Tu dưỡng và làm theo 18 chữ vàng Bác Hồ căn dặn

Không phải ngẫu nhiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã tổ chức Hội nghị lần thứ 7 và ban hành nghị quyết vào dịp kỷ niệm lần thứ 128 ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2018).

Nói về Bác Hồ kính yêu của chúng ta, nhân dân thế giới không nói gì nhiều về chức Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, mà họ vô cùng ngưỡng mộ, tôn kính nhân cách mẫu mực của một con người trọn đời hy sinh chiến đấu vì nước, vì dân; uy vũ không khuất; gian khổ không sờn; địa vị không ham; danh lợi không màng; giàu sang không chuộng; tửu, sắc không mê, chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là Tổ quốc được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Ảnh: http://www.bqllang.gov.vn

Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 19/5/2018 về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định. Nghị quyết chỉ rõ: “Đội ngũ cán bộ 20 năm qua là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.

“Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh, vừa thừa, vừa thiếu ở nhiều nơi. Thiếu những cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm… Công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, một số nội dung còn mang tính hình thức… Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ và cơ quan làm công tác cán bộ chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ”…

Do vậy, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Nghị quyết xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài và bền vững”.

Vấn đề rất lớn và rất mới trong Nghị quyết là coi việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là một trọng tâm của công tác cán bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của sự nghiệp cách mạng, sự tồn vong của chế độ.

Kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn, với tầm nhìn xa khoa học và biện chứng, Nghị quyết đã vạch ra một lộ trình rất cụ thể, xác thực, chu đáo, toàn diện đến năm 2020, 2025, 2030… xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đảm bảo đủ phẩm chất đạo đức, tài năng, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng mong muốn của nhân dân.

Về mối quan hệ tài - đức, Nghị quyết khẳng định lấy đức làm gốc. Không có đức thì không dùng. Nhưng có đức rồi, thì phải tôn trọng tài năng. Đức là nền móng vững chắc bảo đảm cho tài năng phát triển tốt đẹp, mang lại lợi ích cho Đảng, cho nước, cho dân. Cán bộ cấp càng cao thì chuẩn mực đạo đức càng cao, càng nghiêm ngặt.

Do vậy, Nghị quyết đã nhấn mạnh việc cần phải tiếp tục học tập, vận dụng, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Như chúng ta đã biết, minh triết Hồ Chí Minh rộng lớn, sâu sắc trên các vấn đề của đời sống xã hội. 18 chữ vàng của Bác Hồ căn dặn vẫn còn nguyên vẹn giá trị với hôm nay và lâu dài về sau. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, tu dưỡng và làm theo 18 chữ vàng của Bác Hồ căn dặn, sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 19/5/2018.

Tháng 5/1946, nhân dịp Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (tiền thân của Trường Sỹ quan Lục quân 1, nay là Đại học Trần Quốc Tuấn) khai giảng khóa 1 cho đội ngũ cán bộ chuẩn bị kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã đến thăm, huấn thị và trao tặng lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”. Lá cờ này, đến nay vẫn được gìn giữ và treo ở nơi trang trọng nhất của Nhà trường.

Sống tận trung với nước, chí hiếu với dân, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng của Đảng, là phẩm chất chính trị, đạo đức hàng đầu, phải có trước nhất của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Từ xa xưa, cụ Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã chỉ bảo: “Lập thân, trước hết phải trung và hiếu. Mà trung và hiếu thì không thể dối trá được”. Đã là cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, thì không thể mơ hồ, phai nhạt, đổi màu, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, càng không có khái niệm “tương đối”, mà chỉ có điều duy nhất là phải tuyệt đối trung thành với lý tưởng chiến đấu cao đẹp của Đảng, tuyệt đối trung thành với chế độ chính trị mà nhân dân đã lựa chọn. Sống phản bội lý tưởng cách mạng của Đảng là tội lỗi lớn nhất. Vì vây, trước hết, phải lấy 6 chữ “Trung với nước, hiếu với dân” làm thước đo đầu tiên về quan điểm, lập trường cách mạng, bản lĩnh và trình độ giác ngộ chính trị của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, để con đường “độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội” không chệch hướng đi.

Sau 6 chữ “Trung với nước, hiếu với dân” được đặt lên trên hết, rất nhiều lần thăm, nói chuyện ở các hội nghị các cấp, các ngành, các địa phương, Bác Hồ thường ân cần căn dặn đội ngũ cán bộ 4 chữ “nhân, dũng, trí, tín”.

