Từ đâu cát tặc lộng hành?

Chưa bao giờ thị trường cát xây dựng nóng bỏng như bây giờ. Từ Bắc vô Nam, nhu cầu xây dựng cao ngất, khiến cho loại khoáng sản trở thành món hàng đắt như tôm tươi. Trước đây, giá cát chỉ 200 ngàn đồng/m3, nay đã tăng 500 ngàn đồng/m3. Bởi vậy, đâu đâu người ta cũng đua nhau khai thác cát.

Ở Phú Quốc, cát được khai thác và bán rầm rộ sang cả Singapore (hiện đã bị cấm). Tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước..., các nhóm “cát tặc” đã dùng ghe, xuồng, máy bơm hút trộm cát ngày đêm trên những con sông, dòng suối chảy từ cao nguyên về như: Sông Bé, sông Đồng Nai...

Ở TPHCM, “cát tặc” tung hoành trên nhánh sông Tắc (quận 9), khiến người dân nơi đây bất an, vì đất đai ven sông lần lượt bị... hô biến. Đặc biệt, hành vi chống đối người thi hành công vụ của những kẻ hút trộm cát ngày càng manh động, hung hăng...

Câu hỏi đặt ra, tại sao “cát tặc” lộng hành đến vậy? Một chủ doanh nghiệp (DN) cho biết: DN chân chính xin một giấy phép khai thác cát là... bở hơi tai luôn. Theo Luật Khoáng sản, một hồ sơ xin giấy phép bao gồm: Đơn đề nghị cấp phép, bản đồ khu vực khai thác cát, quyết định phê duyệt trữ lượng cát, dự án đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, bản sao giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...

Một giấy phép khai thác cát quy mô 50.000 - 60.000m3, phải mất 18 tháng. Ngoài ra, DN còn phải làm thủ tục chi phí cấp quyền khai thác cát, với khoản tiền từ 6-7 tỉ đồng, cho thời gian khai thác khoảng 5 năm... Sau khi được phép khai thác cát, DN buộc phải đóng đủ các loại thuế, phí... nay cát tăng vượt mặt 500.000 đồng/m3, thì “cát tặc” càng lãi khủng! Bất cập ở trên đã khiến “cát tặc” đầy lợi thế, nhưng việc xử lý “cát tặc” như... bắt cóc bỏ đĩa, lại càng gây bức xúc dư luận.

Thống kê từ cơ quan chức năng cho biết: Từ năm 2013-2016, cả nước phát hiện 2.700 vụ “cát tặc”. Thế nhưng xử lý hình sự được mỗi... một vụ. Bởi, xác định “gây hậu quả nghiêm trọng” để xử lý hình sự “cát tặc” là rất khó khăn đối với cơ quan điều tra. Quá nhiều bất cập trong quản lý, kiểm soát việc khai thác và kinh doanh cát. Thêm biện pháp chế tài nhẹ như lông hồng; trong khi đó, lợi nhuận mang lại từ cát vào thời điểm này thì... quá khủng. Hỏi sao “cát tặc” không lộng hành?

Cao Hùng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/tu-dau-cat-tac-long-hanh-685288.bld