'Tự hào Tổ quốc và mẹ Việt Nam' hòa quyện giữa đạo và đời

Tối 17/8/2018, chương trình nghệ thuật 'Tự hào Tổ quốc và Mẹ Việt Nam' do Ban Thông tin Truyền thông TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức mừng lễ Vu lan và kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ Hà Nội.

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương, Trưởng ban tổ chức chương trình, đã dành thời gian chia sẻ với Văn Hiến về chương trình nghệ thuật đặc biệt này.

Hòa thượng Thích Gia Quang

Thưa Hòa thượng Thích Gia Quang, tháng 7 Âm lịch được biết là khoảng thời gian có rất nhiều công việc Phật sự nhưng từ nhiều năm nay, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (TƯ GHPGVN) luôn dành thời gian để tổ chức chương trình nghệ thuật mừng lễ Vu lan. Phải chăng có một điều gì đó rất đặc biệt mà TƯ GHPGVN một gửi gắm qua chương trình này, thưa Hòa thượng?

Hòa thượng Thích Gia Quang: Lễ Vu lan báo là một dịp rất có ý nghĩa, không chỉ đối với các Phật tử mà còn với tất cả người dân Việt Nam. Bởi vì đó là dịp nhắc người ta hướng đến cội nguồn, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên và công đức của những người có công với quốc gia, xã hội. Lễ Vu lan báo hiếu xuất phát từ tích truyện Mục Kiền Liên báo hiếu với mẹ của Phật giáo nhưng nó cũng rất tương đồng với một nét đẹp trong truyền thống lâu đời của dân tộc ta, đó là đạo hiếu. Bởi vậy cho nên, dù rất bận rộn nhưng từ năm 2014, chương trình nghệ thuật nhân lễ Vu Lan đã trở thành hoạt động thường niên của Ban Thông tin truyền thông TƯ GHPGVN. Chương trình nhằm mục đích khơi dậy và phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân và báo ân các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, ngợi ca tinh thần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc. Khi chúng ta cùng nhau chia sẻ, tri ân công ơn của những người đã sinh ra ta, mang lại sự bình an, tươi đẹp cho đất nước thì cuộc sống của mỗi người sẽ có ý nghĩa hơn. Đồng thời, thông qua chương trình, mọi người có thể cảm nhận được sự hòa quyện, gắn bó giữa đạo với đời, giữa Phật giáo Việt Nam và văn hóa dân tộc, với non sông đất nước.

Thưa Hòa thượng, như vậy là chương trình nghệ thuật Vu lan đã bước sang năm thứ 5, Ban tổ chức phải làm thế nào để chương trình giữ được sức hấp dẫn với khán giả?

Mỗi một năm thì chúng tôi chọn một đề tài sao cho tốt hơn, phù hợp hơn. Như năm 2017, chương trình tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội với chủ đề “Đạo hiếu và dân tộc”. Còn năm nay, chúng tôi chọn đề tài “Tự hào Tổ quốc và Mẹ Việt Nam”. Chúng ta không chỉ tri ân, báo ân những bậc sinh thành, dưỡng dục chúng ta, những người đã giúp đỡ ta trong cuộc đời, mà còn hướng tới tinh thần đền ơn đáp nghĩa, nhớ ơn những bậc tiền nhân đã có công dựng nước, những anh hùng liệt sĩ đã quên mình hiến dâng cho đất nước, vì sự độc lập tự do, vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân. Hình tượng người mẹ trong chương trình không chỉ là mẹ của riêng mỗi người, mà còn là người mẹ Tổ quốc, những người mẹ Việt Nam anh hùng…

Rất nhiều khán giả quen thuộc của chương trình nghệ thuật Vu lan đang nóng lòng muốn biết họ sẽ được đón nhận điều gì ở chương trình năm nay. Xin Hòa thượng bật mí đôi nét về những điểm nhấn của “Tự hào Tổ quốc và Mẹ Việt Nam”?

Năm nay là năm tưởng niệm 710 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn nên một trong những điểm nhấn của chương trình là một trích đoạn của vở cải lương Vua Phật do các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam thể hiện. Đây là trích đoạn Thượng hoàng Trần Nhân Tông dạy vua Trần Anh Tông được ghi lại trong lịch sử, nhằm khơi dậy niềm tự hào về khí phách của cha ông, qua đó hun đúc ý chí độc lập tự cường trong mỗi người. Bên cạnh đó là chùm ca khúc về Tổ quốc và các ca khúc lấy cảm hứng từ đạo Phật sẽ được các nghệ sĩ nổi tiếng như Vũ Thắng Lợi, Đức Tuấn, Quang Hà… thể hiện. Bộ sưu tập áo dài mang chủ đề “Linh sen”- Chân linh trong hoa sen do Hoa hậu Việt Nam Đặng Ngọc Hân thiết kế dành tặng riêng cũng sẽ được trình diễn trong chương trình. Và, không thể không kể đến một sự xuất hiện vô cùng đặc biệt của Thiên Ngôn, chàng trai mang căn bệnh bại não bẩm sinh nhưng đã vượt qua được mọi khó khăn nhờ tình yêu vô bờ bến và ý chí kiên cường của người mẹ. Không chỉ xuất hiện và giao lưu với khán giả, Thiên Ngôn còn mang đến ca khúc “Giờ con mới biết” viết tặng mẹ qua phần trình bày của ca sĩ Bảo Trâm.

Những năm gần đây, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật như âm nhạc, sân khấu… bắt nguồn từ Phật giáo được các nghệ sĩ cho ra mắt công chúng. Xin Hòa thượng cho biết cảm xúc của mình khi đón nhận những tác phẩm này?

Tôi cảm thấy rất vui mỗi khi có duyên được thưởng thức tác phẩm của các nghệ sĩ. Khi các nghệ sĩ giới thiệu nhiều tác phẩm nghệ thuật bắt nguồn từ Phật giáo đến công chúng, cũng là lúc đạo hòa quyện được với đời, những triết lý nhà Phật đã đi được vào trong tâm trí mọi người. Nghệ thuật trở thành cây cầu nối đạo và đời, góp phần đưa đạo Phật vào trong đời sống, làm đẹp đời sống. Đó cũng chính là một trong những lí do chúng tôi muốn tổ chức những chương trình nghệ thuật như thế này, vì nó dễ đi vào lòng người, những gì xuất phát từ cái Tâm của nhà Phật sẽ được truyền trọn vẹn đến tâm mọi người.

Xin cảm ơn Hòa thượng Thích Gia Quang!

Ca sĩ Đức Tuấn tham gia chương trình

Thiên Ngôn cùng mẹ

TIẾNG VÕNG MẸ ĐƯA - Nhạc: Phạm Việt Long, Thơ: Vương Tiến Hòa, Trình bày: Vũ Yến Ngọc

Huyền Đỗ (thực hiện)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/%E2%80%9Ctu-hao-to-quoc-va-me-viet-nam%E2%80%9D-hoa-quyen-giua-dao-va-doi-63273