'Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Hán' nhiều sai sót

Người viết chỉ ra cuốn từ điển của Nguyễn Văn Khang đã thu thập nhiều dị bản thành ngữ, tục ngữ Việt thiếu chính xác; nhiều dị bản không tồn tại trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán.

2 trong số những trang từ điển có sai sót.

2 trong số những trang từ điển có sai sót.

Ở số báo trước người viết đã chỉ ra sai sót thứ nhất là thu thập và đối chiếu nhiều đơn vị thành ngữ, tục ngữ Việt và Hán không đồng nghĩa, thậm chí trái nghĩa.

Trong số báo này, người viết chỉ ra cuốn từ điển của Nguyễn Văn Khang đã thu thập nhiều dị bản thành ngữ, tục ngữ Việt thiếu chính xác; nhiều dị bản không tồn tại trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán.

Thành ngữ tục ngữ thường tồn tại nhiều dị bản. Bởi vậy, để lựa chọn được bản chính xác, người biên soạn từ điển cần dựa vào nhiều căn cứ. Ví dụ căn cứ vào từ điển, kho ngữ liệu hoặc công trình sưu tầm tuyển chọn có uy tín của người đi trước; căn cứ kết cấu, ngữ nghĩa của từng từ; căn cứ kiến văn nghe đọc trên sách báo và trong đời sống để xác định bản nào là bản chính. Trong đó, từ điển và kho ngữ liệu là hai nguồn tham khảo quan trọng nhất. Tuy nhiên, dường như nhiều khi tác giả Nguyễn Văn Khang (NVK) đã lựa chọn các bản thành ngữ tục ngữ đại diện cho cả hai phía tiếng Việt và Hán theo cảm tính, huy động theo trí nhớ.

Ví dụ, NVK viết “ếch ngồi (/nằm) đáy giếng”. Tiếng Việt chỉ có “ếch ngồi đáy giếng”, không có dị bản “ếch nằm đáy giếng”. “Ngồi” ở đây không những tả thực tư thế của loài ếch nhái, mà còn ám chỉ cuộc sống bó hẹp trong một phạm vi nhất định, giống như con ếch khi bị sa chân xuống giếng, chỉ biết ngồi một chỗ, bó gối mà ngóng nhìn lên bầu trời. Vả lại, nguyên văn bản trong tiếng Hán “tọa tỉnh quan thiên” thì “tọa” cũng có nghĩa là “ngồi” chứ không phải “nằm”.

NVK viết “gà hơn (/ghét) nhau tiếng gáy”. Tiếng Việt chỉ có “con gà tức nhau tiếng gáy” hoặc “gà tức nhau tiếng gáy”. “Tức” ở đây là tức khí, muốn tranh hơn thua. Chúng tôi không thấy sách vở nào ghi nhận hai dị bản “gà hơn nhau tiếng gáy” hay “gà ghét nhau tiếng gáy” như NVK thu thập.

Từ điển viết “gái đĩ già mồm, (kẻ trộm cắn răng)”. Tục ngữ Tiếng Việt chỉ có “gái đĩ già mồm, kẻ trộm lắm gan”, không có “kẻ trộm cắn răng”. “Lắm gan” ở đây được hiểu là to gan, không biết sợ là gì.

NVK viết “người làm không bực bằng người chực nồi”. Chính xác phải là “người đi không bực bằng người chực nồi cơm”. “Đi” ở đây là vắng nhà, đi đâu đó chưa về, khiến người ở nhà phải sốt ruột nhấp nhổm đợi cơm, thì mới “bực”.

Từ điển viết “ôn nghèo nhớ khổ”. Nên lựa chọn bản “ôn nghèo kể khổ”. Phải là “kể khổ” (mang tính chất kể lể) thì trong buổi hàn huyên, trà dư tửu hậu, bạn bè mới nghe được những khó khăn vất vả thuở hàn vi; còn “nhớ khổ” có khi chỉ là hồi tưởng trong lòng.

Từ điển viết “quan ở xa quản nha thì gần”. Chính xác phải là “quan thì xa, bản nha thì gần”, dị bản “quan xa nha gần” “quan thời xa nha thời gần”. “Quan” được hiểu là quan trên, cấp trên; “nha” hay “bản nha” là nha lại sở tại, nha môn địa phương: cấp trên quang minh chính đại không biết đến, trong khi kẻ gần dân hơn cả lại sách nhiễu dân.

NVK viết “quan tham ô lại ≈ tham ô quan lại”. Phải là “tham quan ô lại”, không có “quan tham ô lại”, càng không có “biến thể” nào gọi là “tham ô quan lại” như NVK hướng dẫn.

NVK viết “rồng uốn hổ ngồi”. Thành ngữ Việt chỉ có “rồng cuộn hổ ngồi”. Bản thân chữ “bàn” “long bàn hổ cứ” của tiếng Hán mà NVK so sánh, có nghĩa là “cuộn”, chứ không phải “uốn”.

(Còn nữa)

Hoàng Tuấn Công

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tu-dien-thanh-ngu--tuc-ngu-viet-han-nhieu-sai-sot-519994.html