Tự do kinh doanh đã được cải thiện, nhưng an toàn thì chưa

Theo các chuyên gia, pháp luật về kinh doanh của Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có được sự thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư.

Hội thảo "Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?". Ảnh: H.Dịu

Hội thảo "Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?". Ảnh: H.Dịu

Sáng 17/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo: “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?”.

Mới cắt phần ngọn

Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, có 10 tiêu chí để đánh giá một văn bản pháp luật tốt là: sự cần thiết, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tình minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, giảm nguy cơ nhũng nhiễu, đủ tính tiên liệu.

Vì thế, với thước đo này, theo ông Đậu Anh Tuấn, pháp luật Việt Nam còn rất nhiều việc để làm để tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp phản ánh pháp luật có nhiều thay đổi nhưng vẫn phức tạp, trung bình 1 luật có tới 10,5 nghị định, 37 thông tư của các bộ, ngành, nên quy định từ luật có thể thuận lợi nhưng xuống nghị định, thông tư lại không còn được đảm bảo.

Đặc biệt, đại diện VCCI còn cho rằng, các doanh nghiệp còn bị “ám ảnh” bởi vấn đề hồi tố, khi các quy định áp dụng khác nhau, khiến doanh nghiệp có thể một ngày bị cơ quan nhà nước yêu cầu nộp lại một khoản tiền lớn… Ngoài ra, với những mô hình kinh doanh mới, Việt Nam còn tương đối lúng túng. Hiện pháp luật có 2 xu hướng với mô hình kinh doanh mới, một là dùng mô hình cũ áp dụng vào, hai là “mặc kệ”.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) cũng bày tỏ sự quan ngại khi doanh nghiệp đang bị “trói buộc” bởi các quy định pháp luật, trong khi Việt Nam mở cửa thị trường rất mạnh nên doanh nghiệp không thể tận dụng được cơ hội.

“Các doanh nghiệp bị trói buộc ở chỗ không tiếp cận được cơ hội kinh doanh, nguồn lức kinh doanh, khiến không thể tiên đoán được pháp luật. Nên quyền tự do kinh doanh có cải thiện, nhưng an toàn trong hoạt động kinh doanh chưa được cải thiện. Chính sự không an toàn này khiến hoạt động đầu tư thiên về ngắn hạn, nhỏ lẻ, không quy mô, không dài hạn, không chiến lược”, TS. Cung cho biết.

Đặc biệt, vị chuyên gia này còn cho biết, hệ thống pháp luật của Việt Nam đang ở tình trạng “Luật 1, Nghị định 10, Thông tư 100”, chưa kể hàng ngàn văn bản điều hành “xin - cho” từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương. Nghĩa là Việt Nam vẫn đang điều hành bằng hành chính, không theo chiều ngang nên có cách hiểu khác nhau khiến thanh kiểm tra doanh nghiệp thế nào cũng có chỗ sai, dẫn tới bất ổn trong kinh doanh rất lớn.

“Chúng ta lâu nay vẫn chỉ cắt đi phần ngọn, chưa sửa được gốc rễ vấn đề, mà sửa phần ngọn thì sẽ mọc ngọn mới, mọc lá mới, nên về căn bản, chúng ta không giải quyết được những vướng mắc của pháp luật”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Chống cài cắm lợi ích

Từ những tồn tại nêu trên, các chuyên gia và doanh nghiệp tại hội thảo đều nhấn mạnh đến yêu cầu phải thay đổi tư duy, thay đổi cách thức làm luật hiện nay, các cơ quan nhà nước phải thật sự quyết tâm để có hệ thống pháp luật kinh doanh thự sự thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, các cơ quan soạn thảo pháp luật cần cơ chế nhận biết loại bỏ quy định không cần thiết, đảm bảo quyền tự do kinh, chống cài cắm lợi ích, chống chồng chéo pháp luật…

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, các luật còn chồng chéo nhưng cải cách không nhiều vì đấy là những chỗ có rất nhiều quyền lợi. Vì thế, muốn sửa luật thì không nên để từng bộ sửa mà phải có một nhóm chuyên gia độc lập, phải có sự chỉ đạo của một Phó Thủ tướng thì mới có thể tạo được sự thông thoáng cho hệ thống pháp luật.

“Xây dựng pháp luật là phải suy nghĩ 3 lần: suy nghĩ đi, suy nghĩ lại rồi suy nghĩ theo chiều ngang. Nếu cứ làm ào ào thì sẽ tạo ra nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh”, TS.Cung nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chuyên gia và doanh nghiệp đều kiến nghị các cơ quan làm luật cần tăng cường, công khai lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và người dân, không thể làm theo quy trình tắt.

Đặc biệt, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã nhấn mạnh đến vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, các bên cần song hành để giúp môi trường kinh doanh tốt hơn. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thì cho rằng, các nhà làm luật phải nhìn rộng hơn, đừng làm cái trước mắt mà cần xây dựng trên tinh thần phát triển lâu dài, giúp doanh nghiệp chủ động cho các hoạt động đầu tư.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tu-do-kinh-doanh-da-duoc-cai-thien-nhung-an-toan-thi-chua-113511.html