Tự hào là thế hệ của lời thề độc lập

75 năm đã trôi qua, song, thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành ký ức không thể phai mờ trong lòng người dân đất Việt. Với Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, dù đã ở tuổi 94, nhưng ký ức về mùa Thu lịch sử năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong ông.

Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại những ngày tháng tham gia cách mạng. Ảnh: Thanh Thuận

Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại những ngày tháng tham gia cách mạng. Ảnh: Thanh Thuận

Ấn tượng sâu sắc với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một ngày giữa tháng 8, chúng tôi tìm đến ngôi nhà trên phố Liễu Giai (Hà Nội) của gia đình Trung tướng Phạm Hồng Cư, người vinh dự được bảo vệ lễ đài trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Khi trò chuyện với chúng tôi về những ký ức thời kỳ lịch sử ấy, ông phấn chấn, giọng sang sảng như đang nói về chuyện mới xảy ra...

75 năm trước, chàng trai Phạm Hồng Cư vừa tròn 20 tuổi, là Trung đội trưởng Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu (tiền thân của lực lượng vũ trang Hà Nội). Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tham gia và đi đầu trong hầu hết các cuộc đấu tranh cách mạng, là lực lượng xung kích của cuộc vận động cách mạng ở Hà Nội, của cuộc Tổng khởi nghĩa ngày 19-8-1945 toàn thắng ngay tại nơi trung tâm đầu não của chính quyền thực dân. Ngày 2-9-1945, đội tự vệ của ông vinh dự được giao trọng trách bảo vệ lễ đài trên Quảng trường Ba Đình - nơi Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.

Tuy ngày 2-9-1945, Bác Hồ mới chính thức đọc Tuyên ngôn Độc lập, nhưng từ ngày 1-9, đội tự vệ đã cắt cử người bảo vệ địa bàn. Đêm 1-9, các tổ đi rà phá các vật liệu nổ. Đến ngày 2-9, đơn vị ông cử 2 trung đội để bảo vệ trực tiếp lễ đài, một trung đội đứng sát ngay lễ đài và một trung đội chia đều ra khắp các đường và chiếm các điểm cao xung quanh để bảo vệ từ xa. Ông Phạm Hồng Cư cùng với ông Hoàng Phương (người chỉ huy của ông) được giao nhiệm vụ bảo vệ phía Nam của lễ đài.

Ông Cư nhớ rõ, sáng 2-9, các đoàn người rầm rập kéo về Quảng trường Ba Đình, chờ đợi giờ phút Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Lúc ô tô chở đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời tiến về phía lễ đài, mọi người hồi hộp chờ đợi thấy người đi đầu là một ông cụ mặc bộ đồ kaki, đi dép cao su giản dị, trong khi các thành viên trong Chính phủ lâm thời đều mặc comple trắng, đeo caravat và đi giày hoặc khăn xếp, áo dài. Lúc đó, ông và đồng đội chưa biết Cụ Hồ là ai, chỉ nghe giới thiệu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Nói đến đây, vị tướng già không giấu nổi xúc động: “Đến lúc cụ đọc Tuyên ngôn Độc lập, thì trong tiếng nói của cụ có pha âm sắc của tiếng Nghệ An, thế là anh Hoàng Phương (sau này là Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân) ghé tai tôi, bảo: “Ông cụ là Nguyễn Ái Quốc đấy!”. Lúc đó, có một niềm vui sướng, hạnh phúc trào dâng trong tôi, khi lần đầu tiên được thấy cụ Nguyễn Ái Quốc – người mà trước đó tôi chỉ thấy trên báo Pháp”.

Ấn tượng sâu sắc trong ngày 2-9-1945 với ông Phạm Hồng Cư là khoảnh khắc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Đang đọc, chợt Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng lại và hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Khi đó, ông cảm thấy vị lãnh tụ với nhân dân rất giản dị và gần gũi. Sau đó, toàn thể đồng bào có mặt trên quảng trường đồng thanh hô vang “có”...

Luôn mang theo lời thề độc lập

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có một nghi thức lời thề độc lập. Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ nhất nội dung là: “Bảo vệ Chính phủ Hồ Chí Minh, kiên quyết chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp, không đi lính cho Pháp, không bán hàng cho Pháp, không dẫn đường cho Pháp...”. “Cứ sau mỗi lời hiệu triệu như vậy, rừng người ở Quảng trường Ba Đình lại giơ tay hô vang: “Xin thề!”. Tôi và những người đồng đội cũng giơ tay xin thề” - Trung tướng Phạm Hồng Cư bồi hồi nhớ lại.

Đối với người chiến sĩ trẻ Phạm Hồng Cư ngày ấy, ký ức được chứng kiến giờ phút lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là niềm tự hào của riêng ông, mà còn là niềm vinh dự của cả một thế hệ thanh niên thời đó. Cũng kể từ ngày 2-9-1945, ông Phạm Hồng Cư luôn mang trong mình lời thề độc lập trong trái tim, trải qua 2 cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc. “Chúng tôi đã thấy giá trị của độc lập, trách nhiệm phải bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập mới giành được. Thế hệ chúng tôi là thế hệ của lời thề độc lập. Đó là niềm hạnh phúc không gì tả xiết, mà đến nay, tôi không thể quên được. Mỗi lần nhớ lại, những cảm xúc đó lại trào dâng trong tôi” - Trung tướng Phạm Hồng Cư xúc động.

Trong ký ức của người lính già, câu chuyện về lời thề độc lập là điều khó quên nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Ông đã mang theo lời thề độc lập ấy đi suốt chiều dài của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trực tiếp tham gia vào nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt, ông được vinh dự góp sức mình trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. “Sau 2 giờ đồng hồ từ khi xe tăng của đồng đội húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập, chúng tôi tiến vào, gặp nhau mừng vui khôn xiết. Có một đồng đội ghé vào tai tôi nói, thế hệ chúng ta đã hoàn thành lời thề độc lập. Chúng tôi tự hào là thế hệ của lời thề độc lập và cùng với nhân dân hoàn thành lời thề độc lập ấy" - Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ.

Nguyên Thanh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tu-hao-la-the-he-cua-loi-the-doc-lap-post432778.html