỗ lực nhân đạo và từ thiện".

Tổ chức này không còn tuyển dụng sinh viên nữa. Ban lãnh đạo Pyrates cũng đưa nó ra khỏi trường học vào năm 1984 để tránh khỏi bạo lực.

Trở nên bạo lực

Sự chia rẽ trong nội bộ Pyrates vào cuối những năm 1960 đã dẫn đến việc các sinh viên rời tổ chức thành lập Buccaneers và nhóm khác.

Các nhóm này bắt đầu ganh đua với nhau trong khi tranh giành danh tiếng, quyền lực, phụ nữ và quyền tiếp cận các chính trị gia tham nhũng, những người thuê các thành viên băng đảng để dùng bạo lực lên đối thủ chính trị của họ.

Một số băng đảng bạo lực hơn những băng đảng khác, và không phải tất cả thành viên đều phạm tội. Tuy nhiên, tất cả băng đảng này đều gieo rắc nỗi sợ hãi ở người dân Nigeria.

Những tên côn đồ hoạt động ở hầu hết điểm dừng xe buýt và cầu vượt ở Lagos. Ảnh: Getty.

Rìu Đen là một trong những băng khét tiếng nhất. Họ nổi lên vào những năm 1970 và ban đầu, những người sáng lập cho biết mục đích của tổ chức là "giải phóng" người da đen.

Nhưng khi thâm nhập vào đại học, tổ chức này dường như không còn đi theo bất kỳ hệ tư tưởng chính trị nào. Thay vào đó, các thành viên băng Rìu Đen bị buộc tội giết nhiều người và tấn công tình dục.

Năm 1999, băng Rìu Đen đã giết năm thành viên của hội sinh viên Đại học Obafemi Awolowo ở thành phố cổ Ile-Ife thuộc bang Osun.

Các thành viên của băng Rìu Đen cũng là nạn nhân của bạo lực.

Tại Đại học Port Harcourt vào giữa những năm 1990, một lãnh đạo băng Rìu Đen bị chặt đầu và cái đầu đầy máu của anh ta được treo trên cột điện ở lối vào trường như chiến lợi phẩm.

Bạo lực băng đảng trong đại học đã giảm trong những năm gần đây. Tình trạng này tồi tệ nhất vào những năm 1980 và 1990 khi Nigeria chứng kiến nhiều cuộc đảo chính.

Quân đội đã nhiều lần bị buộc tội tài trợ và trang bị vũ khí cho băng đảng để tấn công và đàn áp phong trào biểu tình đòi dân chủ của sinh viên.

Mại dâm, ma túy và buôn người

Hoạt động của một số nhóm này không chỉ giới hạn ở Nigeria. Giáo phái Eiye đã bị buộc tội phạm pháp ở châu Âu.

Các thành viên của băng này nằm trong nhóm 23 người bị cảnh sát khu vực Catalonia của Tây Ban Nha bắt giữ năm 2015 vì là thành viên của một tổ chức tội phạm quốc tế bị buộc tội buôn người, buôn ma túy và làm giả hộ chiếu.

Nhóm này cũng bị cáo buộc tạo điều kiện vận chuyển dầu thô bị đánh cắp vào châu Âu.

Rất hiếm thành viên rời bỏ băng đảng khi còn ở đại học. Những người dám làm như vậy bị tấn công hoặc, trong một số trường hợp, bị giết.

Một số sinh viên phải bỏ học để thoát khỏi sự kìm kẹp của các băng đảng.

Những người khác vẫn là thành viên trọn đời của băng đảng. Điều này giúp họ mở rộng quan hệ, có được công việc tốt và tiếp cận quyền lực.

Họ cũng tài trợ cho các băng đảng này để các thành viên băng đảng sau đó trở thành “tú ông”. Những người này móc nối các thành viên đã ra trường với các sinh viên nữ và đôi khi đưa các sinh viên này vào các cuộc thác loạn có sự tham gia của chính trị gia và doanh nhân.

* Tên nhân vật đã được BBC thay đổi

Như Trần
Theo BBC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-hoi-anh-em-cua-nha-van-dat-giai-nobel-den-bang-dang-khet-tieng-post1091746.html