Tự hào 20 năm Thành phố vì hòa bình

Hôm nay (16/7) tròn 20 năm, Hà Nội - một trong 5 thành phố tiêu biểu trên thế giới và đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO vinh danh 'Thành phố vì hòa bình' tại Thủ đô La Paz, đất nước Bolivia. Sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện niềm tin, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng, góp phần nâng cao vị trí, uy tín của Việt Nam, Hà Nội trên trường quốc tế. Phát huy hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, phát huy những giá trị 'Thành phố vì hòa bình', Đảng bộ, chính quyền Thủ đô và nhân dân Thủ đô quyết tâm đổi mới, không ngừng sáng tạo, xây dựng Hà Nội giàu, đẹp…

Các đồng chí lãnh đạo Thành phố và người dân thực hiện nghi thức thả chim bồ câu

Các đồng chí lãnh đạo Thành phố và người dân thực hiện nghi thức thả chim bồ câu

Cùng hướng tới một thế giới hòa bình

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 20 năm thành phố Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” diễn ra sáng 13/7, ông Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO trao tặng chính là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng một thành phố hòa bình; một thành phố năng động nhưng vẫn giữ những nét truyền thống, vươn lên với sức bật mạnh mẽ xứng đáng là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trở thành trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Người nước ngoài luôn cảm nhận được một Hà Nội bình yên và mến khách

Danh hiệu đã góp phần quảng bá, giới thiệu với thế giới về hình ảnh, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế; đồng thời, làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc của người dân Thủ đô, cổ vũ động viên nhân dân chung sức xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Sau 20 năm với nhiều đổi thay, đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã và đang phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng, tiếp tục phát triển, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

Là thủ đô “Lắng hồn núi sông nghìn năm”, trong quá khứ Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã làm lên những chiến công hiển hách. Những địa danh Hàm Tử Quan, Ngọc Hồi - Đống Đa, Khâm Thiên đã đi vào lịch sử những chiến tích kỳ vĩ của ông, cha trong việc bảo vệ đất nước và Thăng Long - Hà Nội dấu yêu.

Đó cũng là thể hiện khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam và Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên truyền thuyết kể rằng, khi chiến thắng quân Minh xâm lược, Lê Lợi dạo hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm) đã trao lại gươm thần Kim Qui.

Nói một cách ngắn gọn khát vọng hòa bình luôn luôn chảy trong huyết quản mỗi người dân đất Việt nói chung, Hà Nội nói riêng. Trước một thế giới với những chuyển biến khó lường, Hà Nội trái tim của cả nước sẽ cùng toàn thể nhân dân Việt Nam quyết tâm cùng với cộng đồng quốc tế xây dựng thế giới hòa bình - thịnh vượng.

Thủ đô hôm nay to đẹp hơn, khang trang hơn, không chỉ mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số, Hà Nội còn là thành phố đa sắc mầu văn hóa, các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng.

“Dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, “Hòa bình” không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là mục tiêu và điều kiện căn bản để phát triển bền vững. Thủ đô Hà Nội luôn tự hào về danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua những khó khăn, thách thức, tự tin phát triển và hội nhập, trở thành một dấu ấn khó quên với bạn bè, du khách từng đặt chân tới”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh và cho biết, với những thành tựu trong 20 năm qua, bằng chủ trương phát triển Hà Nội ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, Hà Nội đang trình UNESCO xem xét Hồ sơ ứng cử để tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới.

Hội đủ điều kiện của “Thành phố sáng tạo”

Tại Lễ kỷ niệm, ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh, trải qua hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, Hà Nội đã khẳng định vị trí là trung tâm của cả nước về chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, sự phát triển của Hà Nội trên thực tế đã dựa trên các nền tảng hòa bình, các giá trị văn hóa, chất lượng giáo dục, sự năng động sáng tạo...

