Từ Gái nhảy đến Bố già, công thức nào tạo cơn sốt phòng vé?

20 năm trở lại đây, dòng phim thương mại với những bước phát triển, đột biến thú vị... đủ để hình dung công thức chung mang về thành công cho những bộ phim gây sốt phòng vé.

Yếu tố giải trí, hơi thở của phim thương mại

Đầu thập niên 2000, phim thương mại trở lại với sự mạnh dạn của cả phim Nhà nước và phim tư nhân. Đạo diễn Lê Hoàng làm bùng nổ các rạp chiếu với Gái nhảy (2003) và hàng loạt phim sau đó. Đây là những phim đạt doanh thu rất cao (nổi bật nhất là Gái nhảy với 12 tỷ đồng) - kỷ lục đối với thời điểm bấy giờ. Theo đó là con số người xem khổng lồ: 5 triệu lượt người. Gái nhảy giữ kỷ lục doanh thu của điện ảnh Việt Nam một thời gian dài. Thậm chí, phim còn mở màn cho thời kỳ phim thương mại sau giai đoạn khủng hoảng của điện ảnh thập niên 90. Thành công đó đã khiến khán giả màn ảnh rộng, giới truyền thông, những nhà đầu tư điện ảnh xem Lê Hoàng như một cỗ máy “hái ra tiền”, rồi ông mau chóng làm nên thương hiệu “vị đạo diễn sa đọa”. Sa đọa ở đây là những bộ phim về đề tài mang tính cướp, giết, hiếp, đồng tính, gái trai... đều được ông tận dụng triệt để vào phim.

Gái nhảy mở màn cho thời kỳ phim thương mại sau giai đoạn khủng hoảng của điện ảnh thập niên 90.

Tất nhiên, thành công của Gái nhảy thời đó đi kèm với nhiều gièm pha, chê trách, bởi nhiều người cho rằng bộ phim của Lê Hoàng đã giễu cợt cuộc đời của những cô gái ăn sương. Nhưng khi chứng kiến cảnh các cô gái lao tấm thân ngọc ngà của mình xuống dưới nước cống đen để tránh đội kiểm tra, chính khán giả không khỏi xót xa, hay những cảnh cô gái điếm phải lặn xuống bể bơi mò cho được chiếc chìa khóa phòng để đi khách lấy tiền nuôi con lại khiến khán giả “sụt sùi” đồng cảm. Đúng là trong phim có một số chi tiết bất hợp lý và khiên cưỡng chỉ để nhằm quảng cáo, thế nhưng đây chỉ đơn thuần là một bộ phim giải trí. Suy cho cùng, giải trí là nhu cầu tất yếu và điện ảnh không sai khi kịp thời đáp ứng nhu cầu này. Trong tình trạng nghèo nàn về giải trí ở các thành phố như thời điểm đó, việc thanh niên rủ nhau đi xem phim và có được những giây phút thư giãn chính là thành công của đạo diễn Lê Hoàng. Ngay cả giới chuyên môn cũng phải thừa nhận, những phim bị coi là thương mại giải trí, ít tính nghệ thuật thì lại thu hút đông đảo khán giả, trong khi phim truyền thống khó kéo khán giả đến rạp. Thời điểm ấy, Lê Hoàng được chú ý như một “chiến sĩ” tiên phong trong thể loại phim ăn khách, “vị cứu tinh” của nền điện ảnh Việt đầu những năm 2000.

“Cho người xem những gì họ cần chứ không phải những gì chúng ta có” - có lẽ đây chính là đúc rút quý báu của những người làm phim thương mại, bất kể thời của Gái nhảy hay thời của Bố già. 18 năm sau “hiện tượng” Gái nhảy của Lê Hoàng, Bố già của Trấn Thành ở thì hiện tại đã và đang tạo nên một “cơn địa chấn” tại các rạp chiếu với mức doanh thu hàng trăm tỷ. Dĩ nhiên, phim cũng nhận về nhiều quan điểm trái chiều, thậm chí không ít ý kiến mỉa mai phim “hên còn hơn hay”. Nhưng phim vẫn thành công ở khía cạnh đánh trúng thị hiếu khán giả. Nói cách khác, sức mạnh của bộ phim chỉ xoay quanh chữ “chạm” - một chữ thôi nhưng đủ kéo công chúng đến rạp và rỉ tai nhau rằng phải xem Bố già để chứng minh mình không hời hợt, lạc hậu. Là phim thương mại, giải trí, Bố già dành cho số đông khán giả đúng nghĩa khi nó mang chủ đề có tính toàn cầu: Tình cha con. Ê-kíp của bộ phim tính toán rất kỹ các tình tiết cũng như bối cảnh để tác phẩm trở nên gần gũi với trải nghiệm sống của khán giả, để họ có thể tìm thấy đâu đó hình ảnh của chính mình trong bộ phim và đồng cảm. Cũng từ đây, khán giả sẵn sàng bỏ qua những điểm chưa được của tác phẩm mà thả lỏng cảm xúc, để mặc nó trôi đi cùng bộ phim. Giới chuyên môn cũng thừa nhận, kịch bản Bố già đáp ứng được nhu cầu của số đông khán giả. Xét ở khía cạnh này, Bố già cực giống Gái nhảy.

