Tự hào truyền thống của vùng đất anh hùng

Cách đây 45 năm, ngày 9-4-1975, H.Xuân Lộc được giải phóng, tạo tiền đề cho quân chủ lực của ta tiến về giải phóng Long Khánh, mở 'cánh cửa thép' án ngữ phía Đông, tiến về giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Một góc H.Xuân Lộc nhìn từ trên cao. Ảnh: H.Đình

Một góc H.Xuân Lộc nhìn từ trên cao. Ảnh: H.Đình

Phát huy truyền thống anh hùng, H.Xuân Lộc vươn lên trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục nỗ lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

* Ký ức khó phai

45 năm trôi qua, những người đã tham gia trận đánh giải phóng Xuân Lộc vào ngày 9-4-1975 nay đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Thế nhưng, khi nhắc lại kỷ niệm của một thời hào hùng, các cựu chiến binh (CCB) tham gia trận đánh vẫn kể tường tận như sự việc mới diễn ra.

Do yêu cầu phát triển của lực lượng vũ trang (LLVT) H.Xuân Lộc và nhằm đáp ứng thực tế chiến trường, cuối năm 1968, đơn vị pháo cối thuộc Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) H.Xuân Lộc được thành lập. Tên chính thức là đội trợ chiến hoặc đội cối Xuân Lộc nhưng do đặc điểm thành viên đội cối phần lớn là nữ nên vẫn được gọi với cái tên: Đội nữ cối Xuân Lộc.

CCB Đỗ Thị Thuận (ngụ xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc), nguyên Đội trưởng Đội nữ cối Xuân Lộc kể lại, trận đầu tiên vào ngày 12-3-1969, 4 chiến sĩ trong đơn vị gồm Nghiệp (Nguyễn Hoàng Nghiệp, đội trưởng), Hồng, Ngọc, Chấn từ căn cứ Tân Phong hành quân đến ấp Phú Bình, nơi có Ty Cảnh sát của quân đội Sài Gòn đóng để nghiên cứu trận địa. Địa hình nơi đây đất đá gồ ghề, khó đi, Ty Cảnh sát gần nhà dân, dễ bị lộ, khó quan sát mục tiêu.

Nhưng khi 4 chiến sĩ bò sát vào hàng rào để điều nghiên thì dãy hàng rào chỉ cách mục tiêu khoảng 300m, phía dưới được xếp đá có thể làm vật cản đạn địch. Ngay lập tức, 4 chiến sĩ đưa khẩu cối 60 li cùng 15 viên đạn và đặt cối bắn thẳng vào Ty Cảnh sát quân đội Sài Gòn; tiêu diệt ngay tên cảnh sát trưởng và nhiều tên khác bị thương nặng…

Sau thắng lợi trận đầu, đội tiếp tục dành nhiều thành tích trong những trận chiến đấu tiếp theo. Trong trận giải phóng Xuân Lộc, đội được phân công chốt chặn sử dụng pháo, cối để yểm trợ cho bộ đội chủ lực và độc lập tác chiến, tiêu diệt các kho tàng, căn cứ, phương tiện chiến tranh dọc quốc lộ 1, khu vực đồn Cầu Sập (xã Suối Cát ngày nay) và chặn địch từ Bình Thuận vào; đặc biệt là yểm trợ chặn đánh Lữ đoàn Dù 2 của quân đội Sài Gòn đổ bộ từ Long Khánh lên...

“Chị em trong đội cối vừa là chỉ huy, vừa là pháo thủ, vừa nạp đạn, vừa tải thương lại kiêm y tá. Chị em luôn mang trên mình 3 loại vũ khí: súng AK (khoác chéo lưng), lựu đạn dắt bên hông và cối 82 li hoặc 60 li, chiến đấu liên tục, kìm chân địch. Đến 17 giờ 30 ngày 9-4-1975, đồn Cầu Sập (Suối Cát), đồn Xuân Phú (dinh Ông Cung), ngã tư Ông Đồn bị ta tiêu diệt, mở ra thắng lợi cho giải phóng Xuân Lộc” - CCB Đỗ Thị Thuận kể lại.

Ông Bùi Văn Tam (Trưởng ấp Trung Nghĩa, xã Xuân Trường) cho biết: “Từ sau ngày giải phóng, đời sống người dân trong ấp ngày càng được cải thiện, từ đó tích cực chung tay cùng Đảng, Nhà nước xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều tuyến đường nông thôn mới như đường Bàu Gia Ló hơn 850m, đường vào trung tâm xã hơn 1,5km người dân đều hiến đất xây dựng. Hơn 92% người dân trong ấp tham gia bảo hiểm y tế và 85% số hộ dân thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thu gom rác thải nông thôn; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55,6 triệu đồng vào cuối năm 2019”.