“Quyết tâm và mong muốn của chính quyền và người dân Hà Nội trong việc xây dựng và phát triển một thủ đô năng động, đổi mới, sáng tạo vì hòa bình càng được khẳng định với việc ngày 28/6/2019 vừa qua, Hà Nội đã hoàn thiện và nộp hồ sơ đăng ký vào mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của UNESCO trong thời gian rất ngắn. Tham gia mạng lưới này, Hà Nội sẽ trở thành một trong những trung tâm hội tụ và lan tỏa của tri thức và sáng tạo”, ông Lê Hoài Trung cho biết.

Là người trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” cho Hà Nội vào 20 năm trước, ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, đại diện Tổng Giám đốc UNESCO chia sẻ niềm vui được trở lại Hà Nội ngày hôm nay khi Thành phố kỷ niệm 20 năm ngày đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Ông Firmin Edouard Matoko cho biết: “UNESCO đánh giá cao tầm nhìn mà Hà Nội - Thành phố vì hòa bình của UNESCO, đã mang đến cho Tổ chức của chúng tôi.

Ngày hôm nay, khi nhìn vào Hà Nội 20 năm sau khi được vinh danh sẽ thấy không chỉ là một khu đô thị lớn hơn với dân số đông hơn, một thành phố mở cửa, một Thủ đô hội nhập năng động vào hợp tác khu vực và quốc tế, một đất nước Việt Nam hiện đại, trẻ trung, tự tin, đầy trách nhiệm. UNESCO hiểu rằng dù Hà Nội tự hào về quá khứ của mình, nhưng vẫn hướng đến tương lai. Chúng tôi tin rằng Thành phố có tất cả các điều kiện phù hợp để trở thành trung tâm của sự sáng tạo”.

Theo ông Firmin Edouard Matoko, UNESCO tiếp tục làm việc với Hà Nội không chỉ để thúc đẩy và bảo tồn lịch sử, mà còn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới cho một thời đại mới.

UNESCO tin rằng, theo cách này, Hà Nội có thể duy trì sự tăng trưởng một cách bền vững, thu hút nhân tài cho thành phố, cung cấp việc làm cho giới trẻ và xây dựng Hà Nội như một thủ đô sáng tạo. UNESCO cũng tin trưởng trong 20 năm nữa, vào năm 2039, Hà Nội sẽ có nhiều điều đổi thay, sự thay đổi đó sẽ chỉ thêm một chương nữa vào di sản của “Thành phố vì hòa bình”.

Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã khai trương website Hà Nội - Thành phố sáng tạo. Sự kiện này nằm trong chương trình xây dựng hồ sơ đề cử Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, trong đó có trang web Hà Nội - Thành phố sáng tạo là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao tầm vóc và tạo dựng hình ảnh mới hấp dẫn cho thành phố Hà Nội.

Xây dựng nền hành chính vì dân

Không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính đã giúp thành phố Hà Nội có sự bứt phá vượt bậc trong 20 năm qua.

Những cố gắng đó đã được ghi nhận bằng kết quả cao ở nhiều chỉ số: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) liên tiếp hai năm (2017, 2018) đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2018 tăng 16 bậc so với năm 2017; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 tăng 4 bậc so với năm 2017, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 tăng 2 bậc so với năm 2017,...

Chưa bằng lòng với kết quả đó, thành phố Hà Nội vẫn đang phấn đấu, đến năm 2020, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của các cơ quan hành chính và giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80%; 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đạt yêu cầu hiện đại,… Đó chính là sự quyết tâm của thành phố trong việc cải thiện đời sống nhân dân bằng sự phục vụ tận tình, chu đáo, xây dựng nền hành chính vì nhân dân.

Đáng chú ý, trong chuỗi hoạt động xây dựng nền hành chính vì dân, thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, nền tảng chính quyền điện tử cơ bản đã được hình thành, nhận thức và ý thức của cán bộ, công chức cũng như người dân về ứng dụng công nghệ thông tin chuyển biến rõ rệt. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được triển khai tại 584/584 xã, phường, thị trấn.

