Tự hào tà áo dài

Trước khi có đợt phát động tuần lễ phụ nữ cả nước mặc áo dài mà trước đó, trên khắp đất nước từ vùng đồng bằng tới miền núi, từ thiếu nhi đến người cao tuổi đều đã có những hành động tôn vinh, gìn giữ trang phục áo dài truyền thống. Tất cả xuất phát từ lòng tự hào tà áo dài Việt.

Nét đẹp thổ cẩm được tôn vinh trong thiết kế áo dài của phụ nữ huyện Đakrông, Quảng Trị.

Nét đẹp thổ cẩm được tôn vinh trong thiết kế áo dài của phụ nữ huyện Đakrông, Quảng Trị.

Khắp nơi hưởng ứng mặc áo dài

Tuần lễ mặc áo dài mang thông điệp tôn vinh các nét đẹp, giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc Việt Nam.

Chính vì thế tuần lễ mặc áo dài đã và đang nhận được phụ nữ trên toàn quốc nhiệt tình hưởng ứng, từ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trăm tuổi cho đến các bé gái nhi đồng. Bởi phía sau đó không chỉ là câu chuyện về trang phục mà còn là vấn đề chủ quyền văn hóa trong giữ gìn quốc phục.

Hội LHPN huyện miền núi Thanh Chương, Nghệ An đã tổ chức cuộc thi “Áo dài Thanh Chương qua ảnh” nhằm hưởng ứng Tuần lễ mặc áo dài. Rất bất ngờ là sau khi phát động, cuộc thi đã nhận được gần 3.000 lượt bài đăng ký dự thi, trong đó có 13 tác phẩm dự thi của các cụ từ 100 tuổi trở lên, trong đó có cả Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Nhìn bức ảnh của cụ bà Trần Thị Đào (95 tuổi, trú tại xã Thanh Lâm) và cụ bà Trần Thị Hoàn (100 tuổi, trú tại xã Đồng Văn) hưởng ứng Cuộc thi Áo dài Thanh Chương online 2020 không ai không cảm thấy hạnh phúc và tự hào.

Không phải đến bây giờ, những tà áo dài bay bay xuống phố mới được nhìn thấy ở phố cổ Hội An mà theo thông tin từ Hội LHPN tỉnh Quảng Nam thì từ năm 2019, Hội đã có quy định cán bộ Hội đến công sở làm việc mặc đồng phục áo dài vào ngày thứ hai hàng tuần, hoạt động này được duy trì đến nay và được lãnh đạo sở, ngành đánh giá cao và cán bộ cơ quan đồng tình hưởng ứng.

Tương tự, hiện nay Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 100% cán bộ nữ mặc trang phục áo dài đi làm vào ngày thứ hai hàng tuần. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh cũng đang khuyến khích kết hợp sử dụng các thiết kế thổ cẩm của người dân tộc Ê Đê vào áo dài nhằm tạo điểm nhấn cho tà áo dài thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ê Đê trên địa bàn.

Ở góc độ các cơ quan bộ, ngành, hưởng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam” do Công đoàn Bộ Tư pháp phát động, từ đầu tháng 3 đến nay phụ nữ một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã mặc áo dài đến công sở với tinh thần tươi mới, trang trọng.

Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp Khương Thị Thanh Huyền cho biết, ngay sau khi Công đoàn Bộ phát động hưởng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam” hầu hết các đơn vị thuộc Bộ đều hưởng ứng. Việc mặc áo dài đến công sở không những làm tôn thêm vẻ đẹp của các cán bộ nữ mà còn phát huy giá trị văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, từ đó góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn.

Không chỉ các cơ quan, tổ chức trong nước mà bạn bè quốc tế đang làm việc tại Việt Nam cũng nhiệt tình hưởng ứng Tuần lễ mặc áo dài. Bà Julianne Cowley - Tổng Lãnh sự Australia tại TP HCM cho biết, cuộc phát động cả nước mặc áo dài là sự kiện rất quan trọng và thú vị, tôn vinh trang phục truyền thống của Việt Nam và càng trở nên có ý nghĩa khi sự kiện diễn ra vào dịp Quốc tế Phụ nữ - 8/3. Trong dịp này, không chỉ các nữ nhân viên của Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP HCM hưởng ứng mà các đồng nghiệp nam cũng nhiệt tình không kém. Họ rất thích thú khi được mặc chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam…

Nên có “Ngày Áo dài Việt Nam”

Nói về vấn đề xây dựng thương hiệu cho áo dài Việt Nam, còn nhớ, NTK áo dài Sỹ Hoàng đã từng kể câu chuyện: “Ngày 22/1/2014 trong buổi lễ khánh thành Bảo tàng Áo dài sau 12 năm xây dựng, phát biểu được vài câu tôi đã khóc như một đứa trẻ trước hàng trăm quan khách tham dự. Nước mắt của một người vượt qua giới hạn bản thân để xây dựng được một Bảo tàng Áo dài cho người Việt. Suốt bao năm qua có dịp giao lưu với học sinh, sinh viên các trường.

Tôi luôn nhấn mạnh với các em học sinh, sinh viên rằng việc mặc áo dài không phải chỉ là đẹp, mà nó còn là trách nhiệm công dân về ý thức dân tộc, là trách nhiệm khi thế hệ trẻ phải nối tiếp giữ gìn văn hóa. Biên giới hải đảo một khi bị chiếm lấy một cách sai quấy, ta còn có thể cậy nhờ quốc tế can thiệp. Văn hóa mất rồi thì ai lấy giúp cho ta”.

