Tự hào những cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam

Cứ vào những ngày tháng lịch sử này, Đại tá Hồ Thanh Can và nhiều đồng đội thuộc lực lượng Thông tin - Vô tuyến điện (thuộc Cục trinh sát kỹ thuật, Bộ Công an) từng được chi viện cho chiến trường miền Nam lại bồi hồi xúc động nhớ lại 'một thời hoa lửa'.

Từ năm 1961 cho đến năm 1975, đã có hơn 100 lượt cán bộ chiến sỹ được chi viện vào chiến trường Miền Nam, góp phần cho công cuộc giải phóng đất nước. Trong số ấy, có những chiến sỹ còn rất trẻ...

1. Chúng tôi có mặt tại khu tập thể Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) vào một buổi chiều cuối tháng 4, nắng vàng như rót mật. Trong căn phòng nhỏ, vợ chồng Đại tá Hồ Thanh Can đang vuốt lại những bộ quân phục, huân huy chương… để chuẩn bị tham gia cuộc mít tinh vào sáng ngày 30-4. Đại tá Can nhớ lại những ngày gian khổ mà hào hùng…

 Đại tá Hồ Thanh Can (hàng sau, thứ 5 từ trái qua) và đồng đội thời điểm chuẩn bị lên đường chi viện chiến trường miền Nam.

Đại tá Hồ Thanh Can (hàng sau, thứ 5 từ trái qua) và đồng đội thời điểm chuẩn bị lên đường chi viện chiến trường miền Nam.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Gia Lâm (Hà Nội), cậu bé Can sớm tham gia cách mạng, làm liên lạc cho các cán bộ tiền khởi nghĩa. Năm 1947, Can được cấp trên giao nhiệm vụ làm trinh sát cho Tiểu đoàn Thiên Đức (D20) Bộ đội địa phương tỉnh Bắc Ninh.

Sau nhiều năm làm trong bộ phận Cơ yếu của Tỉnh ủy, tháng 7-1957 Can được chuyển về Cục Trinh sát thám không (Bộ Công an). Tháng 5-1961 ông được điều về Cục Trinh sát kỹ thuật, phụ trách Trung tâm thông tin Vô tuyến điện (đài A10).

Tại đây, ông cùng đồng đội bố trí mạng đài, chọn tần số cho các chuyên án đấu tranh chống gián điệp biệt kích. Những chuyên án này đều thành công ngoài mong đợi khi trong vòng 13 năm, ta đã bắt gọn hơn 50 toán, gần 600 tên biệt kích, thu nhiều phương tiện gồm điện đài, mìn, thuốc nổ, súng AK…

Tháng 6-1969 trước tình hình chiến trường Miền Nam ngày càng ác liệt, đòi hỏi công tác thông tin liên lạc phải được bổ sung tăng cường, Đại tá Can cùng 34 đồng chí lên đường chi viện vào Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (Trung ương Cục). Từ đây họ lại tỏa ra khu V, khu VI…

Tại Trung ương Cục đóng tại Tây Ninh, ông Can cùng đồng đội vừa thực hiện công tác bảo đảm thông tin nhanh chóng, chính xác, bí mật, an toàn, thông suốt từ Trung ương Cục về Trung ương và các tỉnh; vừa phụ trách tuyên huấn, đào tạo nghiệp vụ để tăng cường cho các Ty an ninh miền Nam.

"Có thể nói đây là giai đoạn đầy khó khăn, gian khổ. Trước chuyến "đi B", tất cả cán bộ chiến sỹ đã được đeo ba lô nặng 30kg, tập đi bộ mấy tháng trời. Đơn vị sau đó được chia thành nhiều tốp, lần lượt lên đường.

Chỉ được xe ôtô đưa đi vài chục km, còn sau đó là cứ thế tăng bo vượt đại ngàn Trường Sơn vào đến tận vùng rừng núi Tây Ninh, giáp với nước bạn Campuchia. Tốp đi nhanh thì sau hơn 2 tháng có mặt. Có những cán bộ trên đường đi bị máy bay địch bắn phá, thất lạc đơn vị đến cả một năm sau mới đến nơi.

Lính thông tin tuy không phải trực tiếp cầm súng chiến đấu, giáp mặt với kẻ thù song vẫn luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Do địch thường xuyên dùng phương tiện kỹ thuật để "dò" nhằm chặn thông tin của ta, đồng thời cho máy bay oanh tạc để cắt đứt thông tin nên tôi và đồng đội phải chia nhỏ các máy móc phương tiện.

