Tự hào là người Việt Nam nơi đất khách

Những ngày tháng làm việc tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), chúng tôi rất tự hào vì đã bao lần được các đồng nghiệp quốc tế bày tỏ sự ngưỡng mộ, về những chiến thắng oanh liệt của Việt Nam chống các cường quốc quân sự để bảo vệ hòa bình, độc lập và tự do cho dân tộc. Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi nhiều người dân ở đây biết nhiều về Việt Nam. Họ luôn chào đón chúng tôi bằng một tình cảm đặc biệt và coi Việt Nam như một bài học về sự đoàn kết dân tộc, cho sự nghiệp hòa bình và thống nhất đất nước - những thứ mà giờ đây người dân nơi này đang cố gắng hết sức để đạt được, sau nhiều năm ngập chìm trong bạo lực và chia rẽ tôn giáo.

Các sĩ quan tham mưu của Việt Nam cùng các đồng nghiệp nhân kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam tại trụ sở Phái bộ MINUSCA. Ảnh: CTV

"Việt Nam - Hồ Chí Minh. Việt Nam - Võ Nguyên Giáp!"

Có lẽ, rất nhiều người dân châu Phi nói chung và nước Cộng hòa Trung Phi nói riêng, nơi tôi và hai đồng nghiệp đang làm sĩ quan tham mưu quân sự tại Phái bộ MINUSCA, đều biết ít nhiều về đất nước Việt Nam, về các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của nhân dân Việt Nam. Bởi cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam thành công đã là nguồn cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho hàng loạt quốc gia ở "lục địa đen" này "rũ bùn đứng dậy", họ đoàn kết để đấu tranh thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Ý đồ cai trị thuộc địa kiểu mới theo dạng "đỉa trâu hút máu" nhân danh "khai sáng văn minh" của thực dân Pháp vì thế mà dần phá sản. Hiệu ứng đô-mi-nô với "con cái" là chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu", đã đổ dồn dập ở châu Phi, khiến thực dân Pháp phân tán nguồn lực và đành nhượng bộ với các nước thuộc địa nơi lục địa nghèo nàn, lạc hậu nhưng giàu khoáng sản này. Trung Phi là một minh chứng. Ngọn lửa cách mạng Việt Nam đã sưởi nóng nhiệt huyết và tinh thần dân tộc của người dân Trung Phi. Họ bỏ qua những chia rẽ về dân tộc và tôn giáo, vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do.

Năm 1960, 4 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ngậm ngùi chấm dứt ách đô hộ áp đặt gần một thế kỷ ở quốc gia này. Trong số những người đấu tranh giành độc lập có cả những người lính lê dương sống sót trở về từ chiến trường Việt Nam. Họ đã rút ra những kinh nghiệm bại trận trong đội hình quân Pháp để làm bài học cho lực lượng vũ trang cách mạng Trung Phi, đồng thời mang tinh thần độc lập dân tộc của người Việt Nam "chẳng bao giờ khuất" mà truyền bá tới người dân cơ hàn của họ đang bị kìm kẹp bởi chế độ thực dân hà khắc. Và ngày 13-8-1960, Trung Phi đã chính thức tuyên bố độc lập. Phải chăng đó là lý do chính khiến nhiều người dân châu Phi biết về Việt Nam.

Có những lần gặp chúng tôi, người dân nhao nhao chào: "Ni hao" vì tưởng là người Trung Quốc, bởi hiện Trung Quốc cũng có một số doanh nghiệp khoáng sản đang hoạt động ở đây. "Non, nous sommes Vietnamien/ Không, chúng tôi người Việt Nam", nghe những câu đó, họ reo lên: "Việt Nam - Hồ Chí Minh. Việt Nam - Võ Nguyên Giáp!". Nghe vậy, tôi thấy niềm tự hào dân tộc dâng trào trong cơ thể. Có lẽ, rất ít nguyên thủ quốc gia và tướng quân sự trong lịch sử thế giới, được người dân thường ở một quốc gia xa xôi khác biết tới và bày tỏ sự ngưỡng mộ đến như vậy!

