Tự hào dân tộc và hoài bão doanh nhân sẽ tạo nên sự khác biệt

Kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm Tân Sửu và một định hướng tích cực hoàn thiện thể chế của Chính phủ trong những năm sắp tới đã thúc đẩy mạnh mẽ hoài bão sản xuất kinh doanh của cộng đồng Việt Nam.

Dự báo kinh tế năm 2021 và định hướng cho giai đoạn 2021-2025

Theo số liệu của các tổ chức nghiên cứu kinh tế trên thế giới, do tác động của đại dịch, tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2020 giảm khoảng từ 5 đến 7% so với mức độ tăng trưởng trung bình của kinh tế thế giới trong các năm trước và kinh tế thế giới cần thời gian ít nhất từ 2 đến 3 năm để khôi phục được nhịp độ tăng trưởng ở thời trước khi dịch bệnh bùng phát và lây lan. Những nền kinh tế lâu nay chưa giải quyết được các vấn đề và bất cập mang tính cơ cấu cũng như phụ thuộc nhiều nhất vào ngành dịch vụ thì đều bị ảnh hưởng tiêu cực nặng nề nhất.

Theo hãng thông tấn Nhật Bản Nikkei ngày 29/12/2020 tổng hợp các dự báo về GDP thực tế theo từng quốc gia ở Đông Nam Á của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lấy số liệu năm 2019 là mốc 100. Kết quả cho thấy, Việt Nam cùng với Indonesia và Malaysia đều đạt điểm trên 100 cho năm 2021, có nghĩa là nền kinh tế của 3 nước Đông Nam Á sẽ tăng trưởng trong năm 2021 đạt mức cao hơn so với trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Việt Nam được dự báo dẫn đầu nhóm 6 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan, với chỉ số tăng trưởng được dự báo là 108,4. S&P Global dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 10,9% theo giá trị thực vào năm 2021, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á - Thái Bình Dương, sau khi tăng 2,91% trong năm 2020.

Năm 2021 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025. Chính phủ đã đề ra những định hướng phát triển kinh tế và doanh nghiệp quan trọng như: Hoàn thiện thể chế, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số. Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với xây dựng chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số. Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng. Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, kinh tế hộ gia đình.

Bên cạnh đó, cần khai thác hiệu quả thị trường trong nước, các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại đến xuất khẩu. Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng; hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp...

Tự hào dân tộc và hoài bão doanh nhân sẽ tạo nên sự khác biệt

Một câu hỏi được đặt ra là: Với vai trò là một trong ba chủ thể của một nền kinh tế thị trường, lực lượng doanh nhân sẽ đóng vai trò như thế nào trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 trong một đất nước giàu truyền thống tự tôn dân tộc như Việt Nam?

Sự kỳ vọng vào phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm Tân Sửu và một định hướng tích cực hoàn thiện thể chế của Chính phủ trong những năm sắp tới đã thúc đẩy mạnh mẽ hoài bão sản xuất kinh doanh của cộng đồng Việt Nam. Đây sẽ là những động lực mạnh mẽ của nền kinh tế sau thời kỳ suy thoái do đại dịch Covid 19.

Có thể nói, chưa bao giờ người ta lại nhắc nhiều đến sự đóng góp của cách mạng 4.0 và công nghệ số vào sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia trong tương lai như ngày nay. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là lực lượng doanh nhân luôn luôn là lực lượng tiên phong của các cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới ngay từ những ngày đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX và nó gắn liền với các tên tuổi doanh nhân nổi tiếng trong các ngành công nghiệp ở Anh, sau đó lan tỏa sang nhiều ngành sản xuất khác và tới nhiều nước khác, trước hết là Mỹ, các nước châu Âu và Nhật Bản.

Mở đầu cuộc cách mạng này, nền sản xuất hàng hóa trong ngành dệt ban đầu dựa trên công nghệ thủ công giản đơn, quy mô nhỏ, lao động chân tay chuyển sang sử dụng các phương tiện cơ khí và máy móc trên quy mô lớn nhờ áp dụng các sáng chế kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp.

Tại châu Á, ở đất nước Mặt trời mọc, Toyoda Sakichi thường được nhắc đến như là nhà sáng lập của tập đoàn Toyota cũng như cha đẻ cuộc cách mạng công nghiệp Nhật Bản trong thời gian nước này trải qua thời kỳ lịch sử khó khăn nhất. Trong hồi ký của mình, Toyoda Sakichi kể lại, động lực chính để ông làm nên lịch sử đóng góp cho việc Nhật Bản ngày nay trở thành cường quốc kinh tế thứ ba thế giới là hình ảnh người mẹ quá vất vả bên chiếc khung dệt thô sơ.

