Tự do hóa dịch vụ tài chính: Quản lý thận trọng ngăn chặn rủi ro khủng hoảng

Là thành viên của nhiều hiệp định thương mại nhưng thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam vẫn là thị trường 'non trẻ', chưa phát triển đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ ở cấp độ cao và phức tạp như các thị trường phát triển khác.

Hệ thống luật pháp trong lĩnh vực ngân hàng được hoàn thiện sẽ góp phần chủ động phòng ngừa và đối phó với các rủi ro của quá trình tự do hóa dịch vụ tài chính.

Hệ thống luật pháp trong lĩnh vực ngân hàng được hoàn thiện sẽ góp phần chủ động phòng ngừa và đối phó với các rủi ro của quá trình tự do hóa dịch vụ tài chính.

Để quản lý, giám sát thị trường tài chính hiệu quả, nâng cao năng lực thị trường, cần tăng cường các biện pháp quản lý thận trọng, qua đó ngăn chặn rủi ro khủng hoảng.

Hội nhập sâu vào thị trường tài chính thế giới

Tự do hóa dịch vụ tài chính có vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước trong khu vực. Trong 20 năm qua, kể từ khi trở thành thành viên của ASEAN, Việt Nam đã chủ động tích cực tham gia hội nhập tài chính khu vực và WTO. Việt Nam đã chủ động tham gia các FTA trên cả ba cấp độ (đa phương, khu vực và song phương) một cách có chọn lọc để từng bước tạo dựng lợi thế trong hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực, vị thế của đất nước.

Quá trình này được thực hiện từng bước thông qua việc hội nhập vào ASEAN, tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Sự ra đời của Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) đến Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN (AFAS) và các nước đối tác (FTAs + 1), sau đó là các hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã đánh dấu mốc hội nhập sâu rộng của thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam vào sân chơi quốc tế.

Tham gia CPTPP và EVFTA là cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới. Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn, do đó vị thế của Việt Nam sẽ cải thiện nhiều. Không chỉ vậy, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thu hút thêm dòng vốn nước ngoài vào ngành dịch vụ tài chính - một ngành cần vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành cao. Hơn nữa, các cam kết mở cửa thị trường bảo hiểm trong các FTA, trong đó có CPTPP, EVFTA đã, đang và sẽ góp phần thúc đẩy hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

Cần tăng cường quản lý thận trọng

Việc mở cửa thị trường, dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại dịch vụ và đầu tư trong các FTA thế hệ mới, mở rộng sự tham gia của các bên nước ngoài, sự kết nối, liên thông với các thị trường tài chính khu vực và quốc tế, sự luân chuyển của dòng vốn sẽ làm cho thị trường tài chính trong nước trở nên nhạy cảm và dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Đồng thời, nó còn tiềm ẩn nguy cơ cao khi cơ sở hạ tầng thị trường tài chính phát triển không tương ứng với tốc độ phát triển của thị trường. Kết hợp với xu thế mở rộng áp dụng công nghệ thông tin, đây cũng sẽ là những thách thức đối với việc giám sát, quản lý rủi ro, duy trì sự phát triển bền vững của thị trường tài chính, đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính quốc gia.

Để chủ động phòng ngừa và đối phó với các rủi ro, thách thức của quá trình tự do hóa dịch vụ tài chính, cần tăng cường áp dụng những biện pháp quản lý thận trọng vĩ mô kết hợp với chính sách quản lý thận trọng vi mô trong từng lĩnh vực. Điều này nhằm đảm bảo tính ổn định và toàn vẹn của thị trường tài chính, bảo vệ nhà đầu tư, người gửi tiền và các thành viên tham gia thị trường.

Theo đó, để bảo đảm ổn định khu vực tài chính, việc củng cố và xây dựng một mạng lưới an ninh tài chính quốc gia đủ mạnh là rất thiết yếu. Các cơ quan có chức năng giám sát tài chính, trong chức năng nhiệm vụ và vị trí của mình, phải xây dựng và đưa ra các báo cáo phân tích, đánh giá và cảnh báo sớm các rủi ro kinh tế vĩ mô để kịp thời điều chỉnh, xử lý chính sách, không để tích tụ các mất cân đối kinh tế vĩ mô dẫn đến mất ổn định khu vực tài chính và khủng hoảng tài chính.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống luật pháp trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, đối với các quy định về an toàn vốn, phương pháp đánh giá an toàn tài chính, quy định về cho vay, đầu tư, quy định hạn chế rủi ro phát sinh từ các trung gian tài chính, an toàn tài chính của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới... Việc tham gia vào các hiệp định có thể yêu cầu các quốc gia mở cửa thị trường, bổ sung cam kết mới chưa có hướng dẫn/quy định tại các văn bản pháp quy, vì vậy, cần nội luật hóa các cam kết để giúp cho quá trình thực thi trong nước minh bạch và hiệu quả, tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, tăng cường vai trò giám sát của nhà nước đối với các hoạt động của thị trường tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ tài chính nhằm đảm bảo minh bạch, công bằng, hạn chế tiêu cực và phù hợp với các tiêu chuẩn chung trên thế giới cũng như các cam kết trong các FTAs.

Việc tham gia vào các hiệp định có thể yêu cầu các quốc gia mở cửa thị trường, bổ sung cam kết mới chưa có hướng dẫn/quy định tại các văn bản pháp quy, vì vậy, cần nội luật hóa các cam kết để giúp cho quá trình thực thi trong nước minh bạch và hiệu quả, tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài.

Ths. Nguyễn Thị Thu Hiền (Vụ Hợp tác quốc tế)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2020-08-22/tu-do-hoa-dich-vu-tai-chinh-quan-ly-than-trong-ngan-chan-rui-ro-khung-hoang-91328.aspx