Tự do và chí hướng của nhà văn

Tự do là ước mơ ngàn đời của nhân loại, nhưng quan niệm về tự do cũng không phải mọi đời, mọi nước, mọi người hoàn toàn thống nhất. Do đặc điểm lịch sử và xã hội có những nét đặc biệt, nên quan niệm về tự do của người Việt Nam rất sâu sắc.

Tự do tiên khách trên trời...

Tự do là ước mơ ngàn đời của nhân loại, nhưng quan niệm về tự do cũng không phải mọi đời, mọi nước, mọi người hoàn toàn thống nhất. Do đặc điểm lịch sử và xã hội có những nét đặc biệt, nên quan niệm về tự do của người Việt Nam rất sâu sắc. Quan niệm về tự do của người Việt Nam được thể hiện đầy đủ và rõ ràng nhất trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để đúc kết thành chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập tự do", Người đã có rất nhiều suy nghĩ và phát biểu, ví như: "Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do". Nhưng tôi lại chú ý đến một câu thơ của Bác:

“Tự do tiên khách trên trời

Biết chăng trong ngục có người khách tiên”...

Đây là quan niệm về tự do mang tính chất hiền triết phương Đông rất rõ ràng. Như vậy, trên đời có hai trạng thái của tự do. Đó là tự do trong hoàn cảnh được hoàn toàn tự do: "Tự do tiên khách trên trời" và tự do trong hoàn cảnh hoàn toàn mất tự do: "Biết chăng trong ngục có người khách tiên". Tức là tự do do con người tự tạo ra trong mọi hoàn cảnh. Đây là tư tưởng tự do, vượt lên trên quan niệm tự do thông thường, chỉ có ở các vị thánh. Thì Đức Chúa đã từng nói, mà khi nói với văn nghệ sĩ thời kỳ đầu đổi mới (1986), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhắc lại: "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu". Mà sau này chúng ta quen gọi là "cởi trói" và "tự cởi trói". Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật của chủ nghĩa duy vật biện chứng, đó là nhân tố chủ quan là quyết định. Tôi muốn nói sâu điều này với đời sống văn học nghệ thuật và các văn nghệ sĩ.

Từ lâu, trong quan niệm của quần chúng nhân dân, văn nghệ sĩ là những người có cuộc sống khá tự do. Thực ra, đây chỉ là quan niệm về tự do trong góc nhìn sinh hoạt. Nội dung của tự do còn nhiều mặt khác, có tính chất quan trọng hơn nhiều - đó là tự do về tư tưởng, tự do về tâm hồn và tự do trong lao động nghề nghiệp. Mà những người trong giới vẫn quen gọi là tự do sáng tác.

Thực ra thì có ai bắt ai đâu. Mà bắt làm sao được. Tư tưởng là ở trong đầu, cảm xúc là ở trong tâm hồn, còn viết nhiều hay viết ít là quyền mỗi văn nghệ sĩ. Đừng bảo thi sĩ Chế Lan Viên không tự do khi ông viết "Hỡi sông Hồng, tiếng hát bốn nghìn năm/ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?". Và ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã viết bài thơ "Giọng nói" giữa những ngày đánh Mỹ: "Em ngồi ríu rít ở sau xe/ Em nói lòng anh mải lắng nghe/ Thỉnh thoảng tiếng cười em lại điểm/ Đời vui khi được có em kề"... Còn khi các nhà thơ nhà văn tự nguyện thành chiến sĩ cùng dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm thì đấy là quyền tự do của họ chứ? Nào ai bắt nhà thơ Tố Hữu, khi đó là Bí thư Trung ương Đảng viết câu thơ này đâu: "Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương"!

Nhưng tôi cũng thấy có những văn nghệ sĩ tự trói buộc mình, đánh mất tự do của mình khi nguyện làm "phu chữ", khi sáng tác những loại thơ theo kiểu cách của một trường phái nào đó ở nước ngoài, khi phê bình theo một phương pháp nhất định. Tự do sáng tác và phê bình theo một phương pháp, một trường phái nào đó là tự do hình thức, nhưng lại là một sự lệ thuộc, một sự lệ thuộc về mặt bản chất. Điều này còn rất nhiều văn nghệ sĩ lẫn lộn, trong đó có rất nhiều người đang là biểu tượng của tự do sáng tác hoặc "đấu tranh" đòi tự do sáng tác.

Không có tự do tuyệt đối! Đúng rồi. Nhưng hướng tới tự do tuyệt đối thì hoàn toàn có thể. Nhà văn phải mang tư tưởng của thời đại, nhưng cũng có thể vượt lên trên, đi trước thời đại bằng những tác phẩm dự báo, xu hướng. Đất nước và nhân dân rất cần những tác phẩm như vậy. Nhưng muốn hướng tới tự do tuyệt đối thì phải tự mình trăn trở, tự mình suy nghĩ, tự mình sáng tạo, chứ đừng lệ thuộc vào ai, nhất là đừng lệ thuộc vào bất kỳ trường phái nào của nước ngoài. Và phải tránh xa những tên trùm mafia như một nhà văn đã nói: Quyền lực, cuồng vọng, tiền bạc và sắc dục. Lúc đó thì sẽ đạt được như "Tự do tiên khách trên trời" và "trong ngục có người khách tiên". Khi các nhà văn rũ bỏ những xiềng xích tự trói buộc thì nền văn chương nghệ thuật Việt Nam có thể hy vọng sớm có những tác phẩm đỉnh cao.

