Từ Đường lên đỉnh Olympia tới những 'nhà đạo đức online': Không gian ảo, hành vi thật (kỳ cuối)

Dư luận về Chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2020 đã phơi bày một góc tối của mạng xã hội, nơi các 'nhà đạo đức online' ẩn mình.

Các “nhà đạo đức online” có thể là bất kỳ ai: học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, cán bộ nhà nước hay đơn giản chỉ là cô bán trà đá đầu ngõ, hay bác bảo vệ gần nhà. Song khi đăng nhập vào tài khoản ảo, ẩn mình sau điện thoại hay máy tính, họ tự cho mình quyền phán xét, áp đặt cái họ coi là “điều hay lẽ phải”, “thuần phong mỹ tục” lên cuộc sống người khác và sẵn sàng mạt sát khi không được đáp ứng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của bộ phận này?

Đâu là nguyên nhân đằng sau sự xuất hiện của các 'nhà đạo đức online'? (Ảnh minh họa. Nguồn: iStock)

Đâu là nguyên nhân đằng sau sự xuất hiện của các 'nhà đạo đức online'? (Ảnh minh họa. Nguồn: iStock)

Thứ nhất, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất Đông Nam Á, với nền kinh tế Internet Việt Nam dự kiến sẽ đạt 43 tỷ USD vào năm 2025, chiếm gần 1/6 toàn khu vực Đông Nam Á. Giờ đây, người dân Việt Nam dễ dàng thiết lập các tài khoản ảo để thực hiện quyền tự do phát ngôn trên không gian mạng.

Tuy nhiên, việc xây dựng các chế tài quản lý, hay tăng cường ý thức của người dân trong sử dụng, phát ngôn có văn hóa trên mạng xã hội vẫn đang tỏ ra “hụt hơi” so với tốc độ phát triển nhanh và rộng rãi của Internet, mạng xã hội. Sự chênh lệnh này đã góp phần không nhỏ trong hình thành “nhà đạo đức online”.

Song khi đăng nhập vào tài khoản ảo, ẩn mình sau điện thoại hay máy tính, họ tự cho mình quyền phán xét, áp đặt cái họ coi là “điều hay lẽ phải”, “thuần phong mỹ tục” lên cuộc sống người khác và sẵn sàng mạt sát khi không được đáp ứng.

Thứ hai, mạng xã hội có đặc điểm nhất định khiến số lượng các “nhà đạo đức online” phát triển nhanh chóng. Mạng xã hội tạo ra cảm giác về sự công bằng và tự do về mặt phát ngôn, nơi mọi người, bất kể sắc tộc, màu da, tuổi tác, giới tính, xuất thân, công việc, đều có thể lập tài khoản ảo để tham gia vào mạng lưới kết nối, tìm kiếm tin tức và nói lên chính kiến khi cần thiết.

Thêm vào đó, các tài khoản trên mạng xã hội vẫn phần nhiều mang tính ẩn danh. Bên cạnh phần lớn người sử dụng mạng xã hội giải tỏa căng thẳng thông qua trò chuyện với bạn bè, đoạn phim ngắn vui nhộn về chó mèo, mẩu chuyện ý nghĩa hay bản nhạc hay, một bộ phận coi không gian ảo là nơi giải tỏa những cảm xúc tiêu cực từ thế giới thật.

Thứ ba, đó là tâm lý đám đông. Các nhà tâm lý học nghiên cứu và phát hiện ra rằng, nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến đám đông là có bao nhiêu người có ý kiến đó, chứ không phải bản thân ý kiến đó như thế nào. Một số cá nhân, thay vì chủ động tìm kiếm, chọn lọc, phân tích thông tin để đưa ra quyết định, lựa chọn giải pháp được tán thành bởi số đông do áp lực, sợ hãi, tránh cảm giác “bị loại ra khỏi nhóm”.

Tương tự, trên mạng xã hội, thay vì thu thập và phân tích thông tin để đưa ra ý kiến, quan điểm, thậm chí phản biện về một vấn đề gây tranh cãi, người dùng thường có xu hướng ngả theo ý kiến đám đông hay nhân vật có ảnh hưởng, bất kể có hợp lý hay không.