Đồng thời mỗi khi nhận/truyền tin xong là lập tức trong tình trạng chuẩn bị ôm máy chạy để chống oanh tạc. Vậy mà cũng có lần bị B52 Mỹ ném bom, một đồng chí không kịp di chuyển đã hy sinh…

Không chỉ gian khổ trong công tác, việc ăn uống sinh hoạt cũng vô vàn thiếu thốn. Ngoài giờ trực, anh em phải chia nhau đi tăng gia sản xuất, trồng thêm đỗ, lạc để cứu đói. Có những thời điểm cả tháng chỉ có đỗ, hết rang, bung… ăn đến xót ruột".

Trước khi vào Nam chiến đấu, Đại tá Can đã lập gia đình (vợ ông là bà Lê Thị Thanh, quê Bắc Ninh) và sinh được một bé trai và một bé gái.

Năm 1972, giặc Mỹ điên cuồng ném bom Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc. Một đêm trong ca trực, ông cứ thấy bồn chồn, không yên. Sau đó ít ngày, có đoàn cán bộ từ miền Bắc vào. Gặp một người quen, Đại tá Can hỏi chuyện gia đình thì vị cán bộ trầm ngâm rất lâu, rồi mới nắm tay động viên ông hết sức bình tĩnh.

"Khi ấy tôi đã đoán nhiều khả năng có người thân bị thương hoặc hy sinh vì bom Mỹ, song mấy chị em gái cùng đơn vị có lẽ đã biết tin trước tôi thì òa lên khóc. Đến lúc đó tôi mới biết cái đêm bồn chồn ấy - đêm 25-12-1972, bom Mỹ đã sát hại cả hai đứa con, bố vợ và chị dâu khi gia đình tôi đang sơ tán ở Bắc Ninh. Nghe tin ấy tôi đã ngất xỉu…

Vợ chồng Đại tá Hồ Thanh Can.

Đến khi tỉnh lại tôi cố gắng tự trấn tĩnh và nghĩ rằng, trong chiến tranh người còn người mất là lẽ tất nhiên. Tôi đã biến đau thương thành hành động, tiếp tục lao vào công tác…". Kể đến đây, Đại tá Can mắt đỏ hoe. Còn bà Thanh thì gục đầu thổn thức: "Nếu chúng còn thì nay cũng đã đều 59, 60 tuổi rồi anh ạ".

Tháng 3-1974, Đại tá Can được cấp trên đưa ra Bắc, công tác tại Phòng Thông tin vô tuyến điện (Cục Thông tin liên lạc) Bộ Công an. Tháng 3-1975, cùng với những tin vui trong chiến trường miền Nam thì vợ chồng Đại tá Can được đón cậu con trai chào đời. Năm sau họ đón thêm cô con gái. Hạnh phúc lại mỉm cười với gia đình ông. Sau đó ông tiếp tục công tác tại Cục Thông tin liên lạc đến tháng 7-1991 thì nghỉ hưu.

2. Trong số cán bộ chiến sỹ chi viện Miền Nam của lực lượng thông tin liên lạc có Thượng tá Nguyễn Thị Minh. Khi đó bà là chiến sỹ trẻ nhất, mới tròn 15 tuổi. Và cho dù nửa thế kỷ đã trôi qua, song ký ức về một thời gian khổ mà oanh liệt, hào hùng vẫn còn sâu trong tâm khảm.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Đông (Hà Nội), khi đang học lớp 7 trường làng thì cô gái Nguyễn Thị Minh được tuyển vào trường "Trinh sát đặc biệt", Bộ Công an. Sở dĩ có sự ra đời của trường là vì sau sự kiện vịnh Bắc bộ, Bộ Chính trị và Bác Hồ nhận định có nhiều khả năng Mỹ đưa quân ra đánh miền Bắc.

Chủ động ứng phó với tình hình, năm 1966 Bác Hồ chỉ đạo cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và giao nhiệm vụ trực tiếp cho đồng chí Trần Quốc Hương (khi đó là Ủy viên TW Đảng, phụ trách tình báo đặc khu Sài Gòn - Gia Định) đứng ra tổ chức đào tạo một lớp Điệp báo viên để cài cắm hoạt động ở các tỉnh thành miền Bắc khi cần thiết.

Đây là khóa học đặc biệt của Bộ Công an, chỉ tuyển chọn các cháu gái từ 12-15 tuổi, là con em các gia đình cơ bản ở miền Bắc. Thượng tá Minh vinh dự được tuyển và là một trong 60 học sinh của trường trinh sát đặc biệt ấy. Trong 2 năm đào tạo, bà và đồng đội được trang bị đầy đủ kiến thức về chính trị xã hội nghiệp vụ và kỹ năng sống để có thể hoạt động độc lập trong lòng địch khi tình huống xảy ra.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968 tình hình cách mạng đã có nhiều thay đổi, đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc và chấp nhận đàm phán với ta. Khi đó nhu cầu chi viện cho chiến trường cũng nhiều hơn nên một số học viên xuất sắc của trường được chuyển chọn đi chi viện cho chiến trường miền Nam.