"Đoàn kết dân tộc đã cho các bạn sức mạnh vô địch"

Tôi tìm hiểu và được biết, ở nhiều quốc gia, "chiến tranh Việt Nam" là một trong những nội dung được đưa vào nhà trường để giảng dạy về lịch sử, về quân sự hay ngoại giao. Khi tôi học Đại học Chỉ huy - Tham mưu tại Niu Di-lân, các cuộc chiến tranh vệ quốc của Việt Nam được phân tích, mổ xẻ khá nhiều ở các môn như: Học thuyết chiến tranh, Chỉ huy - tham mưu, An ninh quốc tế...

Do đó, tôi cũng không ngạc nhiên khi nhiều đồng nghiệp cùng làm việc tại Phái bộ MINUSCA, đến từ nhiều nước trên thế giới, biết nhiều về đất nước và con người Việt Nam. Có nhiều người nghiên cứu khá sâu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một số đồng nghiệp còn tự hào "phô" sự hiểu biết của họ về Việt Nam, về cả những thành tựu phát triển hiện tại. Một lần, Ry-an, đồng nghiệp người Ma-rốc, tới văn phòng tôi để liên hệ công việc, thấy tôi đeo biển Việt Nam, anh nắm tay tôi thật chặt, xúc động nói: "Việt Nam thật tuyệt vời! Không kẻ thù nào khuất phục được các bạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thần tượng của tôi".

Một niềm hạnh phúc dâng trào, tôi vòng tay ôm ghì Ry-an để nén xúc động. Sau đó, Ry-an kéo ghế ngồi nói chuyện và hỏi tôi khá nhiều điều về Việt Nam, về những gì anh ấy "đã đọc, nhưng vẫn băn khoăn" về hai cuộc kháng chiến thần kỳ của nhân dân và các lực lượng vũ trang của Việt Nam.

Còn nhớ, vào một buổi cuối tuần, Đại úy Mai-cơn, người Dăm-bi-a, tới tận nhà chúng tôi trọ để nhờ giải đáp những thắc mắc của mình về những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Mai-cơn hay Ry-an cũng như nhiều người khác nữa chúng tôi gặp đều có chung một băn khoăn: Dù đã đọc một số tài liệu về các cuộc chiến tranh vệ quốc của Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhưng vẫn không thể lý giải được tại sao một quốc gia còn nghèo nàn và kém xa về công nghệ chiến tranh so với kẻ thù, những cường quốc về quân sự, mà lại có thể giành chiến thắng oanh liệt như vậy? Họ cũng thú thực là chỉ mới tiếp cận được với tài liệu của phương Tây về các cuộc chiến này với quan điểm và cách lý giải của phương Tây, chứ chưa từng được tiếp xúc với tài liệu do Việt Nam viết, vì rất khó tìm được tài liệu này bằng tiếng Anh hay các ngôn ngữ quốc tế khác. Và chúng tôi phải vận dụng hết kiến thức lịch sử và vốn ngoại ngữ của mình để lý giải những thắc mắc của họ.

Một đồng nghiệp người Pháp thích thú với món quà của sĩ quan Việt Nam. Ảnh: Vũ Hiệp

May mắn hơn, Thiếu tá không quân Xin-va, đồng nghiệp người Xri Lan-ca, đã từng 2 lần đến Việt Nam và dành nhiều thời gian tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Trong dịp Tết dương lịch 2016, Xin-va và một người bạn tới thăm chúng tôi tại nhà trọ ở Thủ đô Ban-gui, anh tâm sự: Sau những chuyến thăm Việt Nam, anh đã lý giải được phần nào những thắc mắc của mình. Tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, thăm những chứng tích lịch sử qua hai cuộc chiến tranh và qua sự giúp đỡ của đồng nghiệp người Việt Nam, đã giúp anh hiểu sâu thêm và có cái nhìn khách quan về hai cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Việt Nam, nó khác xa với những tài liệu theo quan điểm của phương Tây.

"Tôi nghĩ rằng, đoàn kết dân tộc là nguồn lực chính, đã cho các bạn sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh chính nghĩa, nó vượt lên tất cả phương tiện và vũ khí hiện đại để các bạn chiến thắng kẻ thù. Đó là nguồn lực quý báu mà không phải nơi nào cũng có được!" - Thiếu tá Xin-va chia sẻ tâm niệm như là một sự đúc kết từ hiểu biết của mình về quốc gia mà anh ngưỡng mộ.

Vũ Hiệp (Từ Ban-gui, Cộng hòa Trung Phi)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tu-hao-la-nguoi-viet-nam-noi-dat-khach/