Về chữ “Nhân”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có một cảm nhận hết sức tinh tế về Bác: “Lòng nhân đạo, tình thương đồng bào - đó là điều sâu sắc nhất, tốt đẹp nhất trong con người Hồ Chí Minh”. Bác bảo: Ta thương yêu người, thì người sẽ thương yêu ta. Ta chăm lo cho người, thì người sẽ một lòng son sắt theo ta. Trị quốc và đạo làm người, phải đặt nhân đức, nhân nghĩa lên hàng đầu, mới thu phục được nhân tâm, còn bạo lực chỉ gây hận thù, đố kỵ. Chính quyền của ta không phải là bộ máy cai trị dân mà là một nền hành chính phục vụ nhân dân.

Nói về chữ “Nhân”, Nguyễn Trãi (1380 - 1442) cũng chỉ rõ: Nhân nghĩa là đạo đức cao nhất ở đời. Nhân nghĩa cốt ở an dân. Đem nhân nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo.

Về chữ “Dũng”, thực tế cho thấy, sự mềm yếu, non gan không bao giờ làm nên việc lớn. Cán bộ thiếu dũng cảm sẽ không được cấp dưới và nhân dân tin, yêu. Bài học thắng lợi của Bộ Chính trị khóa XII giúp đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải thật dũng cảm, kiên cường, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, mạnh tay hành động, sửa chữa khuyết điểm, sai lầm của chính mình và của tập thể có hiệu quả, sẽ được nhân dân phấn khởi, tin tưởng, ủng hộ mạnh mẽ.

Về chữ “Trí”, Bác Hồ căn dặn “vừa hồng vừa chuyên” nhưng quan trọng hơn nhiều là phải sáng suốt và quyết đoán. Sự sáng suốt và quyết đoán thường chỉ xuất hiện ở các bậc hiền tài và nhân tài xuất sắc.

Về chữ “Trí”, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII chỉ rõ đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược không những phải có hiểu biết sâu, rộng chuyên môn, có kiến thức rộng trên nhiều lĩnh vực khác, có trình độ ngoại ngữ, còn đòi hỏi phải có trí sáng suốt, quyết đoán. Các nhà hoạch định sách lược quốc gia có trí tuệ sáng suốt, quyết đoán mới có thể chèo lái con thuyền đất nước vượt qua mọi nguy nan, thử thách nghiêm trọng nhất cập bến vinh quang.

Biểu tượng tập trung nhất của chữ “Trí” là sự sáng suốt và quyết đoán.

Về chữ “Tín”, ở mọi người, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ở bất cứ đâu đâu cũng phải có chữ ‘tín”. Bác Hồ của chúng ta là một vĩ nhân uy tín vượt ra khỏi biên giới quốc gia, lan tỏa trên thế giới, bởi Bác là một bậc đại nhân, đại dũng, đại trí, đại tín. Bác căn dặn: “Tính xấu của một người thường chỉ hại cho người đó, còn tính xấu của một đảng viên, cán bộ sẽ có hại đến Đảng có hại đến nhân dân”.

Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 19/5/2018 chỉ rõ: “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ…”. Chúng ta cần thường xuyên soi rọi chữ “Tín” của bản thân vì nó liên quan trực tiếp đến thanh danh, uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Có ai đó, khi thấy mình không còn uy tín, tự nguyện thực hiện “văn hóa từ chức”, thì đó là người biết sử dụng đúng lúc 3 chữ “nhân, dũng, trí”, rất đáng được nêu gương và ca ngợi.

Căn bệnh cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, tự tư tự lợi là nguồn gốc của vô vàn tội ác. Đảng ta là đảng cầm quyền. Vì vậy Bác Hồ luôn quan tâm thường xuyên nhắc nhở đi, lại nhiều lần 8 chữ “cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư”. Mối quan hệ giữa cần với kiệm, liêm với chính, công với tư, gắn bó chặt chẽ, mật thiết nguyên lý cách mạng.

Về “cần - kiệm”, Bác Hồ phê bình nghiêm khắc bệnh lười biếng, tham ô công quỹ ăn chơi xa xỉ, trác táng. Nhưng quan trọng hơn nhiều là thấm nhuần sâu sắc quan điểm chính trị - kinh tế - xã hội mang tầm chiến lược, vĩ mô của cần - kiệm.

Cần, không chỉ là siêng năng cần cù. Chữ cần của Bác là động viên mọi người, mọi ngành, mọi tổ chức hăng hái lao động sáng tạo với chất lượng, năng suất cao, góp phần xây dựng Tổ quốc giàu mạnh. Lao động là vinh quang. Dù làm việc lớn hay việc nhỏ, miễn là làm ích nước, lợi nhà, đều là vinh quang. Lao động đem lại hạnh phúc cho mọi người trong đó có mình. Mọi người vì mình, mình phải vì mọi người.