Một ngày mùa đông năm 1968, cô bé Minh đã được đích thân cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến đón và giao cho đồng chí Trương Công Thuận (Ủy viên TW Đảng, Phó bí thư Khu ủy khu 5) với mục đích nếu có điều kiện sẽ bố trí vào mạng lưới điệp báo ở nội thành Sài Gòn.

Tuy nhiên thời điểm đó việc bố trí cán bộ nói giọng Bắc vào hoạt động nội thành là vô cùng nguy hiểm. Minh được đưa vào căn cứ cách mạng ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng, biệt phái sang phục vụ cơ quan đầu não của Khu ủy Khu 5 và làm việc tại trung tâm thông tin liên lạc và vô tuyến điện của văn phòng khu ủy.

Đây là trung tâm thông tin liên lạc lớn và quan trọng của miền Trung có nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc kết nối giữa trung ương với cơ quan đầu não của mặt trận miền Trung - Trung Bộ và giữa căn cứ cách mạng với các tỉnh miền Trung.

Cựu cán bộ thông tin vô tuyến điện chi viện chiến trường miền Nam trong một buổi họp mặt.

Trong chiến tranh, công tác thông tin liên lạc được ví như mạch máu trong cơ thể con người, luôn luôn phải đảm bảo thông suốt bất kể lúc nào, bất kể tình huống nào, bất kể ngày hay đêm. Công tác tại Khu ủy khu V, bà Minh và đồng đội vinh dự được sống, chiến đấu cùng đồng chí Võ Chí Công (khi ấy là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam).

Bước chân vào chiến trường với bao lạ lẫm, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, bữa cơm toàn sắn và hạt bo bo với rau rừng, nước suối, những trận sốt rét liên miên, nhưng với bản lĩnh và ý chí được rèn luyện từ khi được đào tạo ở trường, Minh cố gắng làm quen dần với điều kiện công tác mới, hòa mình vào tập thể để học hỏi, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chân ướt chân ráo vào chiến trường, là con gái độ tuổi mới lớn, song các tiêu chuẩn cũng như công việc đòi hỏi y hệt cánh nam giới. Minh và đồng đội mỗi người chỉ được phát 2 bộ quần áo thay nhau. Những vật dụng thiết yếu cho phái nữ cũng không có. Chị em phải tự sáng tạo để sử dụng. Gian khổ ác liệt không ngăn được ý chí của tuổi trẻ, những lúc rảnh rỗi Minh và đồng đội vẫn cùng nhau ca vang những bài hát cách mạng để quên đi gian khổ.

Vào những năm 1970, chiến sự càng trở nên ác liệt. Chiến trường Khu 5 (gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi…) được ví như "chảo lửa". Địch ném bom và càn quét liên tục lên căn cứ và ta cũng mở nhiều chiến dịch tấn công. Minh và đồng đội phải làm việc không kể ngày đêm trong điều kiện vô cùng khó khăn.

"Có thời điểm địch liên tục ném bom, nhiều anh chị em bị thương. Tổ công tác chỉ còn một cán bộ trực 24/24, không dám bỏ đài một giây phút nào. Khi đói quá không chịu nổi phải nhờ một thương binh trực hộ để xuống nhà bếp xúc trộm một bát củ mài ăn cho đỡ đói để tiếp tục làm việc…

Rồi mối nguy hiểm luôn rình rập vì mỗi khi làn sóng vô tuyến điện phát lên kẻ địch có thể rà soát định vị được vị trí phát sóng và lập tức B52 sẽ dội bom xuống. Đơn vị phải di chuyển địa điểm liên tục để đảm bảo an toàn. Dù cảnh giác đến đâu thì đau thương mất mát vẫn không thể tránh khỏi. Trong chiến tranh sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Chúng tôi đã nhiều lần phải chứng kiến đồng đội trúng bom hy sinh hết sức đau thương…" - Thượng tá Minh nhớ lại.

Sáu năm công tác ở chiến trường trong mưa bom bão đạn và gian khổ tột cùng, Thượng tá Minh và đồng đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Lực lượng công an tin tưởng giao phó. Và cho đến hôm nay những học sinh trường nữ trinh sát đặc biệt có thể ngẩng cao đầu mà tự hào nói rằng, tất cả tuổi thanh xuân, tất cả cuộc đời đã hiến dâng cho sự nghiệp cao cả của dân tộc, sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, may mắn được trở về trong vinh quang và tự hào, Minh lại tiếp tục đi học đại học và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bà công tác tại Đội An ninh Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho tới khi nghỉ hưu.

Minh Tiến

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/tu-hao-nhung-can-bo-cong-an-chi-vien-chien-truong-mien-nam-543357/