Tự động hóa quá trình tuyển dụng

Khi các công ty dựa ngày càng nhiều vào các công nghệ học máy và trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm ứng viên thích hợp, đã xuất hiện nỗi lo quá trình tuyển dụng có nguy cơ mất đi yếu tố con người.

Hệ thống của công ty Cognisess phân tích các dấu hiệu trên khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể và thậm chí cả cách người xin việc nói chuyện.

Anh Peter Lane, 21 tuổi, tốt nghiệp Trường Đại học Cardiff (xứ Wales) vào năm ngoái với bằng cử nhân Lịch sử, và hy vọng có công việc trong lĩnh vực tư vấn kinh doanh. Anh đã nộp đơn xin 55 việc làm và được mời phỏng vấn 15 lần, nhưng tin rằng công nghệ đã cản trở, chứ không phải hỗ trợ nỗ lực tìm việc của mình. Theo Lane, các cuộc phỏng vấn đều không diễn ra theo cách anh mong đợi. “Tất cả đều diễn ra qua video. Tôi thậm chí còn không gặp các nhà tuyển dụng tiềm năng của mình. Không có cách nào để biết liệu tôi có gây ấn tượng tốt với họ bằng những câu trả lời hoặc kinh nghiệm của tôi hay không vì không có sự tương tác nào với nhà tuyển dụng”, anh Lane phàn nàn.

Nền tảng Xref tìm kiếm sự phản hồi từ người chứng thực thông tin được ứng viên cung cấp trong hồ sơ xin việc rồi phân tích ngôn ngữ họ sử dụng để xác định xem họ có sự cảm nhận ra sao - tích cực, trung lập hay tiêu cực.

Câu trả lời cho mọi nhu cầu?

Các lá thư từ chối tự động là một vấn đề khác mà Lane đề cập về lối tuyển dụng kiểu mới qua mạng. Theo Lane, chỉ có 10% số nhà tuyển dụng tiềm năng gửi lại những ý kiến phản hồi chi tiết. Trong khi những người tìm việc luôn mong được biết mình cần cải thiện những điều gì và làm ra sao, cho dù đó là với bảng sơ yếu lý lịch, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc hoặc thậm chí là cá tính.

Dù thích hay không, giờ là kỷ nguyên của tuyển dụng dựa trên công nghệ và chúng ta nên làm quen với nó.

Tuyển dụng và sa thải là những công việc tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Vì thế, các công ty đang tìm cách tự động hóa quá trình này càng nhiều càng tốt. Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) đang được chào mời như là câu trả lời cho hầu hết yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. “AI giúp giảm bớt những sự thiên vị vô tình hay cố tình trong quá trình tuyển dụng bằng cách loại bỏ những khuynh hướng chung, như chọn những người giống nhà tuyển dụng và gây ấn tượng tốt ban đầu. Bằng cách quan sát giọng nói, giọng điệu và cử động của khuôn mặt trong các đoạn video ghi lại cuộc phỏng vấn, những thuật toán được lập trình tốt có thể tăng tốc quá trình tuyển dụng và xác định khách quan hơn những ứng viên phù hợp dựa trên những tiêu chí cốt lõi cho một vai trò nào đó”, cô Elle Robinson, chuyên gia của công ty tư vấn quản lý Kiddy & Partners (Anh), nhận định.

Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra nếu ngay cả những thuật toán này cũng tỏ ra thiên vị? Ông Neil Griffiths, chuyên gia tư vấn của công ty tuyển dụng Korn Ferry (Mỹ), tin rằng chỉ dựa vào công nghệ thôi là không đủ.

“Cũng như con người, robot không hoàn toàn khách quan trong những lời đánh giá của chúng và thể hiện thành kiến của những người đã lập trình ra chúng. Vì thế, sự hợp tác giữa con người và robot trong quá trình tuyển dụng sẽ giúp bảo đảm mang lại kết quả nhiều sắc thái hơn”, ông Neil Griffiths lý giải.

Các trang web tìm việc rõ ràng đã giúp các nhà tuyển dụng và nhân viên tiềm năng tìm thấy nhau dễ dàng hơn.

Máy tính có thể nhanh chóng lọc hồ sơ tìm việc, rút gọn danh sách những người nộp đơn phù hợp dựa trên các từ khóa liên quan đến vai trò của công việc. Hơn nữa, không như con người, máy tính không bao giờ cảm thấy mệt mỏi và luôn nhất quán trong cách tiếp cận của chúng.