Kiệm, không đơn thuần tiết kiệm chi tiêu, mà kiệm đi đôi với cần là “quốc sách dựng nước và giữ nước”. Bác chỉ rõ: “Cần mà không kiệm khác nào gió vào nhà trống”.

Nhân dân ta còn nghèo. Đất nước còn gặp biết bao khó khăn, thách thức đòi hỏi phải xoay xở, đối phó. Thực tế đòi hỏi đội ngũ đảng viên có chức có quyền cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp cách mạng, tiết kiệm chi tiêu công quỹ để lo việc chung. Mọi hành vi làm việc hời hợt, “tư duy nhiệm kỳ”, ngồi chơi xơi nước, tham ô công quỹ chi tiêu cho lợi ích cá nhân và phe nhóm, đều là tội ác, đều là vô đạo đức.

Về “liêm - chính”, từ ngàn xưa, nhân dân ta đã ca ngợi những ông quan thanh liêm, chính trực. Ngày nay cũng vậy, đảng viên, nhân dân rất khinh ghét những “quan cách mạng” tham nhũng, bất chính, quan liêu, hách dịch, xem họ là bè lũ hại nước, hại dân, làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước, là loài sâu mọt, rác rưởi phải quét sạch. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ bảy, khóa XII nhận định quốc nạn tham nhũng, 4 nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ ta vẫn đang hiện hữu. Vì vậy, liêm – chính luôn là hồi chuông cảnh báo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải thường xuyên soi rọi, giữ mình. Nhân dân chỉ tin yêu, kính trọng những cán bộ nêu gương tiêu biểu thanh liêm - chính trực.

Về 4 chữ “chí công, vô tư”, nói cách khác, đó là tinh thần dĩ công vi thượng.

Đặt Tổ quốc, nhân dân lên trên hết, đặt quyền lợi của tập thể lên trên quyền lợi cá nhân là vẻ đẹp cao quý nhất, ấn tượng sâu sắc nhất về nhân cách của một người cách mạng.

Sinh thời, nếu có ai đó hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp kỷ niệm nào sâu sắc nhất với Bác Hồ, Đại tướng tức khắc đáp ngay “dĩ công vi thượng” và Đại tướng bồi hồi kể lại câu chuyện Tết năm Tân Tỵ 1941, ở Trung Quốc về Cao Bằng, bên ngọn lửa hồng ngồi sưởi ấm cùng Bác trong hang Pắc Bó buốt giá, Bác bảo: “Chú Văn ạ, làm cách mạng phải dĩ công vi thượng…”. Dĩ công vi thượng, “chí công, vô tư” là lối sống của các bậc hiền tài, quân tử, trượng phu. Họ xem giá trị đích thực của con người là toàn tâm, toàn ý dốc hết sức lực chiến đấu vì hạnh phúc của mọi người và tiến bộ của xã hội, không bao giờ bận tâm toan tính, vun vén đời sống vật chất cao sang cho cá nhân. Họ ưa chuộng lối sống giản dị, thanh cao và cho rằng chỉ giàu sang cho riêng mình là điều đáng xấu hổ…

Nói về Bác Hồ kính yêu của chúng ta, nhân dân thế giới không nói gì nhiều về chức Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, mà họ vô cùng ngưỡng mộ, tôn kính nhân cách mẫu mực của một con người trọn đời hy sinh chiến đấu vì nước, vì dân; uy vũ không khuất; gian khổ không sờn; địa vị không ham; danh lợi không màng; giàu sang không chuộng; tửu, sắc không mê, chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là Tổ quốc được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Nhân loại cũng biết đến Bác là người đấu tranh cho thế giới được hòa bình, tiến bộ xã hội, người cùng khổ được giải phóng thoát khỏi cảnh đời bị áp bức, nô lệ, lầm than.

Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 19/5/2018 tỏ rõ quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt chống tiêu cực, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội… trong đó có cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.

Hơn bao giờ hết, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược cần thường xuyên tu dưỡng, làm theo 18 chữ vàng của Bác Hồ căn dặn: Trung với nước, hiếu với dân; nhân, dũng, trí, tín; cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư, làm người đầy tớ, người công bộc thật trung thành, tận tụy, trong sạch của dân, nêu gương tiêu biểu chấp hành Nghị quyết, đưa đất nước tiến lên mạnh mẽ, bền vững, đáp ứng lòng mong muốn, tin yêu của nhân dân.

HỒ NGỌC SƠN

Đại tá, nhà báo, nhà thơ, nguyên Trưởng phòng Báo chí - Thông tấn, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐNDVN.

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/tu-duong-va-lam-theo-18-chu-vang-bac-ho-can-dan_t114c67n137877