Tư duy truy tìm sự thật - Kỳ 1: Nguyên tắc đầu tiên là đừng tự lừa dối bản thân

Luân Đôn vào giữa thế kỷ 19 là một nơi đáng sợ. Cứ mỗi vài năm là một đợt dịch tả lại bùng phát, lan khắp thành phố và cướp đi mạng sống của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người.

“Tôi buộc phải thừa nhận rằng Snow đã đúng”

Một vị bác sĩ tên John Snow đã viết một quyển sách vào năm 1855, công bố chi tiết về giả thuyết của mình: thủ phạm gây bệnh chính là những phân tử vô cùng nhỏ mà người dân Luân Đôn đang hấp thụ từ một nguồn nước giếng đã bị ô nhiễm bởi chất thải của con người.

Snow đã đúng. Về sau ông được mọi người ca ngợi vì đã giải quyết được vấn đề và tạo tiền đề cho sự ra đời của lý thuyết mầm bệnh. Nhưng Đức cha Henry Whitehead - người sống trong khu Soho nghèo nàn và đông đúc của Luân Đôn lại cực kỳ hoài nghi về những lập luận trong sách. Ông thấy không có mối liên quan nào giữa những người mắc bệnh và việc họ uống hay không uống nguồn nước mà Snow cho là đã bị ô nhiễm ở Phố Broad.

Whitehead là người có tính hiếu kỳ và tư duy hệ thống, ông quyết tâm tìm hiểu cũng như thu thập dữ liệu. Whitehead đi đến từng nhà và hỏi người thân của những nạn nhân về nguồn nước uống của họ. Ngay cả khi đã có được những câu trả lời củng cố cho quan điểm của mình, ông vẫn tiếp tục tìm hiểu để chắc chắn đó là sự thật. Nhờ vậy, Whitehead phát hiện đã có một số thông tin sai lệch từ những câu chuyện ông từng nghe kể.

Whitehead không khỏi ngỡ ngàng khi càng tìm được nhiều chứng cứ thì mọi thứ càng có vẻ củng cố cho quan điểm của Snow. Cuối cùng, Whitehead hoàn thành quá trình kiểm chứng và công bố một báo cáo chi tiết về những phát hiện của mình. Trong đó, ông kết luận: “Dù có hơi miễn cưỡng, nhưng sau cùng tôi buộc phải thừa nhận rằng Snow đã đúng”.

Dù mục tiêu ban đầu của Whitehead là tìm bằng chứng chứng minh giả thuyết của Snow sai, nhưng cuối cùng Whitehead lại trở thành người công nhận giả thuyết đó. Trải nghiệm này để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí Whitehead đến mức từ đó về sau, ông luôn treo một bức chân dung của Snow trong phòng làm việc của mình. Whitehead nói ông làm vậy là để tự nhắc nhở bản thân rằng trong bất cứ ngành nghề nào, chúng ta đạt được kết quả cao nhất không phải bằng cách cuống quýt “hoàn thành một việc gì đó”, mà phải kiên nhẫn tìm hiểu những quy luật bất biến của tự nhiên.

Tránh tự lừa dối bản thân

Chúng ta cảm thấy ấn tượng với Whitehead không chỉ vì ông nỗ lực tìm ra nguồn gốc dịch bệnh, mà còn vì ông đã làm tất cả những gì có thể để đảm bảo có được câu trả lời đúng, cho dù ông hoàn toàn có thể dừng cuộc điều tra sau khi nghe được những gì mình muốn nghe và vẫn cảm thấy mình đã làm hết trách nhiệm.

Nhà vật lý Richard Feynman từng có bài phát biểu kinh điển vào năm 1974 tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Caltech - Viện Công nghệ California. Feynman đã nói về tầm quan trọng của nỗ lực tránh tự lừa dối bản thân. Đó là đánh giá chính xác những sai lầm có thể có trong các giả thuyết do bản thân đề ra, thừa nhận tất cả các kết quả có được chứ không chỉ những kết quả có lợi, và không dàn dựng các thí nghiệm để đạt được kết quả như mong đợi.