Ông Chris Butt, nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành của công ty phân tích dự đoán Cognisess (Anh), cho biết: “Nhà tuyển dụng không có thời gian kiểm tra độ tin cậy và đánh giá kỹ năng của từng ứng viên tiềm năng.

Hệ thống của chúng tôi tạo ra một hồ sơ kỹ thuật số, không chỉ gồm dữ liệu từ hồ sơ xin việc mà còn từ sự phản ứng của ứng viên thông qua bảng đánh giá và kết quả phỏng vấn qua video”. Theo ông Butt, hệ thống này phân tích các dấu hiệu trên khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể và thậm chí cả cách người xin việc nói chuyện. Sau đó, nó đánh giá xem liệu dữ liệu thu thập được từ hồ sơ xin việc có đúng hay không, cũng như ứng viên đó phù hợp với công việc đến đâu.

Vấn đề đặt ra là kết quả tuyển dụng sẽ như thế nào nếu người dự tuyển cảm thấy hơi lo lắng trong cuộc phỏng vấn và hành động không được tự nhiên. “Máy móc học cách phân biệt giữa hành vi bình thường và khác thường của con người, nên chúng có thể nhận ra nếu ứng viên đang lo lắng. Khi đó, chúng sẽ điều chỉnh các thuật toán để tính đến điều này”, ông Butt trấn an.

Vẫn cần đến con người

Một câu hỏi quan trọng khác là liệu một thuật toán có thể thực sự biết nếu một hồ sơ xin việc có đáng tin hay không? Một cuộc khảo sát của nền tảng xác minh thông tin ứng viên xin việc Xref (Úc) ghi nhận hơn 1/3 số người xin việc đã phóng đại kinh nghiệm làm việc của mình. Trong khi đó, hơn ¼ số người chỉnh sửa hồ sơ để phù hợp với vai trò mục tiêu với hy vọng các nhà tuyển dụng sẽ không có thời gian kiểm tra. Một số ứng viên thừa nhận đã đánh bóng hồ sơ của mình để trở nên nổi bật so với hàng ngàn đối thủ khác và lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng.

Xref tin rằng cách duy nhất để biết ứng viên nói thật hay không là xác minh thông tin về họ nhưng thường thì nhà tuyển dụng không có thời gian làm điều này. Ông Lee-Martin Seymour, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Xref, cho rằng không có hồ sơ xin việc, truyền thông xã hội hoặc cuộc phỏng vấn nào mạnh mẽ như thông tin chính xác và chi tiết về các sự trải nghiệm sống. Công ty có trụ sở tại thành phố Sydney này tiến hành quá trình thu thập thông tin từ nhà tuyển dụng và tinh gọn chúng thông qua một nền tảng trực tuyến bảo mật.

Xref cũng tìm kiếm các ý kiến phản hồi từ người chứng thực thông tin (referee) được ứng viên cung cấp trong hồ sơ xin việc rồi phân tích ngôn ngữ họ sử dụng để xác định xem họ có cảm nhận ra sao, như tích cực, trung lập hay tiêu cực.

Nhận thấy cơ hội trong thị trường việc làm thời vụ đang thay đổi nhanh chóng, công ty Flexy (Anh) bắt đầu kết hợp cách phân tích tâm lý, dữ liệu và học máy để tạo ra chiếc cầu nối giữa người lao động thời vụ đáng tin cậy và công ty phù hợp. Ông Oliver Crofton, Giám đốc điều hành Flexy, cho biết việc sử dụng dữ liệu để cung cấp xu hướng và sự phản hồi là một công cụ mạnh mẽ trong thị trường nhân sự thời vụ bởi điều quan trọng là nhân viên phải làm việc có hiệu quả và đáng tin cậy.

Ngay cả khi kết quả đánh giá nhờ sự hỗ trợ của công nghệ có thể giúp các công ty tuyển dụng nhanh và dễ dàng hơn, ông Raj Mukherjee, Phó chủ tịch cấp cao tại trang web tìm việc Indeed (Mỹ), vẫn cho rằng không nên bỏ qua yếu tố con người. “Công cụ tích hợp AI giúp nhà tuyển dụng có thêm thời gian để kết nối với các ứng viên, thay đổi sự trải nghiệm của người tìm việc và giúp kết nối nhân tài với công việc phù hợp”, ông Mukherjee nhận định. Dù vậy, đối với những ứng viên như Peter Lane, công nghệ thực sự làm cho quá trình tìm việc mất đi yếu tố con người và trở nên mơ hồ.

Minh Phương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/269871/tu-dong-hoa-qua-trinh-tuyen-dung.html