Bố già đã tạo nên một “cơn địa chấn” tại các rạp chiếu với mức doanh thu khủng.

Gương mặt hot, diễn xuất nổi bật

Để hút khán giả, gương mặt kém nổi bật không phải là lựa chọn của những nhà làm phim nhiều toan tính. Những nghệ sĩ tham gia Gái nhảy như Mỹ Duyên, Minh Thư, Bằng Lăng, Quang Dũng,... đều là những gương mặt hot thời điểm đó. Sau thành công của Gái nhảy, các nhà sản xuất, đạo diễn lúc bấy giờ ùa đi tìm những gương mặt người mẫu, ca sĩ,... để làm ra những sản phẩm tiếp nối thành công của Gái nhảy. Những gương mặt từng tham gia trong phim trở thành hiện tượng, được săn đón nhờ thành công về thương mại của tác phẩm.

Bố già cũng vậy, một điều phải kể đến khi nói về thành công của bộ phim là dàn diễn viên đáng chú ý, mặc dù vào vai phụ nhưng diễn xuất vô cùng tốt và trở thành những điểm nhấn trong phim. Đó là NSND Ngọc Giàu, các nghệ sĩ Lan Phương, NSƯT Hoàng Sơn, Hoàng Mèo, Lê Giang, La Thành... thể hiện ra “chất” nhân vật của mình. Đặc biệt phải kể đến 2 gương mặt sát cánh bên cạnh vai chính: Tuấn Trần vai “Quắn” và bé Ngân Chi vai Bù Tọt, với diễn xuất vô cùng tự nhiên, thu hút được thiện cảm của khán giả. Đương nhiên, không thể không nhắc đến cái tên Trấn Thành (Ba Sang) và Lê Giang (Cẩm Lệ) khi cả hai đã có những phân đoạn “tung hứng” vô cùng hợp ý để khiến khán giả phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ cười, sâu lắng, đầy tâm trạng để rồi phải rơi nước mắt, những giọt nước mắt cho tình yêu nam nữ ở độ tuổi “xế chiều” hay là cả những cảm xúc chia ly của những người bạn tri âm tri kỷ, đã cùng chung sống trong một xóm lao động nghèo hàng chục năm trời.

Khán giả dễ chiều nhưng không hời hợt

Ở đâu và ở thời nào cũng vậy, một trong những yếu tố làm nên một bộ phim thắng về doanh thu là nội dung phải hay. Ngay cả trong điều kiện không thể làm ra những bộ phim mà cả cấu trúc lẫn cảm xúc đều tuyệt vời thì có lẽ các nhà làm phim sẽ tập trung vào cảm xúc để khán giả quên đi tất cả những khiếm khuyết khác của bộ phim. Gái nhảyBố già thuộc về trường hợp này, cảm xúc của phim đủ mạnh để khán giả tha thứ hết tất cả những thiếu sót còn lại.

Thành công của 2 bộ phim kể trên chắc chắn là điều không thể bàn cãi. Chất lượng phim dù có như thế nào thì lượng khán giả, đặc biệt là doanh thu suy cho cùng vẫn là thước đo chính xác nhất. Mặc dù vẫn còn không ít những ý kiến trái chiều về nội dung, song đại đa số những người am hiểu về thị trường phim Việt đều hiểu rằng, thành công của Gái nhảy hay Bố già sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc đến sự tính toán khôn ngoan trong kinh doanh của ê-kíp phim, cũng là bí mật nghề nghiệp không dễ tiết lộ ở thời điểm của Gái nhảy. Còn với Bố già, tính toán của ê-kíp dễ dàng được nhìn ra bởi sự nhạy bén của khán giả thời 4.0. Chiến lược quảng bá hợp lý giúp phim phổ biến tới nhiều tầng lớp, độ tuổi. So với Lật mặt 5 của Lý Hải, Trạng Tí của Ngô Thanh Vân, Bố già bị động về thời gian quảng bá vì quay muộn hơn. Dù vậy, việc liên tục đăng các teaser, hình ảnh phim, video hậu trường - trong đó có cảnh one-shot kinh phí hơn 1 tỷ đồng - giúp tác phẩm nhanh chóng được nhận diện. Trấn Thành tận dụng triệt để fanpage của anh với hơn 17 triệu người yêu thích - một trong những trang cộng đồng đông người theo dõi nhất Việt Nam. Theo đại diện Galaxy - nhà phát hành, nhiều bài giới thiệu phim trên fanpage Trấn Thành đạt hơn 10 triệu người tiếp cận (reach) - con số mơ ước với hầu hết đơn vị làm quảng cáo mạng xã hội. Sau khi phim ra mắt, ê-kíp tiếp tục tổ chức các buổi quảng bá ở nhiều cụm rạp. Bố già là phim hiếm hoi được tổ chức cinetour tại 3 thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Ngoài những yếu tố kể trên, 20 năm trở lại đây, phim điện ảnh hút được khán giả cũng bởi các rạp chiếu có điều kiện kỹ thuật công nghệ tốt, cơ sở vật chất sang trọng, tiện nghi, văn minh, lịch sự.

Việt Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-gai-nhay-den-bo-gia-cong-thuc-nao-tao-con-sot-phong-ve-n191020.html