Tự hào làng nghề may cờ Tổ quốc

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 30km về hướng Nam, trên mảnh đất 'trăm nghề' Hà Tây (cũ), có một làng nghề tuy chỉ có hơn 70 năm phát triển, nhưng đó lại là một nghề truyền thống rất vinh dự, tự hào: Nghề may những lá cờ Tổ quốc. Ngôi làng đó có tên Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Chị Vương Thị Nhung thận trọng từng đường kim, mũi chỉ để hoàn thiện lá cờ Tổ quốc.

Chị Vương Thị Nhung thận trọng từng đường kim, mũi chỉ để hoàn thiện lá cờ Tổ quốc.

Tự hào khi được làm nghề

Từ thế kỷ XVI, Từ Vân đã là làng nghề thêu dệt có tiếng. Nhiều người làng Từ Vân đã lên Hà Nội và mở cửa hàng bán các sản phẩm thêu. Trong những lá cờ tung bay ở Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945, rất nhiều sản phẩm được làm ở Từ Vân.

Và hơn 70 năm trôi qua, nhiều biến cố lịch sử xảy ra nhưng Từ Vân vẫn là cái nôi, là điểm khởi đầu của những lá cờ mang hồn cốt dân tộc. Bên cạnh những giá trị kinh tế, nghề may và thêu cờ Tổ quốc của làng Từ Vân còn là một nét đẹp truyền thống, là điều thiêng liêng mà ít nơi nào có được. Nhiều người dân nơi đây đã gắn bó với nghề vài chục năm, tự hào vì được tiếp nối nghề cha ông truyền lại và chưa một ngày có suy nghĩ dừng lại.

Người dân làng Từ Vân rất tự hào vì những lá cờ Tổ quốc do họ làm ra có mặt ở khắp mọi miền đất nước.

Bà Đặng Thị Đàn, người có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề may cờ ở làng Từ Vân tự hào nói: Do ý nghĩa thiêng liêng của lá cờ Tổ quốc cho nên mỗi công đoạn may cờ đều đòi hỏi người thợ phải thực sự khéo léo, tỉ mẩn trong từng đường kim, mũi chỉ.

Theo lời bà Đàn, nghề may cờ Tổ quốc tuy không khó so với các nghề may, thêu khác nhưng lại đòi hỏi sự kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, bền đẹp.

Để có được một lá cờ đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như pha vải, đo, cắt, chèn sao, khâu vá. Nghề may cờ cần nhất ở khâu chọn vải và thêu. Vải chọn sao cho màu phải bền, không bị nếp gấp, để khi thêu được phẳng và khó nhất là khâu đính sao vàng ở chính giữa sao cho cân đối, không được phép lệch. Vì lá cờ khi đã treo lên là biểu tượng của đất nước, thể hiện sự trang nghiêm và tự hào.

Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn là linh hồn, là danh dự, tự hào của đất nước Việt Nam.

Đến thăm cơ sở sản xuất cờ Tổ quốc lớn nhất Từ Vân hiện nay là xưởng Duyên Phục, phóng viên thấy không khí làm việc sôi nổi, khẩn trương, tất bật của các nhân công cho kịp các đơn hàng song trên nét mặt mỗi người đều ánh lên niềm vui.

Theo bà Đàn, để có được một lá cờ đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như pha vải, đo, cắt, chèn sao, khâu vá.

Anh Nguyễn Văn Phục, chủ cơ sở cho biết, vì gia đình có truyền thống làm cờ nên anh biết may cờ từ ngày còn bé. May cờ với anh như một lựa chọn tự nhiên, do vậy anh coi đó là cái nghiệp của mình, cũng là kế sinh nhai mà gia đình anh cùng gìn giữ cho đời con cháu sau này.

Ngoài những lá cờ lớn thì những loại cờ nhỏ cũng được người dân Từ Vân sản xuất với số lượng lớn.

Mỗi năm hộ gia đình anh Phục xuất ra thị trường hàng trăm nghìn lá cờ Tổ quốc với đủ mọi kích thước. Hiện xưởng anh có 30 nhân công đang ngày đêm làm việc, thực hiện cho kịp các đơn hàng cho ngày Quốc khánh 2/9.

Theo chia sẻ của anh Phục, trước đây, may cờ chủ yếu làm bằng tay tốn nhiều thời gian, cần nhiều người làm nên có năm làm không kịp hàng. Nhưng hiện nay xưởng của anh dùng máy móc sản xuất hiện đại, tự động, lập trình trên máy vi tính nên độ chính xác cao, tốc độ nhanh hơn, lượng cờ đưa ra thị trường cũng tăng cao.

Không khí làm việc ở xưởng may cờ Duyên Phục lớn nhất Từ Vân.

Trong câu chuyện của mình anh Phục nhớ lại những kỷ niệm khó quên trong suốt hơn 20 năm làm nghề may cờ Tổ quốc. Theo đó, xưởng của anh Phục may mắn được làm lá cờ để treo ở cột cờ Lũng Cú, tỉnh Hà Giang. Cờ có diện tích 54m2 đại diện cho 54 dân tộc của Việt Nam. Khi nhận lời làm cờ, bên cạnh niềm vui anh Phục cho biết bản thân rất lo lắng vì đây là sản phẩm đặc biệt, song vượt qua lo lắng ban đầu, anh và những người thợ lành nghề của xưởng đã nỗ lực hết sức và tự hào làm ra được lá cờ đặc sắc treo ở nơi địa đầu Tổ quốc.