Những ngày sau đó, Đội nữ cối Xuân Lộc tiếp tục chiến đấu, yểm trợ cho bộ binh ta tiến lên giải phóng Long Khánh, mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc (thị xã của tỉnh Long Khánh lúc bấy giờ - TP.Long Khánh ngày nay)…

CCB Đỗ Thị Thuận nhấn mạnh: “Gần 7 năm chiến đấu, Đội nữ cối Xuân Lộc đã tham gia đánh 144 trận, trong đó độc lập tác chiến 74 trận, tiêu diệt 771 lính quân đội Sài Gòn, 134 lính Mỹ (có 1 phi công); phá hỏng và thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch. Đội cũng đau xót tiễn đưa nhiều đồng đội hy sinh như chị Thu, anh Nghiệp và nhiều đồng chí khác.

Bên cạnh Đội nữ cối Xuân Lộc lừng danh một thời, đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, còn có nhiều CCB đã trực tiếp tham gia chiến đấu, giải phóng Xuân Lộc vào ngày 9-4-1975. Đó là CCB Nguyễn Tiến Biểu (ngụ ấp Việt Kiều, xã Xuân Hiệp) - nguyên chiến sĩ đặc công làm nhiệm vụ trinh sát điều nghiên thuộc Sư đoàn 6 - một trong những đơn vị chủ lực tham gia giải phóng Xuân Lộc.

Trong câu chuyện lịch sử gắn với cuộc đời mình mà CCB Nguyễn Tiến Biểu thường kể cho con cháu nghe, trận đánh ngã tư Ông Đồn và phá đồn Cầu Sập (Suối Cát), đồn Xuân Phú (dinh Ông Cung) giải phóng Xuân Lộc chiều 9-4 vẫn được ông ưu tiên nhắc nhiều hơn cả.

Ông kể: “Trận địa khu vực Xuân Lộc - Long Khánh khi ấy thực sự “nóng bỏng”. Địch quyết tâm giữ và dựng nên cái gọi là “cánh cửa thép” để “tử thủ” bảo vệ Sài Gòn từ hướng Đông. Mùa Xuân năm 1975, Sư đoàn 6 cho chúng tôi ăn Tết khá sớm vì thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Từ 27 đến 30 Tết, chúng tôi trực tiếp tham gia điều nghiên trận địa mà mục tiêu là Trung đoàn 52 lính bảo an quân đội Sài Gòn (khu vực xã Xuân Trường ngày nay). Tiêu diệt mục tiêu này để chặn địch từ hướng Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đánh vào cũng như tránh địch đổ bộ từ Long Khánh lên để tập trung tiêu diệt các đồn Cầu Sập (Suối Cát), đồn Xuân Phú (dinh Ông Cung) và giải phóng Xuân Lộc vào chiều 9-4-1975”.

Chiến thắng Xuân Lộc đã tạo đà để quân, dân ta tiến về giải phóng Long Khánh hoàn thành mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc (TP.Long Khánh ngày nay), tạo thuận lợi để đại quân ta tiến về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

* Xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Hòa chung niềm vui sau 45 năm ngày giải phóng, từ một vùng đất nghèo với nhiều hộ đói, Xuân Lộc đã chuyển mình vươn lên xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Hiện nay, Xuân Lộc được Chính phủ chọn là một trong 4 đơn vị cấp huyện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến cho biết, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo đạt và vượt 45/50 chỉ tiêu nghị quyết đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu, nghị quyết đạt cao như: xóa hoàn toàn hơn 1,4 ngàn hộ nghèo A (hộ nghèo B chỉ còn hơn 400 hộ); thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2019 khoảng 60 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2015…

Theo đồng chí Viên Hồng Tiến, sau khi Xuân Lộc được Trung ương chọn điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và được UBND tỉnh phê duyệt đề án Xây dựng H.Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã có nghị quyết lãnh đạo thực hiện đề án.

“Chúng tôi xác định, quá trình thực hiện đề án sẽ tập trung quyết liệt, tăng cường đi cơ sở, sâu sát địa bàn khu, ấp để hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ, kiểm tra… kịp thời tháo gỡ những khó khăn, xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh, vướng mắc” - đồng chí Viên Hồng Tiến nhấn mạnh.

Sau gần 2 năm thực hiện, H.Xuân Lộc đã bước đầu đạt kết quả nhất định trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều mô hình tiêu biểu như: khu dân cư kiểu mẫu, tuyến đường kiểu mẫu, vườn cây kiểu mẫu… Dự kiến đến cuối năm 2020, huyện có 9/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3/14 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025, H.Xuân Lộc tập trung vào 3 mục tiêu phát triển đột phá gồm: tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện hiệu quả các mô hình kiểu mẫu về sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch, an toàn; làm tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nguyệt Trinh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202004/ky-niem-45-nam-giai-phong-huyen-xuan-loc-9-4-1975-9-4-2020-tu-hao-truyen-thong-cua-vung-dat-anh-hung-2997643/