Trong bài diễn văn của Feynman có một câu nói mà sau này được rất nhiều người biết đến: “Nguyên tắc đầu tiên là đừng tự lừa dối bản thân - và bạn chính là người dễ bị lừa nhất”. Bởi, trong vô thức chúng ta ít khi xem xét kỹ lưỡng những ý kiến hợp ý mình, thường ngừng tìm hiểu một khi đã nghe được điều mình muốn nghe, có xu hướng sử dụng những nguyên tắc có lợi cho bản thân và lựa chọn các tiêu chí đánh giá sao cho ta có được kết quả phù hợp nhất.

Mọi chuyện sẽ thế nào nếu chúng ta chỉ đi theo con đường mà các chứng cứ đang hướng đến? Mọi chuyện sẽ thế nào nếu chúng ta ưu tiên có được một tấm bản đồ chính xác hơn là có được kết quả mà mình muốn, và đánh giá các quan điểm dựa trên một tiêu chuẩn nhất quán chứ không phải “tiêu chuẩn kép”?

Tạo điều kiện để sự thật tìm đến bạn

Trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, quân đội Liên bang miền Bắc đã bắt giữ một chiếc tàu của Anh chở hai nhà ngoại giao của Liên minh miền Nam. Sự kiện này khiến phe miền Bắc vô cùng phấn khởi, bao gồm cả Tổng thống Lincoln đương nhiệm.

Tuy nhiên, William Seward - một thành viên nội các của Lincoln - lại cho rằng việc bắt giữ hai sĩ quan cấp cao của miền Nam đã vi phạm luật quốc tế. Sao Liên bang miền Bắc có thể nghiễm nhiên bỏ qua những nguyên tắc cơ bản đã giúp xây dựng thể chế của họ như thế?

Lincoln đã viết một bản dự thảo về quan điểm của Liên bang miền Bắc, theo đó ông từ chối thả hai tù binh kia. Còn Seward lại viết một bản dự thảo với quan điểm trái ngược, tuyên bố phóng thích hai tù binh đó và trình lên Lincoln. Sau khi đọc và cân nhắc bản dự thảo của Seward, Lincoln nói với Seward: “Tôi nhận thấy mình không thể đưa ra một quan điểm chỉ để thỏa mãn tâm trí của chính tôi, và điều này cho thấy quan điểm của ông là đúng”.

Về sau, sự kiện này được nhìn nhận là vô cùng quan trọng trong lịch sử Hoa Kỳ. Một sử gia từng viết: “Bản dự thảo của Lincoln có thể khiến nước Anh tuyên chiến với Hoa Kỳ”. Và nếu chuyện đó xảy ra, lợi thế rất có thể đã thuộc về phe miền Nam.

Tinh thần sẵn sàng thay đổi quan điểm cá nhân của Lincoln thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng câu chuyện của ông còn cho thấy một nguyên tắc có giá trị lớn hơn, đó là tầm quan trọng của việc tạo điều kiện để sự thật tìm đến bạn, bằng cách tạo ra những “tình thế” giúp bạn dễ dàng thay đổi quan điểm của mình.

Chẳng hạn, cách bạn phản ứng với lời chỉ trích hoặc quan điểm bất đồng có vai trò to lớn đối với khả năng bạn sẽ gặp những lời chỉ trích hoặc quan điểm bất đồng khác trong tương lai. Nếu bạn chỉ lo “phòng thủ” hoặc ra sức “tiêu diệt” người truyền thông điệp, thì bạn sẽ khiến người đó không muốn truyền thêm bất kỳ thông tin gì cho bạn trong tương lai nữa.

H.V

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tu-duy-truy-tim-su-that-ky-1-nguyen-tac-dau-tien-la-dung-tu-lua-doi-ban-than-182307.html