Chưa hết, những kỷ niệm mà anh Phục cũng như nhiều người làm nghề may cờ tại Từ Vân không thể nào quên đó là chuỗi chiến thắng vang dội của đoàn thể thao Việt Nam tại các đấu trường SEAGames, Asiad, Olympic thời gian qua..., đặc biệt là kỳ tích của đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam lập được tại Thường Châu (Trung Quốc) năm 2018, khi đó lá cờ Tổ quốc như thường trực trên tay của mỗi người dân Việt. “Lúc ấy chúng tôi làm gần như 24 giờ một ngày, làm sao chỉ trong hai ngày là hoàn thành hàng trăm nghìn lá cờ”, anh Phục vui vẻ kể.

Để làng nghề không bị mai một

Ngoài cờ in, thêu máy được sản xuất với quy mô công nghiệp, số lượng lớn, hiện nay tại Từ Vân cũng có cơ sở chuyên cờ thêu, chứa đựng sự tỉ mỉ của người thợ. Theo lời chị Vương Thị Nhung- một thợ thêu cờ có tiếng của Từ Vân thì để thêu hoàn thiện được một lá cờ Tổ quốc người thợ phải miệt mài trong khoảng 3-5 ngày.

“Mỗi khi hoàn thành một lá cờ Tổ quốc người thợ thủ công lại không kìm nén được niềm vui, ngồi ngắm nghía lại từng đường kim, mũi chỉ và hình dung lá cờ mình làm ra sẽ được treo trang trọng ở một nơi nào đó trên mảnh đất hình chữ S yêu thương”, chị Nhung xúc động cho biết.

Khi được hỏi về nguồn gốc nguyên liệu may cờ và bí quyết để có những lá cờ đẹp, chị Nhung chia sẻ, loại vải may lá cờ là vải mua từ làng La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội; còn tua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội. “Mỗi nhà làm cờ may, thêu cờ đều có một bí quyết riêng. Tuy nhiên, cái khó nhất là phải thổi “hồn” vào từng lá cờ, đó chính là sự tỉ mỉ, tinh xảo của người thợ dù là cờ to hay nhỏ, cờ in hay cờ thêu”, chị Nhung nói.

Dù xác định tâm lý quyết tâm lưu giữ nghề truyền thống song theo anh Đặng Hồng Hưởng, chủ cơ sở thêu cờ khá lớn ở Từ Vân, bản thân anh và những nhân công đang làm việc cũng có chút trăn trở khi những năm về trước xưởng của anh làm quanh năm không hết việc. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên xưởng của anh phải nghỉ kéo dài hơn 2 tháng, các đơn hàng cũng giảm

20-30% so với mọi năm.

"Chưa kể, cũng như nhiều làng nghề khác, Từ Vân gặp không ít khó khăn khi bước vào nền kinh tế thị trường, từ giá bán, thời gian sản xuất tới chất lượng sản phẩm”, anh Hưởng chia sẻ thêm.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, cả làng Từ Vân hiện chỉ còn một vài hộ làm nghề may cờ toàn thời gian. Số còn lại coi đây là nghề lúc nông nhàn, hoặc chỉ tăng gia mỗi khi có dịp lễ như Quốc khánh, ngày 30/4 hay tết Nguyên đán. Sở dĩ như vậy là do thu nhập từ nghề may, thêu cờ chưa cao, trong khi cạnh làng lại có nhiều khu công nghiệp mọc ra, thu hút lao động trẻ, còn những người trung tuổi thì bỏ đi buôn bán.

Do vậy để bảo tồn, giữ gìn và phát huy làng nghề trong bối cảnh hiện nay, theo anh Hưởng, xưởng của anh đang cố gắng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao sản lượng, tăng thu nhập cho người lao động.

“Hàng năm tôi đều bỏ tiền ra để cập nhật những cách làm mới, sao cho cờ may được đẹp hơn, nhanh hơn. Chẳng hạn, năm 2019 tôi bỏ ra vài trăm triệu để mua máy cắt lazer và máy in màu. Ngoài may, thêu cờ, tôi cũng nhận làm nhiều việc nữa, từ băng rôn, khẩu hiệu, cờ lưu niệm, miễn là xưởng có thêm doanh thu”, anh Hưởng nói.

Nhằm nâng cao năng suất, không chỉ gia đình anh Hưởng mà các hộ dân ở thôn Từ Vân đã áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, nhờ đó có thể cắt được những lá cờ với kích thước chuẩn trong thời gian ngắn. Đây được kỳ vọng sẽ là những giải pháp để giúp người dân Từ Vân yên tâm sống và lưu giữ với nghề, để từ bây giờ hay mãi mãi về sau, những sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của dân tộc, đều có lá cờ Tổ quốc của làng Từ Vân tung bay.

Dương Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tu-hao-lang-nghe-may-co-to-quoc-132572-132572.html