Sau này, ông còn kể rằng một động lực nữa không kém quan trọng đã thúc đẩy sự sáng tạo của ông là lòng tự ái dân tộc. Bởi vì thời kỳ Sakichi Toyoda đang sống, làn sóng công nghiệp hóa, cơ khí hóa rất mạnh mẽ.

Thế nhưng trong một lần được dự hội chợ triển lãm ở Nhật Bản, Sakichi Toyoda không hề thấy một máy móc nào do người Nhật Bản phát minh được trưng bày. Mặc dù không được học hành nhiều, nhưng trong đầu Sakichi Toyoda đã xuất hiện ý nghĩ không chấp nhận thực trạng đó và nung nấu ý thức người Nhật Bản cũng sẽ phát minh ra được nhiều thứ. Và chiếc máy dệt đầu tiên do Sakichi Toyoda nghĩ ra đã chứng minh điều đó.

Cũng như Nhật Bản, yêu nước là truyền thống nổi bật trong hệ giá trị của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy là mẫu số chung, là nguồn lực nội sinh của cộng đồng dân tộc. Lòng yêu nước của người Việt Nam không chỉ là tư tưởng, tình cảm mà đã trở thành triết lý, là chủ nghĩa yêu nước, là ý chí, khí phách, quyết tâm và hành động của mỗi con người. Ngay cả trong cộng đồng ASEAN cũng có một nhận định chung là nếu nói về lòng tự hào dân tộc trong khu vực thì không nước nào hơn Việt Nam trong việc bảo vệ màu cờ, sắc áo...

Về truyền thống yêu nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Tinh thần yêu nước, yêu gia đình, yêu giống nòi của người Việt Nam cũng được thể hiện ngay trong những ngày chống dịch Covid-19. Với tinh thần “không bỏ lại ai ở phía sau” nên ai cũng được quan tâm, chăm sóc. Những lúc hoạn nạn mới thấy hai tiếng “đồng bào” mang ý nghĩa thiêng liêng và lớn lao đến thế. Những người con ở xa Tổ quốc không những muốn về với đất mẹ để được che chở, bao dung, để được sẻ chia đùm bọc mà còn sẵn sàng giúp đỡ đất nước. Yêu nước là phẩm chất quan trọng nhất của một công dân chân chính.

Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch Covid-19.

Hãng định giá thương hiệu của Anh nhận định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm ngoái, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Là một trong ba chủ thể chính của nền kinh tế thị trường, các doanh nhân Việt Nam cần chủ động nâng cao nhận thức để có thể đặt lòng yêu nước truyền thống và hoài bão kinh doanh của mình trong những thách thức và cơ hội của đất nước hiện nay.

Đó là sự kéo dài chưa có hồi kết của đại dịch Covid 19 và căng thẳng thương mại của các cường quốc kinh tế.

Đó là Cách mạng công nghiệp 4.0 với những cơ hội to lớn chuyển đổi mô hình doanh nghiệp cạnh tranh hơn trong cả 3 lĩnh vực doanh nghiệp: sản xuất, kinh doanh và tài chính.

Đó là tăng cường chặt chẽ hợp tác ASEAN và Biển Đông làm cơ sở cho sự hợp tác kinh tế song phương và đa phương bền vững vì thị trường 650 triệu người ASEAN lớn thứ ba thế giới và Biển Đông mang tầm chiến lược kinh tế và an ninh to lớn. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông với lượng thương mại trị giá gần 5,5 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và cả Trung Quốc. Khu vực này cũng là nền tảng cơ bản của nghề thủy sản sinh lợi, rất quan trọng đối với an ninh lương thực của hàng trăm triệu người ở Đông Nam Á. Ở đây có dự trữ dầu khí khổng lồ được cho là nằm dưới đáy biển (Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng).

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, cả nước có trên 100.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng trên gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm Tân Sửu và thời gian tới, chắc chắn chúng ta sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, cùng với sự định hướng phát triển kinh tế và doanh nghiệp của Chính phủ cũng như sự phát triển mạnh mẽ thị trường, doanh nhân Việt Nam với ý chí phát huy tối đa hoài bão sản xuất kinh doanh và lòng tự tôn dân tộc của mình sẽ chủ động không chỉ hiện thực hóa kỳ vọng tăng trưởng cao của các dự báo kinh tế mà còn đem lại sự khác biệt thông qua việc trưng bày ngày một nhiều hơn sản phẩm Việt tại những cuộc triển lãm hàng công nghiệp trong và ngoài nước ngay năm “Trâu vàng” và những năm sắp tới trong thời đại công nghệ số.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-hao-dan-toc-va-hoai-bao-doanh-nhan-se-tao-nen-su-khac-biet-135127.html