Các cá nhân khác biệt với số đông thường phải chịu áp lực lớn. (Nguồn: Getty Images)

Thứ tư, đó là vai trò thông tin và định hướng dư luận của truyền thông báo chí. Theo nhà tâm lý xã hội học nổi tiếng người Pháp Gustave Le Bon, một trong những đặc tính của đám đông là dễ bị tác động và nhẹ dạ. Đám đông có sự thay đổi nhanh về tâm tư tình cảm theo một chiều nào đó; nội tâm của họ xuất hiện một sự thúc giục phải biến ý tưởng thành hành động, bất kể mục đích và bản thân hành động đó là gì và mang lại tác động ra sao. Đám đông luôn lạc trong ranh giới cua sự vô thức, ngả theo mọi ảnh hưởng và bị chi phối bởi tình cảm mãnh liệt của họ.

Chính vì thế, đám đông là đối tượng dễ bị tác động nhất của truyền thông báo chí; điều này được thể hiện rõ trong dư luận xung quanh Chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) năm 2020 vừa qua. Nhận thấy ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này, thay vì cung cấp thông tin đa chiều, xây dựng cái nhìn toàn cảnh để độc giả hình thành chính kiến riêng mình, một số đơn vị truyền thông đã khai thác triệt để, hôm trước chỉ trích, ngày sau tỏ vẻ thương cảm, đồng thời xoáy sâu vào đời tư của các nhân vật và chương trình, khiến độc giả quay cuồng trong hàng tá thông tin đầy hỗn loạn.

Thứ năm, các “nhà đạo đức online” không ý thức được hết hậu quả về hành động trên không gian ảo. Bởi lẽ, đối với họ, buông ra đôi lời mắng chửi, mạt sát là cách họ giảm căng thẳng, giải tỏa năng lượng tiêu cực của bản thân – trách nhiệm họ chẳng lo, hậu quả người khác gánh.

Phỏng vấn sau Chung kết Đường lên đỉnh Olympia khép lại, thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết em “buồn vô cùng… mạnh mẽ đến đâu cũng không thể chịu đựng sự hiểu lầm” và “mong mọi người đừng quá khắt khe”, dù em nhận thức rằng hành vi, cư xử với bạn bè chưa bao giờ khiến bản thân, gia đình phải hổ thẹn.

Các “nhà đạo đức online” không ý thức được hết hậu quả về hành động trên không gian ảo. Bởi lẽ, đối với họ, buông ra đôi lời mắng chửi, mạt sát là cách họ giảm căng thẳng, giải tỏa năng lượng tiêu cực của bản thân – trách nhiệm họ chẳng lo, hậu quả người khác gánh.

Có lẽ, khi các “nhà đạo đức online” nhận thức được hậu quả hành động của mình có thể dẫn đến trách nhiệm của người núp sau bàn phím, hành xử của họ sẽ khác. Đó cũng là lý do tại sao cuối năm 2019, Hàn Quốc, quốc gia đau đầu với nạn bắt nạt, bôi nhọ danh dự người khác trên mạng xã hội, đã thúc đẩy dự thảo luật ngăn chặn hành động xúc phạm trên mạng xã hội. Đạo luật mới sẽ đưa ra các hình phạt cho những người cố tình xúc phạm người khác trên mạng xã hội, đồng thời khuyến khích việc giáo dục học sinh, sinh viên và nhân viên về sự nguy hiểm của vấn nạn bắt nạt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Tại Việt Nam, việc ngăn chặn hành vi xúc phạm trên mạng xã hội cũng đang được thúc đẩy như khoản 3, điều 16 Luật An ninh mạng và khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm người khác trên mạng xã hội, tuy nhiên, các trường hợp áp dụng luật còn ít, chủ yếu là do người bị xúc phạm bôi nhọ chưa ý thức được quyền lợi hay ngại tham gia các quá trình kiện tụng, pháp lý.

Tuy nhiên, các chế tài pháp luật, khung hình phạt vẫn chỉ là biện pháp “cực chẳng đã” và sẽ không thể giải quyết triệt để tình trạng ấy. Đã đến lúc các “nhà đạo đức online” tự ý thức rằng không chỉ tính mạng, nhân phẩm của mọi người đều quý giá và đáng trân trọng. Sự tôn trọng lẫn nhau ấy sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng một xã hội Việt Nam bền vững, hạnh phúc.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-duong-len-dinh-olympia-toi-nhung-nha-dao-duc-online-khong-gian-ao-hanh-vi-that-ky-cuoi-124397.html