Từ facebook đến... pháp đình

Vào mạng xã hội (MXH), chỉ cần gõ trên thanh tìm kiếm tên một nhân vật nổi tiếng, một nghệ sĩ, một kênh truyền hình ăn khách, hay đơn vị truyền thông... thường gặp hàng loạt các trang na ná nhau, rất mất thời gian đọc mới có thể phân định ra đâu là trang chuẩn. Những thông tin giả 'trôi nổi' trên các trang MXH đó được tung lên, hiện tại chưa được kiểm soát chặt chẽ, khiến cho môi trường mạng ngày càng nhiều nguy cơ độc hại, gây hệ lụy đến đời sống.

Thông tin giả, nạn nhân thật...

Tình trạng tung tin giả, tin thất thiệt đang khiến xã hội bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu. Mới đây nhất, nhiều tài khoản facebook đã chia sẻ thông tin, rằng Hiệp hội xăng dầu Việt Nam gửi công văn lên cơ quan chức năng đề xuất cấm cán bộ công chức trên toàn địa bàn đổ xăng tại trạm xăng Nhật Bản Idemitsu Q8 vừa mới khai trương. Một thông tin vô lý thế mà không hiểu sao được nhiều người hồn nhiên tin, chia sẻ về trang cá nhân của mình kèm những lời bình bày tỏ thái độ bức xúc... Đến nỗi, vị Chủ tịch Hiệp hội, ông Phan Thế Ruệ đã phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ, rằng thông tin này là hoàn toàn bịa đặt, làm xấu hình ảnh Hiệp hội trong mắt dư luận, người dân cần cảnh giác. Đồng thời ông cũng làm văn bản đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc truy tìm những kẻ tung tin đồn thất thiệt này...

Trước đó không lâu, doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (biệt danh Cường Đôla), đã lên trang Facebook của mình bày tỏ tình trạng dở khóc dở cười khi có kẻ mạo danh tuyên bố tặng thẻ cào điện thoại cho tất cả những ai chia sẻ thông tin, để lại lời nhắn và số...

Vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh - Anh Quân thì vô cùng bức xúc khi bị kẻ xấu bịa ra câu chuyện vợ mất ngủ vì tật ngáy quá to của chồng, rồi chia sẻ địa chỉ nữ ca sĩ đã mua thuốc xịt chống... ngáy ngủ!

Rồi thông tin bắt cóc trẻ con lan truyền trên mạng nhiều và gây hoang mang đến độ người ta sẵn sàng lao vào đánh khi nghi ngờ ai đó là thủ phạm. Hai người phụ nữ khốn khổ hồi tháng bảy đã van xin đám đông hãy đưa họ đến đồn công an, nhưng đến khi cơ quan chức năng xác định họ chỉ là những người bán tăm vô tội, thì cơ thể đã bầm dập đau đớn vì đòn thù của đám đông.

Những sai phạm của công ty VN Pharma trong khi đang được các cơ quan chức năng điều tra thì trên MXH đã ào ào làn sóng tẩy chay, rủa xả, cả chửi đổng, lẫn công kích cá nhân. Thông tin Hàng ngàn bệnh nhân ung thư chết vì thuốc giả được phát tán tràn lan, trong khi thực tế, các bệnh viện đều khẳng định, thuốc hỗ trợ điều trị ung thư H- Capital củaVN Pharma chưa từng được sử dụng ở bất cứ đâu bởi lô thuốc này đang nguyên niêm phong trong kho của cơ quan chức năng từ lúc phát hiện ra dấu hiệu sai phạm năm 2014.

Câu hỏi đặt ra, kẻ xấu tung tin rác, tin thất thiệt nhằm động cơ gì. Nhiều khi là trục lợi, nhằm câu khách để bán được hàng thu lợi nhuận, hay chỉ nhằm gây sự chú ý, hay tầm phào hơn là để cố tỏ ra... nguy hiểm!

Giải pháp nào ngăn chặn?

Phao tin đồn nhảm vốn là một hành vi xấu và xưa cũ mà bất kỳ một xã hội nào cũng có. Gần đây, một số trang web cho phép người dùng tự ý soạn thảo nội dung, lựa chọn tranh, ảnh để minh họa, tự trình bày, thiết kế trang y như một bài báo thật, rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Mục đích ban đầu của nhà mạng coi như là một trò đùa với tính chất giải trí, nhưng khi vào Việt Nam, nó bị người dùng vô ý thức lợi dụng để "chế biến" thành những câu chuyện nhảm nhí, giật gân gây sốc khiến nhiều người không phân biệt được, cả tin đó là sự thật. Người tham gia nên kiểm chứng thông tin từ nhiều kênh, đặc biệt là từ cơ quan chính thống, phân tích và tự nhìn nhận sự chân xác giữa các lằn ranh thật, giả.

