Từ cựu chiến binh nghèo thành cựu chiến binh tỷ phú

Sau khi rời quân ngũ, gia cảnh nghèo khó, bản thân lại chưa có việc làm ổn định nên cựu binh Nguyễn Văn Thắc gặp muôn vàn khó khăn. Thế nhưng, bằng ý chí, nghị lực của người lính năm xưa, ông Thắc đã từng bước vượt khó và nay đã trở thành một doanh nhân tiêu biểu làm kinh tế giỏi.

Người cựu binh, doanh nhân tiêu biểu mà chúng tôi nói đến là Nguyễn Văn Thắc (SN 1962, ở thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).

Nghị lực vượt khó của chàng trai trẻ

Cũng như bao chàng trai trẻ khác, năm 1978, người thanh niên Nguyễn Văn Thắc với nhiệt huyết của tuổi trẻ đã lên đường nhập ngũ, tham gia lực lượng TNXP bên dòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Sau hơn 2 năm làm nhiệm vụ tại đây, Nguyễn Văn Thắc được chỉ huy điều động vào Trường Sỹ quan Chỉ huy kỹ thuật Không quân tại Nha Trang (Khánh Hòa) học tập và trở thành một kỹ thuật viên sửa chữa máy bay tại Trung đoàn 910.

Cựu binh Nguyễn Văn Thắc bên xưởng cưa cơ ngơi của mình.

Đến năm 1984, người lính trẻ Nguyễn Văn Thắc đã xin xuất ngũ về quê hương sống cùng gia đình. Trở về cuộc sống đời thường, gia cảnh nghèo khó, bản thân lại chưa có công việc làm, ông Thắc được một người quen giới thiệu vào làm việc tại Lâm trường Đồng Hới.

Trong khoảng thời gian làm việc ở đây, ông đã bén duyên và xây dựng gia đình với nữ nhân công Hoàng Thị Hương. Sau một thời gian chung sống, hai vợ chồng có với nhau 3 người con.

Những tháng ngày sau đó, với đồng lương công nhân ít ỏi, hai vợ chồng ông Thắc không đủ trang trải cuộc sống và nuôi nấng cho 3 người con ăn học. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông Thắc quyết định nhận 20ha rừng thông từ lâm trường về làm khoán. “Lúc nhận rừng, vợ chồng tự hứa với nhau cố gắng chịu khó, chịu khổ để nuôi con cái được ăn học nên người, nhưng khổ nỗi thông quanh năm bị bão gãy đổ hết, phần thì bị mất trộm nên nhiều khi trắng tay”, ông Thắc kể.

Nhiều năm gắn bó với rừng thông nhưng vẫn không thể thoát được cái nghèo, sau nhiều đêm thức trắng, ông Thắc đã “liều mạng” bàn với vợ là phải vay mượn tiền ngân hàng để để tư làm ăn. Đó là thời điểm năm 2006, khi lâm trường bàn giao một diện tích đất rừng cho vợ chồng trồng keo tràm nên ông Thắc đã mạnh dạn vay mượn tiền quyết chí đầu tư máy móc để mở một xưởng cưa xẻ gỗ tại nhà.

“Dù mở xưởng cưa thời đó không lời lãi được nhiều nhưng tôi nghĩ đó là “nút thắt” quan trọng để vợ chồng tôi có được như ngày hôm nay”, ông Thắc kể lại những tháng ngày gian khó.

Và con đường trở thành người cựu binh tỷ phú

Những năm đầu, xưởng cưa của hai vợ chồng ông Thắc chỉ đủ trang trải các chi phí sinh hoạt gia đình và trả lương cho công nhân. Nhưng đến năm 2014, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc đã quyết định nâng cấp xưởng gỗ của mình lên thành công ty có tên là Công ty TNHH Tấn Phương do chính ông làm giám đốc.

Sau khi mở công ty, ông tuyển thêm công nhân, mở rộng thêm các ngành nghề như: chế biến, sản xuất đồ gỗ gia dụng, mộc mỹ nghệ. Cơ sở của ông ngày một được nâng cấp với quy mô nhà xưởng diện tích trên 3.000m2, với 5 máy cưa xẻ gỗ hiện đại với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng.

Năm 2017, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc vinh dự được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp bằng khen “Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi”.

Nhớ lại những tháng ngày gian khó khi mới mở xưởng cưa tạm bợ, ông Thắc trải lòng: “Nói thật với chú, những ngày đầu mới mở xưởng cưa, tay nghề chưa có, nhiều khi xẻ 3 cây gỗ thì hỏng mất 2 cây, có những lúc tôi thấy nản vô cùng. Nhưng ở những thời điểm khó khăn nhất, tôi lại nhớ đến những ngày tháng được rèn luyện trong quân ngũ nên càng làm tôi quyết tâm phải vượt qua mọi khó khăn trước mắt. Cùng với đó, vợ tôi cũng luôn động viên phải cố gắng hết sức. Nhờ thế, công ty mới phát triển như ngày hôm nay”.

Hiện nay, doanh thu từ nhà xưởng của gia đình ông Thắc luôn đạt gần 1 tỷ đồng/năm. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với mức lương ổn định từ 6 - 20 triệu đồng/tháng/người và nhiều lao động thời vụ. Ngoài việc cưa xẻ, chế biến gỗ, công ty của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc đã mở rộng các ngành nghề như đầu tư xây dựng, kinh doanh siêu thị mini, tạo thêm cho 8 lao động với mức thu nhập gần 5-7 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mỗi năm tổng hợp nhiều ngành nghề sản xuất và kinh doanh của công ty đã đưa lại cho gia đình ông nguồn thu khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Nói về hướng phát triển của công ty, ông Thắc chia sẻ: “Thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư nhà xưởng hiện đại hơn. Ngoài ra, tôi dự định sẽ đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn nghỉ dưỡng, nhằm phát triển dịch vụ du lịch, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho con em địa phương”.

Nói về cựu binh Nguyễn Văn Thắc, ông Cao Thanh Dương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thuận Đức cho hay: “Gia đình cựu binh Thắc là một tấm gương sáng điển hình, doanh nhân thành đạt. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Thắc còn tích cực tham gia xây dựng phát triển hội cơ sở và các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho cựu chiến binh và con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn”.

Còn ông Lê Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Thuận Đức cho biết, không chỉ là cựu binh - kinh doanh giỏi, ông Thắc còn được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu làm công an viên xã Thuận Đức trong vòng 10 năm liền nhờ uy tín và bản lĩnh của mình. Tự hào hơn, năm 2017, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc vinh dự được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp bằng khen “Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi”.

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tu-cuu-chien-binh-ngheo-thanh-cuu-chien-binh-ty-phu-d136997.html