Tự hào Khoa giáo Đảng

Lĩnh vực Khoa giáo có vị trí quan trọng, luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội, với đời sống tinh thần, trí tuệ và hạnh phúc, với sự phát triển toàn diện của con người, nhất là với việc tạo ra nguồn lực nội sinh có ý nghĩa quyết định nhất đối với sự phát triển của đất nước. Do vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt chăm lo đến công tác khoa giáo bao gồm: Giáo dục và đào tạo; khoa học, công nghệ và môi trường; y tế; thể dục thể thao; bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân...

THAM MƯU NHIỀU CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH VỀ KHOA HỌC, GIÁO DỤC, BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN

Trước hết, để bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo, Đảng đã lần lượt xây dựng các cơ quan tham mưu kiêm nhiệm hoặc chuyên trách các lĩnh vực khoa giáo ở Trung ương và địa phương. Ban Giáo dục là tổ chức tiền thân của Ban Khoa giáo Trung ương ra đời khi Thường vụ Đảng có Quyết định số 55-QĐ/TW về “Tổ chức Ban Tuyên truyền và Ban Giáo dục Trung ương Đảng” vào ngày 14/9/1950 (theo Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng, số ĐBBQ 19, STT06). Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ngày 11/11/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa II ra Quyết định số 50-NQ/TW “Thành lập Tiểu ban Y học Trung ương để lãnh đạo chặt chẽ hơn nữa công tác y tế”. Thấy rõ tầm quan trọng của khoa học - công nghệ, ngày 24/5/1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa II ra Nghị quyết số 14-NQ/TW “Thành lập Tiểu ban Giáo dục - Khoa học Trung ương và chấn chỉnh sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác Giáo dục”. Nhằm tăng cường hơn nữa công tác văn nghệ, giáo dục, y tế, ngày 23/8/1958, Ban Bí thư đã ra Nghị quyết số 50-NQ/TW “Giải thể các tiểu ban, gồm: Tiểu ban Giáo dục - Khoa học Trung ương, Tiểu ban Văn nghệ Trung ương, Tiểu ban Y học Trung ương và thành lập Ban Văn hóa - Giáo dục Trung ương”. Tiếp đến, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng thời kỳ cách mạng, Đảng đã có các quyết định sau: Tháng 12/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định hợp nhất hai ban Tuyên huấn, Văn giáo thành Ban Tuyên giáo Trung ương; ngày 30/1/1968 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 1584-NQ/TW chia Ban Tuyên giáo Trung ương làm hai ban. Ban Khoa giáo Trung ương chính thức được thành lập; Ngày 11 tháng 4 năm 2007, Bộ Chính trị ra Quyết định số 44-QĐ/TW hợp nhất Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương. Đây là quá trình tổ chức mô hình cơ quan giúp việc cho Đảng về công tác khoa giáo - mô hình phù hợp với thực tiễn và bám sát yêu cầu của cách mạng. Việc từng bước hình thành và dần dần ổn định mô hình khoa giáo nói trên cũng có thể coi là một thành tựu về tổ chức cơ quan giúp việc cho Trung ương trong lĩnh vực Khoa giáo.

Hai là, từ tổ chức tiền thân, đến khi thành lập Ban Khoa giáo Trung ương, nay là một số vụ trong Ban Tuyên giáo, ngành Khoa giáo có những đóng góp lớn trong tiến trình cách mạng của Đảng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, lúc cao trào cách mạng 1930 - 1931 đang lên, Đảng vẫn chỉ đạo đẩy mạnh công cuộc chống nạn thất học. Ngày 29/7/1938, Đảng thành lập Hội truyền bá quốc ngữ.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ra Sắc lệnh số 17 thành lập Bình dân học vụ. Cùng với giáo dục, Đảng chú ý đến sự phát triển khoa học, bắt đầu từ khoa học xã hội - nhân văn đến khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học nông nghiệp, khoa học y - dược và xây dựng nền văn hóa. Thời kỳ này “văn hóa” bao gồm cả giáo dục và khoa học, theo tinh thần “khoa học hóa, đại chúng hóa và dân tộc hóa” (theo Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương về kháng chiến kiến quốc, ngày 25/11/1945).

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác y tế thực hiện mục tiêu của Đảng là: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, đã xây dựng một tổ chức y tế phục vụ sức khỏe cho quân đội, đó là Cục Quân y (tháng 3/1946). Từ năm 1950 trở đi, công tác bảo vệ sức khỏe bộ đội và dân công được quan tâm... đã góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Về giáo dục, Đảng chỉ đạo cuộc cải cách lần thứ nhất thành công, thực hiện hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm cả trong vùng tự do và vùng tạm chiếm. Để đẩy mạnh hoạt động của khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội, ngày 2/12/1953, Ban Bí thư Trung ương đã ra Quyết nghị số 32-QN/TW về “Việc thành lập Ban nghiên cứu văn học, lịch sử, địa lý (gọi tắt là Ban Văn - Sử - Địa)”, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương.

Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng và bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam phải tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong tình hình ấy, nhiệm vụ cách mạng mới đã đặt ra cho nền giáo dục phải có sự thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Năm 1956, Ban Giáo dục đã tham mưu với Đảng tiến hành cải cách giáo dục lần thứ hai, đặt cơ sở cho việc thành lập hệ thống giáo dục quốc dân theo tính chất giáo dục xã hội chủ nghĩa. Tháng 11/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa II đã ra Nghị quyết số 50-NQ/TW vềviệc “Thành lập Tiểu ban Y học Trung ương để lãnh đạo chặt chẽ hơn nữa công tác y tế”. Cuối năm 1957, đội ngũ cán bộ Khoa giáo tham mưu cho Ban Bí thư thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước.

Năm 1968, Ban Khoa giáo Trung ương được thành lập, Ban đã khẳng định được vị trí của mình thông qua việc giúp Bộ Chính trị và Ban Bí thư chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục (từ mầm non, phổ thông đến bổ túc văn hóa) theo quy mô lớn, mở rộng mạng lưới các trường đại học và chuyên nghiệp ngay trong điều kiện phải chống lại cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ; chỉ đạo phong trào học tập các điển hình tiên tiến trong các ngành y tế và thể dục - thể thao. Ban Khoa giáo tích cực chỉ đạo thực hiện kế hoạch chi viện cho hai lĩnh vực giáo dục và y tế ở miền Nam trong chiến tranh với số lượng lớn giáo viên và cán bộ giáo dục, y tế cho các tỉnh phía Nam sau ngày giải phóng đã góp phần phát triển nhanh mạng lưới trường, lớp và hệ thống y tế rộng khắp đến tận các xã, ấp, tạo điều kiện cho hai lĩnh vực trên phát triển mạnh trong những năm sau.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam, Ban đã phối hợp với cơ quan thực hiện Nghị quyết Đại hội III về phát triển các lĩnh vực công tác khoa giáo phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, chi viện cho yêu cầu phát triển các lĩnh vực công tác khoa giáo ở miền Nam trong kháng chiến và sau ngày giải phóng.

Ban Khoa giáo đã cùng với Đảng đoàn các ngành giáo dục và đào tạo nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị khóa IV ban hành Nghị quyết 14-NQ/TW (1/1979) về “Cải cách giáo dục” lần thứ ba. Cũng trong nhiệm kỳ Đại hội IV, Ban đã cùng với Đảng đoàn Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước nghiên cứu, giúp Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW (4/1981) về “Chính sách khoa học và kỹ thuật”. Đây là lần đầu tiên từ khi được thành lập, Ban đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành hai nghị quyết lớn, khá công phu. Hai nghị quyết này ra đời trong điều kiện cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp nên có mặt được, có mặt hạn chế.

Từ Đại hội VI đến Đại hội VIII, Ban đã sớm đổi mới tư duy, huy động trí tuệ của đội ngũ trí thức trong khối khoa giáo tham gia vào quá trình xây dựng và không ngừng hoàn thiện đường lối đổi mới, hình thành hệ thống các định hướng về đổi mới trên nhiều lĩnh vực khoa giáo. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội VII, Ban đã phối hợp với Đảng ủy khối Khoa giáo Trung ương tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo khoa học đóng góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội VII, trong đó có “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”“Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”. Trước đó, chưa bao giờ trí tuệ của đội ngũ trí thức nước ta được phát huy mạnh mẽ, đóng góp vào việc xây dựng đường lối của Đảng như vậy. Tiểu ban soạn thảo văn kiện Đại hội VII đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp của khối các cơ quan Khoa giáo Trung ương.

Ban Khoa giáo Trung ương đã tham mưu đưa khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo được xem là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, là động lực và khâu đột phá của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ sau Đại hội VI đến nay, Ban Khoa giáo Trung ương, sau là các vụ thuộc lĩnh vực khoa giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với các tổ chức đảng có liên quan giúp Trung ương ban hành các nghị quyết, chỉ thị về tất cả các lĩnh vực công tác khoa giáo, đó là: Chỉ thị 35-NQ/TW của Ban Bí thư khóa VI về tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI về khoa học và công nghệ; Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII về công tác lý luận; các Nghị quyết Trung ương số 04-NQ/HNTW khóa VII về giáo dục - đào tạo, về chăm sóc sức khỏe nhân dân, về dân số - kế hoạch hóa gia đình; các chỉ thị của Ban Bí thư khóa VII về các mặt công tác thể dục - thể thao, bảo vệ - chăm sóc - giáo dục trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng chống AIDS, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài; Nghị quyết Trung ương 7 khóa VII cũng dành một phần nội dung quan trọng cho nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2000 theo huớng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH); các Nghị quyết Trung ương số 02-NQ/HNTW khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000.

