Từ giám đốc sở trở lên mới kê khai tài sản, thu nhập

Để khắc phục tính hình thức trong việc xác minh, kiểm soát tài sản, thu nhập, Luật Phòng chống tham nhũng 2018 giảm đối tượng phải kê khai hàng năm, chỉ tập trung vào nhóm đối tượng tương đương từ giám đốc sở trở lên…

Sáng ngày 11/12, tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6, giới thiệu về các điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, Phó Tổng Thanh Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết: Luật từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể, Luật quy định việc áp dụng Luật PCTN đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân hoạt động từ thiện.

Luật đã quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường một bước tính tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi; quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm giữ chức vụ, chức danh quản lý; đồng thời đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hàng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện.

Tuy nhiên, một vấn đề được báo chí đặt ra là tại cuộc họp báo là, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng sĩ quan... là đối tượng buộc phải kê khai tài sản thu nhập và chịu sự thanh, kiểm ra của các cơ quan chức năng, trong khi doanh nghiệp ngoài nhà nước không phải kê khai và cũng không có cơ quan chức năng nào thanh tra, kiểm tra. “Đã không phải kê khai, lại không có ai thanh tra, kiểm tra thì đưa vào Luật này giải quyết được vấn đề gì?”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ) tại cuộc họp báo. Ảnh: Vân Anh.

Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho biết, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN năm 2018, không chỉ xuất phát từ yêu cầu của quá trình phê chuẩn Hiệp định CPTPP mà điều này còn xuất phát từ chủ trương của Đảng từng bước mở rộng đối tượng PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước; đồng thời từ yêu cầu thực tiễn, đảm bảo môi trường kinh doanh nghiêm chỉnh, lành mạnh.

Cũng theo ông Tuấn Anh, Luật PCTN 2018 mở rộng phạm vi ra ngoài nhà nước bao gồm rất nhiều nội dung và chỉ bắt buộc áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân hoạt động từ thiện.

Ngoài ra, Luật mở rộng cả hành vi, tức là quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước. Rõ ràng điều này phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ của Bộ luật Hình sự, đồng thời đáp ứng yêu cầu chống tham nhũng trong các khu vực ngoài nhà nước nói chung chứ không phải nói riêng với ba đối tượng trên.

Lý giải việc không bắt buộc phải kê khai tài sản đối với người giữ chức vụ quản lý tại các tổ chức tín dụng, công ty đại chúng, Phó Vụ trưởng Nguyễn Tuấn Anh cho hay: Sau khi Quốc hội họp cân nhắc thì thấy không khả thi, nhất là đối với các doanh nghiệp mà người quản lý là người nước ngoài thì không thể bắt người nước ngoài kê khai tài sản mà tại nước họ có rồi sang Việt Nam lại phải kê khai. Vì vậy, sau đó Luật chỉ quy định kiểm soát tài sản,thu nhập đối với chủ tổ chức tín dụng khu vực nhà nước.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng thông tin thêm: Để khắc phục tính hình thức trong việc xác minh, kiểm soát thu nhập, Luật yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn và một số nhóm viên chức giữ chức vụ quản lý kê khai lần đầu. Tuy nhiên, kê khai hàng năm chỉ tập trung ở nhóm đối tượng tương đương từ giám đốc sở trở lên ở cả trung ương và địa phương và một số vị trí quản lý tài chính, tài sản công hoặc thường xuyên trực tiếp giải quyết công việc của người dân.

Qua việc kiểm soát, thống kê nói chung, ông Tuấn Anh cho biết, số lượng bản kê khai giảm rất lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ thì bản kê khai hàng năm chỉ khoảng 4.000- 5.000 người chứ không nhiều như trước đây. Bên cạnh đó, để tránh hình thức, Luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Đặc biệt trong việc xác định chủ động, hình thành cơ sở dữ liệu bản kê khai và quản lý cơ sở dữ liệu kê khai nói chung, hướng đến việc số hóa cơ sở dữ liệu này trên cơ sở sau khi chúng ta có những biện pháp bảo vệ dữ liệu an toàn.

Đồng thời, Luật cũng quy định hàng năm, cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập sẽ phải xây dựng kế hoạch kiểm tra chủ động dựa trên sự lựa chọn ngẫu nhiên trong tổng số các bản kê khai mà cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đang quản lý./.

Thu Hằng

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/thoi-su/tu-giam-doc-so-tro-len-moi-ke-khai-tai-san-thu-nhap-507723.html