'Tự hào chúng con có mẹ Việt Nam anh hùng'

Ba người mẹ đại diện cho 3 miền: Bắc, Trung, Nam đều dành tình yêu thương cho một người con là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường, chiến đấu bảo vệ quê hương được tái hiện trong vở kịch 'Những người mẹ', do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn.

Đây là tác phẩm tham dự Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018. Vở diễn của tác giả, nhà văn Xuân Đức; đạo diễn NSND Lê Hùng; chỉ đạo nghệ thuật Đại tá, Giám đốc, đạo diễn, NSND Nguyễn Quốc Trượng.

Sân khấu Nhà hát Quân đội sáng 14-11 không còn một chỗ trống, không phải bởi vở diễn “Những người mẹ” là tác phẩm dự thi cuối cùng tham dự Hội diễn mà thu hút đông đảo khán giả đến xem mà đây là vở được Nhà hát Chèo Quân đội đầu tư dàn dựng công phu.

Mẹ Hường và con trai sau 16 năm mới được gặp lại nhau.

Màn mở đầu vở diễn, hình ảnh bà mẹ miền Trung du Bắc bộ sống trong đau buồn, khắc khoải ngóng tin con ở chiến trường đằng đằng 6 năm không tin tức. Bà tự lập bàn thờ để tưởng nhớ hình ảnh người con trai mình đã mang nặng đẻ đau mà không hề hay biết anh vẫn còn sống. Trái tim người mẹ quặn đau khi nghe dân làng đồn con trai bà đã phản bội làng xóm, quê hương. Chính vì tin đồn thất thiệt mà người con trai khi trở về nhà đã không dám gặp mẹ vì chưa tìm được người làm chứng để minh oan cho mình. Anh phải bỏ quê hương, kìm nén cảm xúc để giữ thanh danh cho gia đình và vào miền Nam chăm sóc mẹ của một đồng đội đã hy sinh. Mặc dù là mẹ nuôi nhưng anh luôn dành tình cảm, tình yêu thương cho bà như mẹ đẻ. Sau 16 năm chăm sóc người mẹ nuôi, anh mới trở lại quê hương để gặp lại mẹ đẻ của mình. Bên cạnh hai người mẹ này còn có một bà mẹ người Huế đã cưu mang, cứu mạng anh trong khi chiến đấu bị thương ở chiến trường. 3 người mẹ, người sinh thành, người nuôi dưỡng và một người là ân nhân cứu mạng, họ là hiện thân của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, kiên cường, quả cảm trong chiến đấu chống quân thù và luôn chan chứa tình yêu thương gia đình, xóm làng.

Quốc Trường bị thương, được một bà mẹ người Huế và gia đình bà cứu chữa.

Trong vai bà mẹ miền Nam, Thiếu tá QNCN Lê Thị Thúy Nga cho biết: Lúc đầu mới nhập vai này, chị cảm thấy hơi lăn tăn bởi bà mẹ miền Nam thì không thể nói giọng miền Bắc. Hơn nữa, văn hóa của 2 vùng miền khác nhau nên phải làm sao để lột tả được hết hình mẫu nhân vật, đó là điều không đơn giản. Vì thế sau đó, nữ diễn viên này đã học nói tiếng miền Nam và làm quen, tìm hiểu tập tục vùng, miền để hóa thân vào vai diễn. Tuy nhiên, sau đó tác giả kịch bản chỉnh sửa lại hình ảnh bà mẹ miền Nam tản cư ra Bắc trong một thời gian dài nên không nhất thiết diễn viên phải nói tiếng miền Nam. Đây là tác phẩm sân khấu chèo nên việc chỉnh sửa này phù hợp với vở diễn và tạo điều kiện để diễn viên thể hiện tốt nhất vai của mình. Tham gia Hội diễn với tinh thần phấn khởi và cố gắng làm hết sức mình để cống hiến cho khán giả một món ăn tinh thần hấp dẫn nhất, đó là điều mà nghệ sĩ Lê Thị Thúy Nga tâm huyết và chị đã làm tròn vai diễn của mình trong vở “Những người mẹ”.

Các bà mẹ gặp nhau trong cảnh cuối của vở diễn.

Đã có thâm niên gần 30 năm đứng trên sân khấu và thể hiện rất nhiều vai diễn chính diện, trong đó có vai về người mẹ nhưng trong vở diễn này, Thượng tá QNCN, nghệ sĩ Thu Hiền trong bộc bạch: Chiến tranh cách mạng là đề tài mà khán giả rất thích. Vì thế, Nhà hát chọn vở chủ đề này để tham dự Hội diễn, sau đó sẽ biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Cái khó của diễn viên thể hiện vai diễn này là đài từ, phải nói giọng Huế để làm sao khán giả xem ghi nhận nhân vật này là người Huế. Nghệ sĩ Thu Hiền có thuận lợi là người miền Trung nên nắm bắt ngôn ngữ dễ hơn. Vì thế, khi nhập vai bà mẹ người Huế, chị cùng với đồng nghiệp thể hiện xuất sắc tác phẩm sân khấu này.

Là thế hệ được sinh ra trong hòa bình nhưng lại vào vai một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Đại úy QNCN Hoàng Thanh Huấn phải tìm hiểu, tập luyện nhiều ngày để hóa thân vào nhân vật. Nhìn những giọt mồ hôi còn vương trên má và gương mặt hồ hởi của nghệ sĩ này khi vở diễn vừa kết thúc, chúng tôi hiểu rằng, tấm màn nhung của sân khấu khép lại nhưng mở ra trang mới cho diễn viên này trên con đường nghệ thuật. Diễn viên Hoàng Thanh Huấn đã nhập vai với tâm thế người nghệ sĩ, chiến sĩ.

Khi vở diễn “Những người mẹ” kết thúc nhưng dường như khán giả vẫn chưa muốn về, đưa tay gạt những giọt nước mắt trên gò má, chị Nông Thị Lan, ở số 17 Hàng Khay (Hà Nội) vẫn còn cảm giác bồi hồi, xúc động như được sống cùng các nhân vật trong vở diễn. Những tràng pháo tay không ngớt, những bó hoa chứa đựng tình cảm chân thành của khán giả dành cho các nghệ sĩ là món quà quý giá đối với những diễn viên của Nhà hát Chèo Quân đội.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tu-hao-chung-con-co-me-viet-nam-anh-hung-554457