Tự hào đóng góp trực tiếp vào việc hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính

Theo ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính luôn được lãnh đạo Bộ quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Hội nghị đối thoại về chính sách thuế, hải quan được Bộ Tài chính tổ chức hàng năm. Ảnh: Đức Minh

Hội nghị đối thoại về chính sách thuế, hải quan được Bộ Tài chính tổ chức hàng năm. Ảnh: Đức Minh

Bộ Tài chính là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, có số lượng văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền hàng năm rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực nên có tính phức tạp cao và có tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 6 luật, 7 nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 7 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 138 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 36 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 740 thông tư, thông tư liên tịch. Trong đó, có nhiều văn bản tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN)… Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 3 nghị quyết của Quốc hội; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 5 nghị quyết (2 nghị quyết đã được thông qua); trình Chính phủ ban hành 12 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 63 thông tư. Trong đó có nhiều quy định là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19.

Như vậy, mặc dù nhiệm vụ được giao của Bộ Tài chính so với các bộ, ngành là nặng, với số lượng văn bản, đề án được giao lớn, nhiều nội dung phức tạp nhưng Bộ Tài chính đều đảm bảo hoàn thành với tỷ lệ trên 90% và được Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đánh giá cao.

Trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm đến hình thức tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, thông qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đối thoại với doanh nghiệp nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan... Đây là dịp để những người làm chính sách ghi nhận vướng mắc trong triển khai thực hiện, làm cơ sở để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định, hỗ trợ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Ngô Hữu Lợi cho biết, trong thời gian tới, dự báo nhiệm vụ xây dựng pháp luật ngày càng nặng nề, trong khi quy trình xây dựng pháp luật ngày càng khó và chặt chẽ. Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này. Các chính sách tài chính trong thời gian tới tiếp tục tạo khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Vụ Pháp chế là những người trực tiếp cùng đóng góp công sức vào công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách Tài chính, chung tay vun đắp thêm vào truyền thống vẻ vang của ngành Tài chính.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-16/tu-hao-dong-gop-truc-tiep-vao-viec-hoan-thien-he-thong-chinh-sach-tai-chinh-91046.aspx