'Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Hán' nhiều sai sót

Ở bài cuối này, người viết nêu sai sót của cuốn 'Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Hán' của Nguyễn Văn Khang khi 'Hán hóa tiếng Việt'.

Một trang từ điển có sai sót.

Một trang từ điển có sai sót.

“Hán hóa tiếng Việt” được hiểu là áp đặt các đơn vị thành ngữ tục ngữ trong tiếng Hán vào tiếng Việt, làm cho tiếng Việt giống với tiếng Hán. Nguyễn Văn Khang (NVK) đã không phân biệt được sự khác nhau giữa thành ngữ tục ngữ Hán phiên âm Việt, với thành ngữ tục ngữ Việt gốc Hán. Bởi vậy, một mặt NVK đã “Hán hóa tiếng Việt” bằng cách “nhập khẩu” hàng trăm thành ngữ tục ngữ Hán (chỉ dùng trong tiếng Hán/Hoa) đặt vào vị trí thành ngữ tục ngữ Việt một cách sống sượng, khiên cưỡng; mặt khác “Hán hóa” nhiều thành ngữ tục ngữ Việt gốc Hán (chỉ dùng trong tiếng Việt), vốn đã trải qua một quá trình Việt hóa lâu dài. Thậm chí tác giả từ điển còn lấy bản dịch, hoặc bản phiên âm tục ngữ Hán và áp vào vị trí thành ngữ tục ngữ Việt, rồi đối chiếu với chính tục ngữ Hán.

Sau đây người viết tạm chia ra thành mấy loại “Hán hóa tiếng Việt”.

Thứ nhất: “Hán hóa tiếng Việt” bằng “nhập khẩu” thành ngữ tục ngữ Hán. Hầu như phần chữ cái nào (vần A, B, C… trong từ điển) cũng có hiện tượng “Hán hóa” thành ngữ tục ngữ Việt. Tuy nhiên, do khuôn khổ bài viết có hạn, người viết chỉ nêu những vần dày đặc hiện tượng “Hán hóa tiếng Việt” như sau: “kích trọc dương thanh; kiềm lư chi kĩ; kiếm bạt nỗ trương; kiếp hỏa chi khôi; kiều sinh quán dưỡng; kiểu giả dị ô; kiểu uổng quá chính; kim âu vô khuyết; kim khoa ngọc luật; kim mã ngọc đường; kính hoa thủy nguyệt…”. Hay: “la quật câu cùng; la tước quật thử; lạc dĩ vong ưu; lạc hoa lưu thủy; lạc thiên chi mệnh; lão gian cự hoạt; lão kí phục lịch; lão ngưu thiểm độc; lão thảo tắc trách…”…

Những thành ngữ tục ngữ nêu trên chỉ là tục ngữ Hán phiên âm Hán Việt, chứ không phải lời ăn tiếng nói của người Việt. Thế nên, khi đọc lên, người Việt không ai hiểu gì.

Thứ hai, “Hán hóa” tiếng Việt bằng áp đặt các bản dịch thành ngữ tục ngữ Hán. Nhiều thành ngữ tục ngữ được NVK đặt ở vị trí tiếng Việt để so sánh với tiếng Hán, nhưng thực chất đó chỉ là thành ngữ tục ngữ Hán được đối dịch hoặc diễn giải nôm na sang tiếng Việt. Ví dụ: “cá mè đỏ đuôi” NVK cho rằng là thành ngữ Việt, đồng nghĩa với “phường ngư ngật vĩ” tiếng Hán. Theo đây, có 3 điểm cần trao đổi: Thành ngữ Hán “phường ngư xích vĩ” nghĩa là “cá mè đỏ đuôi” bị viết nhầm thành “phường ngư ngật vĩ” nghĩa là cá mè ăn đuôi, dị bản “phường ngư trinh vĩ” vốn trong “Kinh thi”, lấy ý đuôi con cá mè bình thường có màu trắng, khi cá bị bệnh tật, mệt mỏi thì đuôi chuyển sang màu đỏ. Thế nên “cá mè đuôi đỏ” ví với tình trạng lao lực, chỉ người bị đuối sức, phải đảm nhận công việc quá nặng nhọc. Tuy nhiên, trong kho tàng tiếng Việt, hoàn toàn không có thành ngữ “cá mè đỏ đuôi”. Bởi vậy, dù được NVK dịch ra từ tiếng Hán, nhưng ngoài nghĩa đen: con cá mè đỏ đuôi, thì không ai hiểu nghĩa bóng của nó là gì.

NVK cho rằng “cứng mồm cứng lưỡi” là thành ngữ Việt, đồng nghĩa với thành ngữ Hán “trương khẩu kết thiệt”. Theo cách giảng của Hán ngữ đại từ điển, thì “trương khẩu kết thiệt” là: hình dung sự sợ hãi, hoang mang; vẻ đuối lí khiến cho không nói được câu nào. Theo người viết, tiếng Việt chỉ có từ “cứng họng” để chỉ nghĩa thứ 2 của thành ngữ Hán “trương khẩu kết thiệt” mà thôi.

Thứ ba, “Hán hóa” trở lại thành ngữ tục ngữ Việt đã được Việt hóa. Có khoảng 100 trường hợp như thế. Ví dụ: Trăm nghe không bằng một thấy (gốc Hán: Bách văn bất như nhất kiến); Miệng ăn núi lở (Tọa thực băng sơn); Áo gấm về làng (Cẩm y hồi hương); Đầu gà còn hơn đuôi trâu (Kê khẩu ngưu hậu); Tai vách, mạch dừng (Tường hữu phùng, bích hữu nhĩ)…

Như vậy, nếu những người Trung Quốc sử dụng cuốn từ điển “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt-Hán” của NVK, họ sẽ ngộ nhận người Việt vay mượn quá nhiều thành ngữ tục ngữ Hán. Ngược lại, thế hệ con cháu Việt (kể cả ở hải ngoại) hẳn cũng sẽ không khỏi ngạc nhiên và không hiểu tại sao kho tàng thành ngữ tục ngữ Việt lại nghèo nàn đến mức cha ông chúng phải đi vay mượn, lệ thuộc vào tiếng Hán với số lượng nhiều và sống sượng đến vậy.

Hoàng Tuấn Công

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tu-dien-thanh-ngu--tuc-ngu-viet-han-nhieu-sai-sot-520096.html