Bước vào thế kỷ 21, đội ngũ cán bộ Khoa giáo sớm nhận thức sâu sắc về công nghệ thông tin là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, cùng với một số ngành công nghệ cao khác đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội thế giới hiện đại, nên Ban tham mưu Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII ban hành Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH. Nghị quyết số 20-NQ/TW được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Năm 2002, Ban Khoa giáo Trung ương tham mưu để Trung ương ra Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Ngày 23/2/2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết 46-NQ/TW về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân...”. Ngày 30/11/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Chỉ thị 54-CT/TW về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS....”. Ngày 4/7/2008 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về “Phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam”, Chỉ thị 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm”. Ngày 4/11/2013, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.

Đội ngũ cán bộ Khoa giáo đã tham mưu đưa khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo được xem là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, là động lực và khâu đột phá của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đầu năm 2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tham mưu phòng, chống dịch bệnh và kiến nghị Ban Bí thư ban hành Công văn số 79-CV/TW ngày 29/1/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra. Công tác tham mưu đã tập trung vào chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương tiếp tục phối hợp triển khai thực thực hiện quyết liệt, đồng bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ba là, cũng như một số cơ quan tham mưu khác, qua các thời kỳ khác nhau, Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay, Ban Khoa giáo Trung ương trước đây đã huy động sức mạnh tổng hợp, bồi dưỡng nghiệp vụ và tạo điều kiện để hệ thống khoa giáo địa phương đạt nhiều kết quả.

Một nét đặc sắc trong công tác khoa giáo là tăng cường kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ở cả các ngành và các địa phương; đồng thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về các lĩnh vực công tác khoa giáo. Nhờ đó đã thúc đẩy việc đưa nhanh các nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống.

Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy duy trì đều đặn giao ban công tác khoa giáo theo quý, thông qua giao ban đã làm rõ trách nhiệm của từng sở, ban, ngành trong việc tham mưu thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng về lĩnh vực khoa giáo để kịp thời khắc phục. Hầu hết các lĩnh vực khoa giáo đều có bước tiến bộ, phát triển đúng hướng; nhiều mô hình, dự án, đề tài về chủ đề gia đình, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... được triển khai.

Hiện nay, ban tuyên giáo các tỉnh, thành phố đang định hướng, chỉ đạo hệ thống truyền thông ở từng địa phương tuyên truyền sâu rộng về những điểm mới trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng. Việc tích cực tham mưu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền của ban tuyên giáo ở từng địa phương đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ, giáo dục trẻ em, thể dục thể thao.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA MÌNH

Trải qua các thời kỳ lịch sử, Ban Khoa giáo trước đây và các vụ trong Ban Tuyên giáo Trung ương hiện nay đã tham mưu với Đảng nhiều chủ trương, chính sách về khoa học, giáo dục, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, công tác khoa giáo nên nghiên cứu và tham khảo vài kinh nghiệm được rút ra là:

Thứ nhất, luôn nắm vững và tổ chức thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình. Nỗ lực tập hợp và phát huy năng lực của đội ngũ trí thức trong và ngoài lĩnh vực khoa giáo, tiến hành nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản và tổng kết thực tiễn để tham mưu với Trung ương Đảng trong việc chuẩn bị nghị quyết, chỉ thị về công tác khoa giáo được kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước.

Thứ hai, bảo đảm tính tư tưởng chính trị trong tham mưu, khắc phục rõ nét một số vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, an sinh xã hội. Dự báo sớm, tư vấn kịp thời, có chiều sâu về các khía cạnh chính trị trong xây dựng, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng. Chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện, xây dựng các đề án, đề tài khoa học, chuyên đề chuyên sâu nhằm nâng cao hiệu quả công tác khoa giáo.

Bảo đảm tính tư tưởng chính trị trong tham mưu, khắc phục rõ nét một số vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, an sinh xã hội. Dự báo sớm, tư vấn kịp thời, có chiều sâu về các khía cạnh chính trị trong xây dựng, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng.

Thứ ba, hướng về cơ sở, luôn bám sát thực tiễn cuộc sống và các hoạt động ở địa phương; coi trọng các giải pháp huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng (từ cá nhân đến gia đình và các tổ chức xã hội) vào quá trình thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở; biết lựa chọn những vấn đề trọng tâm, nổi cộm để tập trung giải quyết có hiệu quả trong từng thời gian; chủ động tìm tòi những hình thức thích hợp để tập hợp được trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các hoạt động khoa giáo.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ của công tác khoa giáo trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chú trọng quy hoạch, đào tạo, đào tạo lại và thường xuyên bồi dưỡng để nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ khoa giáo các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới; có chế độ, chính sách hợp lý, tạo điều kiện làm việc thuận lợi đối với cán bộ các ban Đảng nói chung và cán bộ khoa giáo nói riêng./.

PGS. TS. Nghiêm Đình Vỳ

Nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/khoa-giao/tu-hao-khoa-giao-dang-128949