Từ đề văn về Chi Pu: Hãy để học sinh nhận thức độc lập

Nếu bàn về yêu cầu cần có của một đề kiểm tra học kỳ, đề văn này chưa phải hay, chưa đạt yêu cầu. Nhưng những đề văn thực tế như thế này sẽ giúp các em có những trải nghiệm độc lập, thú vị trong nhận thức của mình.

Tôi đọc được rất nhiều bài viết trên báo điện tử và trên MXH về một đề kiểm tra học kỳ môn văn khá lạ lùng. Đề yêu cầu các em học sinh hóa thân vào cô gái tên Chipu, một ngôi sao giải trí, để bày tỏ quan điểm của các em về việc cô Chipu hát không hay, bị nhiều ca sĩ phản đối.

Chi Pu, người được đề văn đề cập đến...

Chi Pu, người được đề văn đề cập đến...

Nếu bàn về yêu cầu cần có của một đề kiểm tra học kỳ, đề văn này chưa phải hay, chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy dị ứng với những đề văn như thế này vì những đề văn thực tế sẽ giúp các em có những trải nghiệm độc lập, thú vị trong nhận thức của các em.

Tôi không quan tâm tới cô Chipu, không quan tâm đến showbiz, nhưng tôi quan tâm các em học sinh sẽ bày tỏ quan điểm về việc một cô ca sĩ có thể nổi tiếng không nhờ giọng hát. Tôi quan tâm tới việc các em bày tỏ quan điểm khi ứng xử với những người ném đá mình, càng quan tâm tới quan điểm của các em về các giá trị sống. Những em học sinh giỏi hơn, sẽ nhìn ra nhiều vấn đề hơn.

Chúng ta vốn quen nhìn văn học là một tháp ngà nên xem việc dạy và học văn cũng phải là khuôn vàng thước ngọc. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Tôi cho rằng môn văn và các môn xã hội khác, nên bớt đi gánh nặng kiến thức, mà nhận thêm trọng trách: gia cố kỹ năng sống và giá trị sống cho các em. Người giỏi nhất trong một khuôn khổ, chưa chắc là một người năng động và lý thú trong thực tế.

Ai cũng phải trải qua những trải nghiệm tuổi trẻ để trưởng thành. Các em sẽ tích lũy được nhiều giá trị sống nếu được em được chiêm nghiệm, được bày tỏ và được định hướng đúng đắn. Sự trải nghiệm về tư tưởng có được từ sách vở, từ những bài học của thầy cô, từ những buổi thảo luận, từ sách báo, các kênh thông tin…

Nên nhớ, cuộc sống của các em không chỉ có những tác phẩm trong trường học. Mọi sự kiện xảy ra đều có trong đó các bài học về cuộc sống. Thái độ ứng xử với những điều tốt-xấu, đúng-sai cũng là những bài học để trưởng thành.

Sự trải nghiệm trong nhà trường, dù có mạnh mẽ tới đâu, thì có lẽ vẫn luôn an toàn và đúng đắn cho bọn trẻ. Tôi ủng hộ việc nhà trường đưa cuộc sống lại gần hơn nữa với giáo dục học đường.

Tôi rất thú vị khi xem các clip trên YouTube, nhìn bọn trẻ tiểu học ở nước ngoài tự tin, thoải mái trình bày về vấn đề người đồng tính, bày tỏ thái độ về các cuộc bầu cử tổng thống, về cách ứng xử của người lớn, về hôn nhân, về một người nổi tiếng nào đó… từ chính trị đến nghệ thuật, đến tất tần tật mọi mặt cuộc sống.

Chẳng thể tự nhiên mà những đứa trẻ có được sự tự tin, quan tâm cuộc sống đến vậy nếu nền giáo dục của các em không cung cấp điều đó. Rồi cũng chẳng thể tự nhiên mà một đứa trẻ một ngày kia sẽ trở thành một người lớn sâu sắc, thú vị, bao dung.

HỒNG MINH

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/tu-de-van-ve-chi-pu-hay-de-hoc-sinh-nhan-thuc-doc-lap-744705.html