Chí mình

Ở tác phẩm “Tản mạn nghiệp văn” tôi đã đặt câu hỏi: có nên hy sinh vì nghiệp văn? Thực ra, trong chuyện này cũng không thể có câu trả lời chung được. Mỗi người viết văn phải tìm câu trả lời cho riêng mình. Nhưng có một nguyên tắc "hãy sống hết mình với cuộc đời sau đó hãy nghĩ đến văn chương, chứ đừng làm ngược lại". Tuy nhiên cũng có ngoại lệ, những người có bản lĩnh cao, có khả năng lượng sức mình, biết được khả năng văn chương của mình, họ đã chọn đi với văn chương, trong khi các cửa khác rộng mở mời gọi rất hấp dẫn. Ví như nhà văn Học Phi, năm 1945, ngay sau khi vừa giành chính quyền ở tỉnh Hưng Yên, ông đã được bầu là Chủ tịch Lâm thời Ủy ban Hành chính tỉnh lúc ông mới 30 tuổi. Có thể nói, con đường công danh của ông thật rộng mở. Bình thường cứ thế mà thăng tiến theo bước đường chính trị thì nhiều chức vụ cao của Đảng và chính quyền có thể đến với ông. Một số bạn bè của ông thời đó tiếp tục hoạt động chính trị sau này đã trở thành lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhưng Học Phi đã chọn đi với văn học nghệ thuật. Ông kể, sự lựa chọn này cũng phải đấu tranh rất ghê gớm. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông chuyển sang hoạt động văn hóa văn nghệ. Lúc này, kháng chiến rất gian khổ, lãnh đạo, chỉ huy chính trị mới có ngựa để đi, còn mọi người hầu hết đều đi bộ. Ông nói: "Nhìn người ta được đi ngựa, mình phải đi bộ, tôi cũng day dứt lắm, song, tôi đã quyết theo sự lựa chọn của mình". Nhưng rồi văn học nghệ thuật đã không phụ lòng ông. Các vở kịch “Một đảng viên” (1960), “Ni cô Đàm Vân” (1976) đã gây được tiếng vang trong công luận. Và Học Phi đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I (1996). Nếu theo phẩm hàm thì đấy là hàng đại tướng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Sự hy sinh cho nghiệp văn như thế cũng đáng lắm thay!

Trường hợp nhà văn Võ Quảng cũng tương tự. Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông đã là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Đà Nẵng. Năm 1947, ông làm Hội thẩm chính trị (tức Phó Chánh án) tòa án quân sự miền Nam Việt Nam. Nhưng tiếng gọi của văn chương đã làm ông ngả theo và ông đã trở thành một nhà văn viết cho thiếu nhi nổi tiếng với các tập truyện “Quê nội”, “Tảng sáng”. Đến già, ông vẫn hồn nhiên viết những dòng này: "Mong sao những chữ tôi viết, đó không phải là những chữ, mà đó là những rung động của tâm hồn tôi. Viết cho thiếu nhi, đó là niềm vui, là lẽ sống của tôi trong những năm qua". Nghĩ cho cùng, đó là hạnh phúc. Ông đã làm được những điều ông muốn, mà những điều ấy có ích cho cuộc đời và được mọi người đón nhận.

Nhà văn Phù Thăng thì có khác hơn một chút. Đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, tiểu thuyết “Phá vây” đã đem đến cho ông sự nổi tiếng và không ít phiền lụy. Là một người khí khái, ông bỏ Hà Nội, về quê ở thôn Tất Lại Thượng, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương để sống và đi cày, trở thành một nông dân thực thụ. Biết bao gian nan vất vả trong cuộc sống đã đến với ông, ông đã chấp nhận hết. Khi còn công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Hưng, tôi và bạn bè đã nhiều lần đến thăm ông. Qua trò chuyện, tôi thấy ông có vẻ thỏa mãn với cuộc sống của mình lắm. Rồi ông làm đơn xin gia nhập Hội Văn học Nghệ thuật Hải Hưng, và chúng tôi đã kết nạp ông vào Hội. Ông sinh hoạt Hội với mọi người rất thoải mái, vui vẻ. Tôi có bài thơ viết về ông đã đăng trên báo “Tiền phong cuối tuần” sau khi ông mất, trong đó có mấy khổ:

Ai bảo ông không sướng
Sống dưới mái tranh nghèo
Đêm trăng lúa xào xạc
Cá quẫy dưới ao bèo

Biệt thự to, chức tước
Đã chắc gì lòng yên
Sống mà được thỏa chí
Thì đời thành cõi tiên

Có gì quá quan trọng
Thơ văn cũng như đời
Khi nào thích thì viết
Không thì tìm bạn chơi...

Các nhà văn Học Phi, Võ Quảng, Phù Thăng... "đều làm cho thỏa được như chí mình", giống như Ức Trai tiên sinh đã viết trong "Bài ca Côn Sơn". Vâng, "mãn nguyện", "thỏa chí", "được như ý"... Cuộc đời mỗi người có cần gì hơn thế! Ngày xưa, Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ đã thốt lên: "Đã sinh ra ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông". Về mặt này, thì chắc gì nhiều người có chức vụ, phẩm hàm, học vị, danh hiệu cao đã có được! Đúng là, thà làm một nhà văn viết hay còn hơn làm chính khách, "nhân vật quan trọng" mà không để lại những công trình an dân có giá trị.

Đinh Quang Tốn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tu-do-va-chi-huong-cua-nha-van-tintuc433324