Tư duy tích hợp trong phát triển 'siêu đô thị' bền vững cho tương lai gần kề TP.HCM

Đó là chủ đề lần đầu tiên được thảo luận tại Workshp – Tọa đàm chuyên gia do Viện đô thị sinh thái và phát triển vùng Leibniz (IOER - Cộng hòa liên bang Đức), mà TS Trần Thục Hân là đại diện, vừa tổ chức tại Trường Đại học Viêt Đức (*).

Thông qua buổi tọa đàm, các chuyên gia tìm kiếm tiếng nói chung giữa các nhà khoa học đến từ Đức và Việt Nam, trao đổi những vấn đề nổi cộm về phát triển đô thị và vùng đô thị trên cơ sở các chuyển đổi bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Các lĩnh vực này cần tư duy hệ thống và nghiên cứu tích hợp trong quản lý phát triển bền vững vùng đô thị và đô thị cực lớn như TP.HCM trước bối cảnh bùng nổ đô thị và biến đổi khí hậu.

Đô thị hóa bùng nổ và các thách thức mới

Quá trình đô thị hóa đã đưa hơn 50% nhân loại bước vào kỷ nguyên đô thị năm 2008, sau 10 năm đã đạt đến mức phát triển ở qui mô siêu đô thị (mega city) tích tụ hàng chục triệu người đến định cư, diễn ra tại tất cả các châu lục hiện nay. Đô thị đang trở thành động lực phát triển kinh tế khi nó tạo ra 60-70% GDP các quốc gia (riêng TP.HCM với 13 triệu dân tạo ra 27 - 30% GDP cả nước).

Theo các chuyên gia, càng mở rộng, đô thị càng đến gần khủng hoảng về môi trường (ô nhiễm đất, nước, không khí, từ chất thải, phát triển công nghiệp bẩn, sử dụng năng lượng hóa thach quá mức và hủy hoại tài nguyên, khủng hoảng về con người, cộng đồng và xã hội) trong bối cảnh tích tụ đô thị quá nhanh và biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, làm bức tranh đô thị hóa trở nên xám hơn rất nhiều so với kỳ vọng.

Các chuyên gia nghiên cứu đô thị trao đổi tại tọa đàm "Tư duy tích hợp trong phát triển đô thị cực lớn bền vững cho tương lai gần kề TP.HCM", diễn ra ngày 2.12 vừa qua tại trường Việt - Đức.

Các chuyên gia nghiên cứu đô thị trao đổi tại tọa đàm "Tư duy tích hợp trong phát triển đô thị cực lớn bền vững cho tương lai gần kề TP.HCM", diễn ra ngày 2.12 vừa qua tại trường Việt - Đức.

Trong ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, quá trình đô thị hóa đang tăng tốc ở Việt Nam thông qua các dòng di cư nông thôn - thành thị lớn và phân loại lại. Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức đô thị hóa 40% vào năm 2020 và phải sẵn sàng để đô thị hóa như một công cụ duy trì tăng trưởng kinh tế, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vượt qua các thách thức toàn cầu.

Các thành phố, đặc biệt là các thành phố thứ cấp, là động lực chính cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế vì khoảng 70% tổng sản phẩm quốc nội được tạo ra ở khu vực thành thị. Tuy nhiên, các khu vực đô thị vẫn bị thách thức với sự chênh lệch thu nhập ngày càng tăng, phát triển không chính thức, thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản, thiếu nhà ở theo chuẩn, suy thoái môi trường, cũng như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Mực nước biển dâng cao, triều cường, lũ lụt, sóng nhiệt... có thể sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức đô thị hóa hiện có và tạo ra sự di cư bổ sung đến các thành phố ở Việt Nam.

Tư duy và phương pháp-công cụ quản lý phát triển phải thay đổi

Để vượt qua những thách thức này, các thành phố của Việt Nam cần có khung chính sách đô thị chiến lược, có sự tham gia để hướng dẫn, quản lý quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị trong nước. Đây phải là một cách tiếp cận phối hợp liên nghành và quản lý tích hợp giữa Không gian – Hạ tầng – Môi trường sinh thái tự nhiên – Môi trường sinh thái xã hội với các ưu tiên quốc gia đã được thống nhất và tầm nhìn rõ ràng để thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững.

Hình ảnh xóm nước đen ở TP.HCM nhìn từ trên cao. Ảnh: NatGeo

Chuyển đổi tư duy phát triển từ đơn ngành sang liên ngành, liên lĩnh vực và tích hợp càng nhiều càng tốt các tiềm năng và nội hàm phát triển là một yêu cầu mới đối với chiến lược tổng thể, rất cần sự đồng thuận của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực: qui hoạch, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Những vấn đề mới mẻ để thay đổi phương pháp và công cụ để chuyên gia hai nước cùng nghiên cứu và chuyển giao áp dụng trong chính sách phát triển đô thị, gồm: (1) Thiết lập Khung sinh thái phát triển đô thị để khai thác tiềm năng và phân bổ hợp lý nguồn lực; (2) Xây dựng tư duy hệ thống và tích hợp các lĩnh vực phát triển vào chiến lươc, qui hoạch và chương trình phát triển; (3) Xây dựng các khái niệm mới về hình thái, chức năng, không gian, cảnh quan, hạ tầng và các chủ thể xã hội, kinh tế, môi trường thích ứng bối cảnh mới; (4) Xây dựng các công cụ kỹ thuật phát triển, tổng hợp giữa thể chế - kinh tế -không gian - hạ tầng - xã hội và sự tham gia trong phát triển đô thị và vùng đô thị.