Các chuyên gia cũng như người có uy tín vẫn cảnh báo người dùng MXH hết sức cảnh giác khi đọc, đặc biệt là chia sẻ các thông tin lên MXH. Bản thân mỗi người dùng đều tự trang bị cho mình một kiến thức nhất định khi gia nhập cộng đồng mạng vừa để tự bảo vệ an toàn cho bản thân cũng như tránh những tác động xấu cho mình và cộng đồng.

Vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh sau dòng chia sẻ sự bức xúc vì bị lợi dụng hình ảnh, rất nhiều tài khoản dùng Facebook đã ủng hộ họ chiến tới cùng, bằng cách báo lên cơ quan chức năng để truy tìm thủ phạm, đồng thời tìm đến luật sư để nhận sự hỗ trợ về pháp lý. Làm cho "ra ngô ra khoai" để ngăn chặn các hành vi tương tự không chỉ cho mình mà là các nạn nhân tiếp theo...

Luật sư Trần Tám (Công ty IPCOM) chỉ rõ, điều 37 Bộ luật Dân sự 2005 khẳng định: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ". Trên cơ sở pháp lý đó, có thể áp dụng các chế tài pháp luật là hành chính, dân sự, hình sự để xử lý cụ thể từng vụ việc. Vừa qua cơ quan công an nhiều địa phương đã truy tìm ra thủ phạm và triệu tập để điều tra, làm rõ hành vi hành vi bịa đặt thông tin, tung tin sai sự thật trên MXH gây hoang mang dư luận. Nhiều chủ tài khoản Facebook vi phạm đã bị xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ông Lê Ngọc Sơn, chuyên gia nghiên cứu truyền thông và quản trị khủng hoảng Đại học Công nghệ Ilmenau (Đức) cho rằng, để hạn chế tin giả trước hết cần có nhiều tin thật. Người dân càng được tiếp cận nhiều thông tin chính thống thì càng hạn chế đất cho tin giả hoành hành. Trên nền tảng đó, cần thiết phải tạo dựng môi trường thông tin minh bạch và xã hội vận hành trên trách nhiệm giải trình. Nên thành lập một bên thứ ba độc lập nhằm liên kết các bên Facebook, Google, Twitter, YouTube và một vài nhà mạng nhằm xác tín thông tin. Theo quy định tại Đức sau khi có phản hồi của người dùng về tin giả thì sau một ngày mà các trang trên không gỡ kịp thời sẽ bị phạt 500 nghìn Euro, thế nên các nhà MXH đã phải phối hợp với các tòa soạn lớn trên thế giới kiểm tra độ khả tín của thông tin.

Nhìn ở mặt tích cực, xã hội tiến bộ, phát triển lên chính nhờ sự vượt qua các thách thức, có những chính sách thông minh hơn, kích hoạt sự phát triển của xã hội. Trong quản lý nhà nước, thay bằng tư duy cấm đoán, kiểm duyệt ngặt nghèo, mục tiêu hướng tới là quản lý bằng nhà nước pháp quyền, vận hành bộ máy truyền thông chính phủ. Khi truyền thông chính thống cung cấp nhanh nhạy thông tin, khả tín cho người dân thì họ tránh được sự điều hướng đến các thông tin giả, độc hại. Bên cạnh đó, nhà nước cần đưa ra chế tài đối với các nhà cung cấp dịch vụ MXH. Họ hưởng lợi từ đấy thì phải có trách nhiệm với nó. Cần có bên thứ ba kiểm chứng thông tin và chế tài của luật cần đủ mạnh nhằm răn đe các hành vi trục lợi từ việc ngụy tạo tin giả.

Theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Theo Điều 122, Bộ luật Hình sự (Tội vu khống): người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với nhiều người; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người thi hành công vụ; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Theo Điều 122, Bộ luật Hình sự (Tội vu khống): người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với nhiều người; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người thi hành công vụ; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

BÌNH MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hangthang/tieu-diem/item/34528902-tu-facebook-den-phap-dinh.html