Từ giọng nói, AI có thể phát hiện tình trạng cô đơn ở con người

Trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ phân tích từ và khoảng trống im lặng trong cuộc trò chuyện để đo chỉ số cô đơn với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Vừa qua, Đại học California, San Diego, Mỹ đã tiến hành một dự án nghiên cứu ở 80 người cao tuổi tình nguyện. Từ các file ghi âm, nhóm đã định lượng và đánh giá cảm xúc bằng nhiều công cụ AI khác nhau, bao gồm phần mềm Hiểu ngôn ngữ tự nhiên IBM Watson (WNLU).

Không chỉ đánh giá dựa trên các từ khóa, mà AI còn tra ngược lại ý nghĩa của những từ được sử dụng trong suốt buổi phỏng vấn để đo lường chính xác nhất, cho phép kiểm tra kết quả từ nhiều người để khám phá ra cách dùng ngôn ngữ trong việc thể hiện cảm giác cô đơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Ancestry Blog.

Ảnh minh họa. Nguồn: Ancestry Blog.

Trưởng nhóm Ellen Lee cho biết, AI đánh giá các triệu chứng cô đơn ở người cao tuổi gần như chính xác, lên tới 94%. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có sự khác biệt giữa hai phái khi phụ nữ có nguy cơ cô đơn nhiều hơn nam giới.

Bên cạnh đó, nghiên cứu nhận định, không phải lúc nào người ta cũng nói đúng và chuẩn về sự cô đơn của mình cho tư vấn viên hoặc bác sĩ. Nhưng bằng cách phân tích nhiều đoạn hội thoại, AI có thể chẩn đoán chính xác mức độ cô đơn của mỗi người.

Theo các nhà khoa học, dữ liệu ngôn ngữ có thể kết hợp với các đo lường khác về nhận thức, vận động, giấc ngủ, hoạt động thể chất và sức khỏe tinh thần để nâng cao hiểu biết của chúng ta về quá trình lão hóa. Việc này sẽ giúp chăm sóc cộng đồng tốt hơn về cả thể chất lẫn tinh thần cho cộng đồng.

theo Dailymail

Ngân Phạm

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/tin-tuc/tu-giong-noi-ai-co-the-phat-hien-tinh-trang-co-don-o-con-nguoi-69451.html