Tự hào hành trình đổi mới và phát triển

Với bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang, trong suốt quá trình thành lập và phát triển, Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu luôn nỗ lực, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng địa phương phát triển với nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc.

Lãnh đạo huyện Bình Liêu trò chuyện với bà con các dân tộc trên địa bàn, tháng 12/2019.

Lãnh đạo huyện Bình Liêu trò chuyện với bà con các dân tộc trên địa bàn, tháng 12/2019.

Những ngày tháng 12 này, cả nước đang sôi nổi khí thế thi đua chào mừng Đại hội đảng các cấp và mừng xuân Canh Tý 2020. Cùng với niềm vui chung đó, Bình Liêu còn có niềm vui riêng là chào mừng 100 năm Ngày thành lập huyện 26/12 (1919-2019) và 70 năm giải phóng huyện 25/12 (1950-2019). Nhìn lại một chặng đường dài, có không ít đầy những khó khăn và gian khổ, nhưng ở thời điểm nào, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Bình Liêu cũng thật anh dũng, kiên cường, đoàn kết một lòng, xây dựng huyện ngày một phát triển.

Từ truyền thống anh dũng...

Theo lịch sử Đảng bộ huyện: Bình Liêu có lịch sử hình thành và phát triển từ khá sớm. Thời phong kiến, khi thực dân Pháp chưa xâm lược Việt Nam, Bình Liêu gồm hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên của châu Tiên Yên, thuộc phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên. Năm 1883, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Quảng Yên, và sau đó chiếm huyện Bình Liêu, từng bước tiến hành củng cố ách thống trị tại đây.

Năm 1919 phủ toàn quyền Pháp ra nghị định tách hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên khỏi châu Tiên Yên, lập thành châu Bình Liêu. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền cách mạng Bình Liêu được thành lập, châu Bình Liêu được đổi tên thành huyện Bình Liêu, gồm 7 đơn vị hành chính cấp xã (Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động), với 94,88% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số gồm các dân tộc: Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa, Nùng, Mường...

Hòa chung dòng chảy của lịch sử dân tộc, nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Trong những năm kháng chiến giành độc lập, nhân dân Bình Liêu đã một lòng đi theo lý tưởng của Đảng, của Cách mạng, kiên cường đấu tranh với bè lũ thực dân và tay sai. Ngày 25/12/1950, huyện Bình Liêu hoàn toàn được giải phóng. Đây là mốc son lịch sử trong trang sử chói lọi, hào hùng chống giặc ngoại xâm của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Bình Liêu.

Qua 100 năm hình thành, xây dựng và phát triển, dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Liêu luôn khát vọng vươn lên trong xây dựng quê hương giàu đẹp, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Với điểm xuất phát thấp về mọi mặt, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển, số hộ nghèo cao. Nhưng với tinh thần tự lực tự cường, được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã khắc phục mọi khó khăn, kiên trì, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Hội Hoa Sở Bình Liêu năm 2019.

...Đến sự đổi mới, phát triển

Những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, của tỉnh, Bình Liêu đã quán triệt, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược bằng những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, cụ thể. Qua đó, khai thác, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khơi dậy tinh thần đoàn kết của cấp ủy, chính quyền và nhân dân quyết tâm xây dựng huyện phát triển toàn diện, thực sự là “phên giậu” vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.

Quyết tâm này đã được khẳng định rõ hơn qua việc thực hiện đổi mới phát triển sản xuất gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xóa đói giảm nghèo. Huyện đã đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ về giống, vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân thực hiện phát triển sản xuất theo quy hoạch và gắn với bao tiêu sản phẩm. Trong đó, tập trung vào các loại cây, con giống mà địa phương có thế mạnh như: Dong riềng, sở, dược liệu, trâu, bò, dê, ong...

Để tạo đà cho sự phát triển bền vững, Bình Liêu ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông, đường tuần tra biên giới. Những năm gần đây, Bình Liêu đã hoàn thành nhiều dự án, công trình trọng điểm như: Cầu qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), nâng cấp Tỉnh lộ 341... tạo điều kiện thuận lợi kết nối trung chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển thương mại, kinh tế biên mậu, dịch vụ.

Đặc biệt, từ năm 2015, huyện Bình Liêu đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng nhằm khai thác thế mạnh tự nhiên, văn hóa. Qua đó, huyện đã tập trung các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch: Kêu gọi các nhà đầu tư, liên kết với các đơn vị lữ hành, xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour tuyến, cải thiện hạ tầng giao thông... Đến nay, Bình Liêu đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch, với số lượng du khách năm sau tăng cao hơn so năm trước.

Giờ đây, Bình Liêu đã vươn mình với những bước phát triển lớn lao. Kinh tế có bước tăng trưởng đáng kể. Tính riêng năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 13,5%/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2020, ngành nông, lâm nghiệp chiếm 28-30%, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 18-20%, ngành dịch vụ chiếm 52-54%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (phần thu nội địa) tăng bình quân 1,46%/năm.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, nhất là khu vực vùng sâu, vùng biên giới. Đến nay, 100% thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện có điện lưới quốc gia; tỷ lệ kiên cố hóa đường liên thôn, liên xã đạt trên 86%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 31,4 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân 9,23%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 2.452 hộ (chiếm 34,99%) năm 2016, xuống còn 388 hộ năm 2019 (chiếm 5,18%).

Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân được quan tâm. Đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện đạt trên 98%. Tỷ lệ học sinh ra lớp năm học 2019-2020 là 8.715/8.867 học sinh, đạt 98,3%.

Những nét phác họa trên đây về sự phát triển của huyện trong thời gian qua minh chứng Bình Liêu đã thực sự lột xác. Đó chính là kết tinh của biết bao mồ hôi và công sức của lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân huyện trong suốt thời gian dài xây dựng và phát triển. Trong chặng đường tiếp theo, huyện xác định sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ và đồng bộ, huy động mọi nguồn lực xây dựng huyện Bình Liêu ngày một phát triển. Để thực hiện mục tiêu này, Bình Liêu dự định sẽ tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong đó, tiếp tục phát triển các ngành dịch vụ, du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây cũng là một định hướng quan trọng mà huyện đã xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Nguyễn Thanh

Chung sức xây dựng quê hương

Những ngày này, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu đang hòa mình vào không khí hân hoan, phấn khởi chào mừng ngày thành lập huyện. Người dân bày tỏ cảm xúc tin tưởng cũng như quyết tâm chung sức, chung lòng để xây dựng quê hương Bình Liêu ngày càng phát triển hơn nữa.

Ông Hoàng Thế Xương (khu Bình An, thị trấn Bình Liêu): "Tự hào quê hương Bình Liêu"

Chứng kiến sự phát triển của Bình Liêu trong mấy chục năm qua, tôi thấy mừng và tự hào. Có thể nói, huyện đã có những thay đổi rất lớn. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được phát triển; môi trường được bảo vệ, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Người dân thi đua, hăng hái xây dựng quê hương bằng những việc làm rất thiết thực. Bình Liêu ngày hôm nay đã và đang giữ vững được đà tăng trưởng ở mức cao so cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Tin tưởng rằng với những kết quả này sẽ là điểm tựa để Bình Liêu ngày một vươn xa.

Bà Tằng Thị Thanh (thôn Phiêng Chiểng, xã Đồng Tâm): "Động lực để người dân thoát nghèo"

Thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nhiều địa phương, trong đó có thôn Phiêng Chiểng của chúng tôi được hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu nông thôn; chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất... Qua đó đã giúp người dân có điều kiện để giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao mức sống. Giờ đây cái đói, cái nghèo không còn là rào cản với chúng tôi. Không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ trong huyện, trong xã đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo để có động lực vươn lên trong cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển chung của huyện. Bà con quyết tâm phát triển kinh tế để không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu nữa, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Em Hoàng Tuyết Vân (học sinh lớp 8A, Trường Phổ thông DTNT Bình Liêu): "Ra sức học tập, rèn luyện để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp"

Em rất vui mừng, hạnh phúc và tự hào khi thấy quê hương mình ngày càng phát triển. Các trường học được đầu tư khang trang hơn ở mỗi xã, thôn đã giúp chúng em được đến lớp đầy đủ. Em rất vui khi được học tập dưới mái trường khang trang, sạch đẹp, thầy cô giáo quan tâm chỉ bảo tận tình. Ngoài giờ lên lớp, chúng em còn được tham gia ngoại khóa, được tạo điều kiện tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa, văn nghệ bổ ích, lý thú; nhất là các hoạt động gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Em hứa sẽ tiếp tục cố gắng học tập thật tốt, với ước mơ sau này trở thành một tuyên truyền viên tích cực, năng động, giới thiệu đến bạn bè cũng như các du khách về nét đẹp văn hóa, mảnh đất và con người Bình Liêu.

Ông Nguyễn Thanh Hải, HTX Hoa Bình Liêu (thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô): "Đóng góp nhiều hơn cho ngành du lịch địa phương"

Nhận thấy những cơ hội trong phát triển du lịch ở Bình Liêu, tôi đã đầu tư mô hình trồng, nhân giống các loại hoa và thành lập HTX Hoa Bình Liêu. Đây là mô hình trồng hoa kết hợp với du lịch trải nghiệm, hứa hẹn sẽ tạo thêm điểm đến để thu hút du khách đến tham quan vừa quảng bá về hình ảnh và vùng đất, con người Bình Liêu. Thời gian qua, tôi đã được địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ tốt nhất để phát triển mô hình. Bởi vậy tôi nghĩ mình sẽ gắn bó dài lâu tại địa phương. Tôi cũng hi vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp đến với Bình Liêu để phát triển, nhất là phát triển về du lịch vì đây thực sự là một vùng đất còn những tiềm năng rất lớn ở lĩnh vực này.

Thu Chung - Hoàng Gái (CTV)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201912/binh-lieu-ky-niem-100-nam-ngay-thanh-lap-huyen-2612-1919-2019-va-70-nam-giai-phong-huyen-2512-1950-2019-tu-hao-hanh-trinh-doi-moi-va-phat-trien-2464561/