Các nghiên cứu cần áp dụng vào điều kiện cụ thể của một địa điểm hoặc một lĩnh vực liên quan mật thiết với hoạt động đời sống cơ bản của dân cư đô thị và vùng ven đô thị để thiết lập các mô hình thích ứng với phát triển đô thị hóa trong điều kiện đặc thù của Việt Nam một cách bền vững.

Giao lưu khoa học thúc đẩy nghiên cứu đô thị

Viện đô thị sinh thái và phát triển vùng Leibniz (Leibniz Institute of Ecological Urban and Regional Development) là một Viện nghiên cứu trong lĩnh vực qui hoạch và khoa học không gian, là thành viên của Hiệp hội Leibniz (một trong ba hiệp hội nghiên cứu của chính phủ Đức thành lập). Viện tập trung vào các nền tảng cơ sở của không gian sinh thái các thành phố và sự liên kết vùng để tạo sự phát triển và chuyển đổi bền vững của các khu vực đô thị trong bối cảnh khủng hoảng môi trường toàn cầu.

Viện trưởng Viện IOER - GS Marc Wolfram.

Các lĩnh vực nghiên cứu chính của Viện IOER: Quản lý và chuyển đổi cảnh quan sinh thái; Hiệu quả tài nguyên của các cấu trúc định cư; Giám sát các khu định cư và phát triển không gian mở; Các khía cạnh kinh tế đô thị sinh thái và Phát triển vùng; Chuyển đổi bền vững ở các thành phố và vùng đô thị; Dự án nghiên cứu tương lai; Chuyển giao kiến thức (ấn phẩm, thư viện số, giao lưu khoa học, đào tạo sau đại học về tiến sĩ và thạc sĩ “Phát triển không gian và quản lý tài nguyên thiên nhiên”, dữ liệu thông tin và dự báo...)

Viện sở hữu các dữ liệu dạng big data điều tra các tương tác động giữa các hệ sinh thái và đô thị, kinh tế, xã hội trên nhiều quy mô không gian, cũng như các chiến lược mềm cho quản lý của chính quyền đô thị. Các nghiên cứu của IOER là liên ngành, kết nối các bên tham gia của công cộng, tư nhân và dân sự về chuyển giao kiến thức và hợp tác sản xuất.

Tầm nhìn dài hạn trong tương lai đã thúc đẩy các biến đổi đô thị và vùng đô thị trên thế giới cho phép nhân loại phát triển mạnh trong một không gian hoạt động sinh thái an toàn. Chính vì vậy mà IOER luôn đầu tư nguồn lực có giá trị khoa học lớn vào đào tạo và thúc đẩy các nhà khoa học trẻ, thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ sự tương thích giữa công việc và cuộc sống.

Buổi trao đổi học thuật này không nằm ngoài ý nghĩa liên kết các chuyên gia Việt Nam với các chuyên gia của IOER để đi sâu và nhận diện những lợi thế và thách thức nhất đang tác động mạnh đến đô thị hóa ở Việt Nam và TP.HCM. Từ đó các chủ đề nghiên cứu được hình thành ở tầm nhìn quốc tế nhưng có thể áp dụng thiết thực cho Việt Nam và TP.HCM.

Hồng Trung

___________

* Các thành viên tham dự đến từ Trường Đại học Việt - Đức là nhóm chuyên gia nghiên cứu đô thị: TS Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng, TS Nguyễn Ngọc Hiếu - Quản lý thể chế, TS Phạm Thái Sơn - Quản lý phát triển đô thị. TS Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở qui hoạch kiến trúc TP.HCM) tham dự như một chuyên gia kết nối giữa các nhà khoa học với chính quyền đô thị.

Từ phía Cộng hòa liên bang Đức có hai giáo sư: GS.TS Marc Wolfram - Viện trưởng Viện IOER và GS.TS Hans Joachim Linke - Trung tâm quản lý đất đai (Đại học kỹ thuật Darmstadt). hai giáo sư tham dự qua digital media để trực tiếp xây dựng các định hướng, quan điểm tiếp cận và các chủ đề nghiên cứu có tính quốc tế. Workshop được sự bảo trợ truyền thông của Người Đô Thị.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tu-duy-tich-hop-trong-phat-trien-sieu-do-thi-ben-vung-cho-tuong-lai-gan-ke-tp-hcm-21841.html