Tự do hóa thương mại – Vấn đề trọng tâm được thảo luận tại AMM

'Tự do hóa thương mại và đầu tư' là cụm từ có lẽ sẽ được nhắc đến nhiều nhất tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đang diễn ra tại Đà Nẵng.

Các cuộc thảo luận về tự do hóa thương mại trở thành một vấn đề rất nóng trong các diễn đàn bên trong cuộc họp và ngay cả bên ngoài lề các cuộc họp APEC. Nguyên nhân chính là do xu hướng bảo hộ thương mại, chống toàn cầu hóa đang nổi lên ở nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và ngoài khu vực.

Bên trong cánh cửa họp kín, các Bộ trưởng của APEC khá lo lắng khi tiến trình hình thành mục tiêu Bogo đang còn rất ít thời gian. Bên ngoài phòng họp, cũng nhiều ý kiến nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các nhà lãnh đạo APEC cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu này.

Tiến sỹ Denis Hew, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ chính sách của APEC cho rằng: "Chống toàn cầu hóa đã diễn ra được trong một thời gian và tôi cho rằng chúng ta có thể thấy rõ sự gia tăng tư tưởng chống toàn cầu hóa vào năm ngoái. Tất nhiên đây là một xu hướng đáng lo ngại khi APEC là một diễn đàn kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ tự do thương mại và đầu tư. Vì vậy, tôi cho rằng hiện các nhà hoạch định chính sách đang phải cân nhắc suy tính rất nhiều để tìm giải pháp đối phó với chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng chống toàn cầu hóa, làm sao để chúng ta có thể tiếp tục được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế, tự do hóa thương mại."

Trao đổi với phóng viên VOV, Đại sứ Hàn Quốc Lee Huyk bày tỏ lo ngại, xu hướng bảo hộ sẽ khiến cho các nền kinh tế trong APEC gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và có chính sách mở cửa như Hàn Quốc và Việt Nam: "Xu hướng chống toàn cầu hóa đang là trở ngại để APEC thực hiện các mục tiêu đúng thời hạn, đặc biệt là trong vấn đề tự do hóa thương mại và đầu tư của khối này. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu các nước không mở cửa thị trường thì khó đảm bảo tự do thương mại trong khu vực. Các nhà lãnh đạo APEC cần tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề này. Chính vì thế tôi cho rằng, tại HN APEC lần này, các nhà lãnh đạo APEC cũng sẽ khẳng định lại một lần nữa tầm quan trọng của tự do thương mại."

APEC 2017 được xem là năm bản lề, có tính chất quyết định cho tương lai của APEC. Xu thế chống toàn cầu hóa tạo ra những áp lực cho tăng trưởng của APEC. Không phải ngẫu nhiên mà năm APEC 2017 được lấy chủ đề là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Động lực mới sẽ là chìa khóa để APEC, đòi hỏi APEC phải định hình lại đường hướng phát triển trong tầm nhìn dài hạn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam – VCCI, "trong thời gian gần đây, những ý tưởng manh nha về bảo hộ mậu dịch, hướng về thị trường nội địa như là Mỹ là điều mà chúng ta cần xem xét cần định hình lại quá trình hội nhập, cho một định hình quá trình toàn cầu hóa mới hài hóa hơn, nếu 2006 thì toàn cầu hóa được Mỹ dẫn dắt, nhưng nay thì không như vậy, xuất hiện nhân tố mới, cộng hưởng nhân tố Brexit ở Anh hay là việc bảo hộ ở đâu đó, buộc chúng ta phải định hình lại quá trình toàn cầu hóa, vì trước đến nay không xử lý được những vấn đề đặt ra."

Tuy nhiên, cũng cần phải lạc quan để nhìn nhận rằng, dù bảo hộ thương mại, chống toàn cầu hóa là thách thức to lớn cho tăng trưởng của APEC nói riêng và thế giới nói chung, thì xu hướng tự do hóa thương mại vẫn mạnh mẽ hơn, vẫn là quyết tâm của các nhà lãnh đạo hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Thực tế là trong dòng chảy của toàn cầu hóa, chúng ta đã chứng kiến ở đâu đó có xu thế tạm thời, cục bộ của chủ nghĩa bảo hộ trên nền tảng của chủ nghĩa dân túy. Tôi cho rằng những biểu hiện này phản ánh đúng xu thế tạm thời mong muốn của người dân. Tất nhiên, các chính sách về kinh tế, thương mại và đầu tư của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế sẽ dựa trên nền tảng bối cảnh chung trong chính sách quốc gia của các nền kinh tế đó trong thời điểm nhất định, phản ánh nguyện vọng của người dân."

Tất nhiên, các nhà lãnh đạo APEC đã lường trước được những thách thức này. Theo các nguồn tin bên lề, tại APEC 2017, các nhà lãnh đạo của TPP 11 sẽ tìm kiếm sự đồng thuận về một thỏa thuận mới. Thậm chí, một FTAAP cũng sẽ được thảo luận sâu rộng hơn và có thể sẽ dạt được những bước tiến khởi đầu. Tất cả những thỏa thuận này, có thể không phải là tất cả, song cũng sẽ cung cấp một sự đảm bảo cho khu vực Châu Á Thái Bình Duơng có một nền kinh tế mở và linh hoạt hơn./.

Thu Hiền/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/tu-do-hoa-thuong-mai-van-de-trong-tam-duoc-thao-luan-tai-amm-693040.vov