Thành phố cũng đã triển khai hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp, kết nối cổng dịch vụ công của Thành phố. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công tại một số tổ dân phố, mô hình khu dân cư điện tử; hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho các em học sinh khối trung học cơ sở nhằm thông qua các em học sinh, thực hiện tuyên truyền tới gia đình và cộng đồng dân cư, tạo tiền đề xây dựng “công dân điện tử” và “Thành phố thông minh”; triển khai cấp căn cước công dân, cấp đăng ký mô tô điện, xe máy điện tại các trường học, khu đô thị, khu dân cư tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; bố trí công chức và cộng tác viên giới thiệu, hướng dẫn tư vấn miễn phí cho tổ chức và công dân về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thủ tục gửi hồ sơ, nhận kết quả qua đường bưu điện tại bộ phận “một cửa”,...

Qua ghi nhận tại trụ sở một số đơn vị, hầu hết người dân đều tỏ ra hài lòng khi tiến hành làm các thủ tục hành chính. Ông Vũ Đình Hòa (trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, do khả năng về công nghệ thông tin còn hạn chế nên ông vẫn ra phường làm các thủ tục theo thói quen.

Tuy nhiên, sau khi được các cán bộ hướng dẫn về các bước đăng ký trực tuyến, ông nhận thấy không hề khó như bản thân nghĩ và không mất nhiều thời gian phải xếp hàng chờ đợi đến lượt nên thấy rất phấn khởi và sẽ nói tuyên truyền để nhiều người lớn tuổi như mình biết đến dịch vụ tiện ích này.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo

Để đạt được kết quả trên, thành phố Hà Nội đã có những cố gắng trong chỉ đạo điều hành cũng như nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn Thành phố đã phấn đấu để phục vụ nhân dân. Cụ thể, trong những năm gần đây, công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội luôn được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá.

Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, Chương trình, Kế hoạch cải cách hành chính của Thành phố, phấn đấu có nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn được đề ra trong Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra, Thành phố tiếp tục đổi mới căn bản công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và hiệu quả”,“một việc, một đầu mối xuyên suốt”.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ; xác định rõ người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về kết quả thực hiện cải cách hành chính.

Về cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính, Thành phố chỉ đạo quyết liệt, tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư; đồng thời cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công.

Cụ thể, ban hành quy định về áp dụng cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa” liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã tại thành phố Hà Nội (Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước quy định thống nhất trong toàn Thành phố việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã được giao cung ứng dịch vụ công ích).

Thực hiện “cơ chế liên thông nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, nâng cao chất lượng công tác cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố và các thủ tục liên quan”; theo đó so với quy trình thực hiện trước đây, quy trình mới giúp ngắn thời gian giải quyết, giảm từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày đối với thủ tục phòng cháy, chữa cháy; từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày đối với thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, Thành phố tiếp tục đổi mới công tác theo dõi, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể triển khai quy định đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội theo Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16/5/2018 của Thành ủy Hà Nội về ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị của Thành phố.

Kết quả đánh giá, xếp loại hàng tháng của cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng là căn cứ để bình xét khen thưởng hàng tháng và đánh giá, xếp loại hàng năm đồng thời là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu, nhiệm vụ.

Về cải cách tài chính công, Thành phố tăng cường quản lý tài chính, tài sản công theo đúng quy định, tiếp tục thí điểm áp dụng cơ chế khoán mới nhằm giảm thiểu các khoản chi hành chính thường xuyên; tăng cường cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư của nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước; siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách Nhà nước.

Cùng với đó, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nội dung cải cách hành chính của Thành phố; đặc biệt cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực phục vụ doanh nghiệp và đời sống dân sinh (y tế, giáo dục, giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; bảo vệ môi trường..

Với việc liên tục duy trì thứ hạng cao theo đánh giá ở chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đã và đang tạo nền tảng vững chắc cho thành phố Hà Nội xây dựng “thành phố thông minh” trong kỷ nguyên số. Đồng thời, khẳng định vị thế, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”.

H. Phong. N.Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tu-hao-20-nam-thanh-pho-vi-hoa-binh-93772.html