Tự hào đại gia đình làm nghề mỏ

Đó là gia đình ông Phạm Văn Thành, phố Lý Bôn, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả. Gia đình ông Thành có 3 thế hệ đều gắn bó với các đơn vị thuộc ngành Than, như: Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin, Công ty Than Thống Nhất.

Tốt nghiệp khóa I, Trường Cấp II-III Cẩm Phả (nay là Trường THPT Cẩm Phả), năm 1964, ông Thành xin vào làm việc ở Mỏ than Cọc Sáu, nay là Công ty CP Than Cọc Sáu, khi mỏ mới thành lập được 4 năm. Ông được mỏ tạo điều kiện đi học và trở thành công nhân ngành điện. Cũng ở Than Cọc Sáu, ông tìm được người bạn đời làm việc ở công trường Xúc Tả Ngạn. Trong suốt 36 năm gắn bó với Mỏ than Cọc Sáu, ông vừa là một thợ điện lành nghề, vừa tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; rồi chuyển về làm ở bộ phận Công đoàn. Trước khi về nghỉ hưu, ông Thành là Phó Chánh Văn phòng Công ty.

Ông Phạm Văn Thành (bên trái) kể về một thời vừa sản xuất, vừa chiến đấu sôi nổi của mình và đồng nghiệp.

Ông Phạm Văn Thành (bên trái) kể về một thời vừa sản xuất, vừa chiến đấu sôi nổi của mình và đồng nghiệp.

Ông Thành kể: Trong quá trình công tác, tôi rất tự hào khi được chứng kiến và tham gia vào những giai đoạn hình thành, xây dựng và phát triển của Mỏ than Cọc Sáu. Đó là những tháng ngày vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện cho miền Nam ruột thịt; thực hiện sự nghiệp đổi mới, phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Ở giai đoạn nào, những cán bộ, công nhân Cọc Sáu luôn đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

“Những năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, tuy mỏ gặp nhiều khó khăn, đời sống công nhân còn thiếu thốn nhưng khí thế thi đua lao động rất sôi nổi. Chúng tôi vừa làm việc, vừa lo sơ tán, bảo vệ máy móc, thiết bị. Vất vả là thế nhưng phong trào văn hóa, văn nghệ luôn được anh chị em công nhân hưởng ứng, nhiệt tình tham gia. Hồi ấy, chúng tôi thiếu từ loa, máy, có khi còn không có cả micro, nhưng lời ca, tiếng hát vẫn vang lên ở khắp các công trường, xí nghiệp” - ông Thành cho biết.

Năm 2000, ông Phạm Văn Thành về hưu. Giống như nhiều gia đình làm nghề mỏ với truyền thống “cha truyền, con nối”, 2 con trai của ông Thành đều theo nghiệp cha, xin vào công tác ở Công ty CP Than Cọc Sáu; còn cô con gái làm việc ở Công ty Than Thống Nhất. Mấy năm trước, cháu nội của ông Thành cũng xin vào làm ở Công ty CP Than Cọc Sáu. Cả gia đình 3 thế hệ đều làm ở một công ty, nên dù đã nghỉ hưu gần 20 năm, ông Thành vẫn có thể thường xuyên “cập nhật” tình hình sản xuất, kinh doanh của “mái nhà Than Cọc Sáu”.

Dẫn chúng tôi đi thăm Nhà truyền thống của Công ty, anh Phạm Việt Thắng, Chánh Văn phòng Công ty (con trai ông Phạm Văn Thành) rất tự hào khi giới thiệu về truyền thống, thành tích đơn vị đạt được. Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, hơn 16.000 lượt người đã kế tiếp nhau nỗ lực không ngừng để từng bước làm chủ công nghệ thiết bị hiện đại, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển được giao. Than Cọc Sáu đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 1996, Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân vào năm 2002 và nhiều khen thưởng khác.

Anh Phạm Việt Thắng, Chánh Văn phòng Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin, và đồng nghiệp.

“Nhiều người trong gia đình tôi gắn bó với Công ty Than Cọc Sáu. Công ty như ngôi nhà thứ hai của đại gia đình. Vùng mỏ Cẩm Phả với truyền thống Kỷ luật và Đồng tâm chính là nơi nuôi dưỡng, đào tạo cho các thế hệ chúng tôi trưởng thành. Bản thân tôi xác định rõ giá trị truyền thống tốt đẹp ấy chính là cốt lõi, là động lực để cá nhân nói riêng, gia đình, tập thể nói chung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao” - anh Phạm Việt Thắng chia sẻ.

Hiện giờ, đại gia đình ông Phạm Văn Thành gồm 4 thế hệ quây quần, cùng chung sống. Mỗi ngày, nhìn các con, cháu trưởng thành và hăng say làm việc, gắn bó, cống hiến cho Than Cọc Sáu, ông Thành thấy rất hạnh phúc, tự hào. Ở TP Cẩm Phả, có rất nhiều xóm thợ, phố thợ và gia đình người thợ như đại gia đình ông Thành. Họ đoàn kết, yêu thương nhau, hiểu công việc, hoàn cảnh của nhau, sẵn sàng giúp đỡ và cùng nhau phấn đấu, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của những người thợ mỏ...

Hoàng Quý

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202011/tu-hao-dai-gia-dinh-lam-nghe-mo-2508201/