Tự hào sân khấu Quảng Ninh

Hơn nửa thế kỷ qua, sân khấu Quảng Ninh đã không ngừng lớn mạnh và phát triển. Các thế hệ nghệ sĩ đã ra sức lao động, sáng tạo nghệ thuật, đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đội văn công xung kích Quảng Ninh biểu diễn tại biên giới phía Bắc năm 1979. Ảnh: Trương Thái

Đội văn công xung kích Quảng Ninh biểu diễn tại biên giới phía Bắc năm 1979. Ảnh: Trương Thái

Hoạt động sân khấu chuyên nghiệp ở Quảng Ninh được hình thành vào năm 1956, một năm sau ngày giải phóng Vùng mỏ. Các đoàn nghệ thuật như: Đoàn Nghệ thuật Cải lương, Đoàn Nghệ thuật Chèo, Đoàn Ca Múa Nhạc, Đoàn Kịch lần lượt thành lập vào năm 1956, 1960, 1962 và 1966.

Các đoàn nghệ thuật của tỉnh đã xây dựng được một đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công hùng hậu, chất lượng nghệ thuật ngày càng nâng lên mức chuyên nghiệp. Đạo diễn Lê Chính, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Quảng Ninh, cho biết: Quảng Ninh có nhiều nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp, tài năng, tâm huyết, tiêu biểu như: Vi Huyền Đắc, Thanh Đạm, Võ Khắc Nghiêm, Vương Lan, NSƯT Hoàng Hạc, Phạm Chính, Nguyễn Phụng, Đức Nhuần, Thanh Châu, Lê Chính. Tỉnh có 12 đạo diễn sân khấu được đào tạo ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam, là lực lượng nòng cốt cho việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ biểu diễn, sáng tác và dàn dựng vở diễn.

Đội văn công phục vụ chiến trường những năm chống Mỹ gặp mặt năm 2018.

Nhờ vào lực lượng đó, sân khấu Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều vở diễn thành công, gây được tiếng vang như: "Chị Ngần", "Người không thể chết", "Vỉa than ngầm", "Vàng đen", "Đời người thợ mỏ", "Tiếng sóng Bạch Đằng", "Sắc phù dung", "Quê than rực lửa", v.v.. Toàn tỉnh đã xây dựng được hơn trăm vở diễn dài gồm kịch, cải lương, chèo để tham gia các hội diễn. Riêng Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh có 40 tiết mục và 2 vở kịch hát. Các đoàn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Nhì, hạng Ba. Nhiều tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ đã được các phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng Chiến hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao Động; danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Vùng mỏ v.v..

Bên cạnh sân khấu chuyên nghiệp, sân khấu không chuyên Quảng Ninh cũng đã hoạt động sôi nổi, bền bỉ, sâu rộng từ cơ sở, trải rộng mọi vùng, mọi ngành trong toàn tỉnh. Các thế hệ diễn viên, tác giả, đạo diễn nối tiếp nhau gắn bó, say mê, khát khao sáng tạo. Theo đạo diễn Lê Chính, từ năm 1956 đến nay, sân khấu không chuyên ước có trên 1.500 vở kịch ngắn, hoạt cảnh chèo, cải lương, kịch thông tin. Đặc biệt, từ năm 1990 đến nay, sân khấu không chuyên có bước phát triển rất mạnh, cả về số lượng và chất lượng. Trong toàn tỉnh có trên 600 diễn viên, tác giả, đạo diễn không chuyên. Nhiều nghệ sĩ tài năng từng ở các đoàn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp nay về hưu đã tham gia nhiệt tình, tâm huyết với phong trào văn nghệ quần chúng.

Đến nay, Hội VHNT Quảng Ninh đã chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức 18 đợt hội diễn, liên hoan sân khấu, thu hút 217 vở kịch ngắn, kịch hát, chèo, cải lương. Đây là tỉnh hội duy nhất trong cả nước tổ chức được nhiều đợt hội diễn, liên hoan sân khấu với quy mô lớn và chuyên nghiệp.

Một cảnh trong vở kịch “Người không thể chết”. Ảnh tư liệu của gia đình nhà viết kịch Thanh Đạm

Về đặc điểm, sân khấu Quảng Ninh đã tạo dựng nên một phong cách nghệ thuật tươi tắn, khỏe khoắn, mang đậm sắc thái của vùng công nghiệp khai thác mỏ. Nhiều tác phẩm sân khấu ra đời mang dáng vóc sử thi, ca ngợi chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi chiến công, lên án kẻ thù. Nhiều nghệ sĩ đã trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, luôn bám sát trận địa, có mặt kịp thời ở các mặt trận, phục vụ biểu diễn nghệ thuật, động viên, khích lệ, tiếp lửa tinh thần cho quân và dân kiên cường chiến đấu, đánh thắng chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kỳ và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Sân khấu Quảng Ninh còn đóng góp tích cực vào tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế về nghệ thuật biểu diễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tác phẩm sân khấu viết về đề tài lịch sử, chiến tranh, công nhân mỏ, lực lượng vũ trang, ca ngợi những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, kinh doanh, ca ngợi lòng nhân ái, vị tha; đồng thời phê phán, đấu tranh, lên án cái ác, cái xấu đã ra đời. Nhiều vở diễn có tính giáo dục nhân văn sâu sắc, tính thẩm mỹ cao, hướng tới giá trị đích thực, được công chúng nồng nhiệt đón nhận.

Trong công cuộc hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa hiện nay, các thế hệ nghệ sĩ diễn viên sân khấu ở Quảng Ninh đang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, niềm say mê sáng tạo, viết tiếp những trang sử vẻ vang, tự hào.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201903/tu-hao-san-khau-quang-ninh-2434297/