Từ năm 2016, ngày 15/5 hàng năm được chọn là Ngày Áo dài tại California (Mỹ). Đây là tin vui của tất cả những người yêu áo dài và những người yêu văn hóa Việt Nam. Ở trong nước, từ năm 2019, vào ngày 8/3 và 20/10/2019, phụ nữ trong nước và quốc tế khi mặc trang phục áo dài truyền thống Việt Nam đến tham quan di tích Huế đã được miễn phí vé 100%. Và TP HCM đã 6 lần tổ chức “Lễ hội Áo dài” thu hút hàng triệu lượt người tham gia…

Từ những thông tin này có thể thấy ý tưởng về một “Ngày Áo dài Việt Nam” là rất cần thiết vừa để tôn vinh, xây dựng thương hiệu cho áo dài Việt Nam, vừa để tiến tới việc áo dài Việt Nam được công nhận là quốc phục, là di sản văn hóa.

“Việt Nam nên có “Ngày Áo dài Việt Nam”. Đó chính là khẳng định chủ quyền cho áo dài Việt Nam. Bản thân tôi cũng đã có ý tưởng kết hợp với Hội LHPN để tổ chức chương trình Tự hào áo dài Việt, không chỉ ở trong nước mà thời gian vừa rồi cũng đã tổ chức ở Hàn Quốc. Đấy chính là những hành động khẳng định của mình trên trường quốc tế.

Trong năm 2020, Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam sẽ kết hợp với Hội LHPN để tổ chức những chương trình lớn, phát động phong trào, tạo nên những kỷ lục mới, có thể là kỷ lục Guinness, ví dụ như phụ nữ cả nước mặc áo dài trong một ngày. Đó là những điều chúng tôi đang triển khai để bảo vệ tà áo dài Việt Nam”, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết.

Được biết, Bảo tàng Áo dài và Hội Di sản Văn hóa TP HCM đang tiến hành lập hồ sơ trình Chính phủ để công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam. Tuy nhiên, theo NTK Sĩ Hoàng: “Mặc áo dài không chỉ để đẹp, mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Văn hóa chỉ được bảo tồn chắc chắn, phát huy được giá trị khi được sống trong lòng đời sống hằng ngày.

Bảo tàng Áo dài và Hội Di sản văn hóa TP HCM đang tiến hành lập hồ sơ trình Chính phủ để công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam, tiến tới xác nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thuộc sở hữu của Việt Nam tại UNESCO. Tuy nhiên, đến nay tiến trình này vẫn còn khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng”.

Thông tin từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho thấy, một nhóm trên Facebook với tên gọi “Tự hào áo dài Việt Nam” đã được thiết lập từ giữa tháng 2/2020. Sau 3 tuần thiết lập, đến ngày 2/3 nhóm đã có gần 4.000 thành viên với hơn 1.000 bài viết. Và tới đây, các hoạt động trình diễn áo dài, diễu hành và đồng diễn áo dài dự kiến sẽ được tổ chức từ tháng 4 đến tháng 10 và cao điểm là tại 6 tỉnh/thành phố (Thủ đô Hà Nội, TP HCM, Đắk Lắk, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam).

Trong tháng 4, Hội thảo “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa Quốc gia tổ chức sẽ làm rõ hơn các giá trị liên quan đến áo dài, giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của áo dài Việt Nam, góp phần thu thập thông tin để lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…

“Định vị” áo dài Việt trên bản đồ thời trang thế giới

Nhiều năm trở lại đây, áo dài Việt ngày càng “định vị” trên bản đồ thời trang thế giới. Người có công không thể không nhắc tới NTK Minh Hạnh. Với nhiều người Việt Nam, người phụ nữ sinh năm 1961 tại Gia Lai, gốc Huế được gọi là “Sứ giả áo dài”.

Minh Hạnh không chỉ sưu tầm, truyền bá áo dài Việt Nam mà còn sáng tạo không mệt mỏi, nâng cao tính dân tộc, hiện đại của áo dài trong nước và thế giới, để người dân Việt và thế giới hiểu hơn, yêu hơn đất nước mảnh đất hình chữ S này.

Niềm đam mê của bà được đền đáp. Năm 1997, Minh Hạnh đoạt giải ở cuộc thi thiết kế Makuhari Grand Prix tại Nhật. Ngay sau đó, bà là NTK Việt đầu tiên có vinh dự giới thiệu 100 mẫu thời trang trong bộ sưu tập áo dài tại đền Kiyomizu – Dera (Nhật), nơi chưa có ai được trình diễn tại đây, kể cả với giới thiết kế Nhật Bản.

Minh Hạnh cũng có nhiều buổi diễn tại các kinh đô thời trang trên thế giới để tôn vinh chiếc áo dài quê hương. Năm 2006, NTK Minh Hạnh được Pháp tấn phong Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương.

Không chỉ Minh Hạnh, Việt Nam còn có rất nhiều NTK yêu tà áo dài cháy bỏng. Họ đã sáng tạo ra những mẫu thiết kế mang đẳng cấp thế giới. Đó là, các NTK Lan Hương, Đức Hùng, Tuấn Hải, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Minh Châu, Võ Việt Chung, Sĩ Hoàng, Ngô Nhật Huy, Thuận Việt, Đặng Ngọc Hân, Đặng Viết Bảo, Quang Nhật…

Dương Nhi

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/su-kien-ban-luan/tu-hao-ta-ao-dai-498169.html