Tự hào truyền thống 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Kho Kỹ thuật Tổng hợp (KTTH) 102, Cục Kỹ thuật BĐBP, tiền thân là Đội 25, Tiểu đoàn 25 chăn nuôi ngựa và huấn luyện kỵ binh của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là BĐBP. Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Kho KTTH 102 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, bảo quản, cấp phát vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho các đơn vị phục vụ sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng.

Trung tá Đặng Xuân Thinh (thứ 3 từ phải sang), Chủ nhiệm Kho Kỹ thuật Tổng hợp 102 kiểm tra công tác bảo dưỡng, sửa chữa đạn cối 60mm. Ảnh: Văn Lượng

Trung tá Đặng Xuân Thinh (thứ 3 từ phải sang), Chủ nhiệm Kho Kỹ thuật Tổng hợp 102 kiểm tra công tác bảo dưỡng, sửa chữa đạn cối 60mm. Ảnh: Văn Lượng

Sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (năm 1954), trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội địa, an ninh biên giới và giới tuyến quân sự tạm thời, ngày 3-3-1959, lực lượng CANDVT được thành lập. Chỉ sau hơn 8 tháng, ngày 27-11-1959, Ban Chỉ huy Trung ương CANDVT đã ra Quyết định số 293/QĐ-TW, thành lập Trại Nuôi ngựa, đóng quân tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình (tiền thân của Kho KTTH 102 ngày nay).

Trong những ngày đầu thành lập, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Trại Nuôi ngựa hoạt động trong điều kiện sinh hoạt, công tác vô cùng khó khăn gian khổ ở địa bàn khí hậu khắc nghiệt. Hệ thống kho tàng phải dựa vào địa hình thiên nhiên (hang, núi đá) và phần nhiều phải mượn đình, chùa, nhà dân nên việc quản lý, bảo quản gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Trong hoàn cảnh đó, CBCS đơn vị đã đồng cam cộng khổ, nỗ lực phấn đấu lao động quên mình, tiếp nhận, cấp phát hàng vạn tấn vũ khí, trang bị phương tiện kỹ thuật, bảo quản, bảo vệ tuyệt đối an toàn khu vực kho và nơi sơ tán.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn này, đơn vị nhiều lần có sự thay đổi về tên gọi như: Ngày 20-11-1965, Tham mưu trưởng CANDVT ra Quyết định số 53/QĐ về việc thành lập Tổng kho lấy phiên hiệu là Trạm 101 thuộc Cục Hậu cần, trong đó có Trạm 102, sau này là phân kho 102, Kho 102; ngày 22-11-1971, Bộ Tư lệnh CAVTND ra Quyết định số 09/KH-QĐ thành lập Ban Chỉ huy chung của hai bộ phận (Kho 102 và Đội sản xuất) lấy phiên hiệu là đơn vị K24; đến cuối năm 1976 đơn vị K24 được đổi tên thành Kho 102.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện Chỉ thị của Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần CANDVT, CBCS Kho 102 đã không quản ngày đêm, mưa nắng tham gia hàng nghìn ngày công lao động, bốc dỡ, vận chuyển nguyên vật liệu; quan hệ với các cơ quan, ban, ngành xin mua hàng vạn cây tre, nứa ngoài kế hoạch, phục vụ xây dựng kho tàng. Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, nhằm bảo đảm VKTBKT cho các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu, Kho 102 đã cấp phát hàng vạn tấn vũ khí, khí tài, quân cụ, góp phần cùng với lực lượng, Quân đội và nhân dân ta bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Để thuận lợi cho công tác chỉ huy, chỉ đạo về nghiệp vụ của Kho 102, ngày 4-9-1997, Bộ Tư lệnh BĐBP ký Quyết định số 437/QĐ-BTL tách Kho 102 từ trực thuộc Kho 101 về trực thuộc Cục Hậu cần - Kỹ thuật BĐBP. Trong thời gian này, công tác quản lý hàng hóa, kho tàng tiếp tục được duy trì chặt chẽ, có nề nếp; tổ chức tiếp nhận, cấp phát, bảo quản, bảo dưỡng, dồn chuyển, sắp xếp VKTBKT, vật tư hàng hóa đúng nguyên tắc, quy trình, xử lý tiêu hủy đạn dược cấp 5 đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2019, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác hậu cần và công tác kỹ thuật của lực lượng BĐBP, phục vụ tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, ngày 9-12-2009, Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 4687/QĐ-BQP về tổ chức lại ngành hậu cần, kỹ thuật BĐBP, tách Cục Hậu cần - Kỹ thuật BĐBP thành 2 Cục: Cục Hậu cần BĐBP và Cục Kỹ thuật BĐBP. Từ đây, Kho 102 được đổi tên thành Kho KTTH 102, đánh dấu một giai đoạn mới, nhiệm vụ mới của đơn vị, từ kho chuyên về hàng quân khí chuyển sang làm nhiệm vụ Kho KTTH chuyên bảo quản tất cả các mặt hàng kỹ thuật của BĐBP; phạm vi, nhiệm vụ quản lý ở cả 2 phía Bắc và Nam. Có thể khẳng định rằng, trong giai đoạn này, với nhiệm vụ tiếp nhận, cấp phát, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa VKTBKT số lượng lớn, song bằng tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao độ, CBCS Kho KTTH 102 đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

60 năm qua, mặc dù có nhiều sự điều chỉnh về tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo; song, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, các thế hệ CBCS Kho KTTH 102 đã không ngừng phấn đấu để xây dựng nên truyền thống tốt đẹp của đơn vị.

Trong 60 năm qua, Kho KTTH 102 đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, các cấp, các ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhất Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam; 4 Bằng khen của Bộ Quốc phòng; 4 Bằng khen của UBND tỉnh Hòa Bình; Bằng khen của Tổng cục Kỹ thuật; 6 Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP và nhiều năm liền được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”... Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, đơn vị đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Hiện nay, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, yêu cầu nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới đặt ra cho công tác bảo đảm VKTBKT phải có bước phát triển cao hơn, vững chắc hơn. Để phát huy truyền thống vẻ vang của Kho KTTH 102 trong suốt 60 năm qua, CBCS Kho KTTH 102 cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cụ thể sau:

Một là, quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên, tình hình nhiệm vụ của lực lượng, của Cục Kỹ thuật BĐBP và đơn vị.

Hai là, tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đạo đức.

Ba là, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng đơn vị chính quy, vững mạnh toàn diện.

Bốn là, không ngừng học tập nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, quân sự, văn hóa.

Năm là, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CBCS trong đơn vị.

Đại tá Nguyễn Đình Quân - Cục trưởng Cục Kỹ thuật BĐBP

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tu-hao-truyen-thong-60-nam-xay-dung-chien-dau-va-truong-thanh/