Từ cuốn sách đến cờ Tổ quốc ở ngoài biên giới

Năm 1992, tôi được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc mời sang thăm và làm việc với một số tổ chức văn chương và Hội đồng Nghệ thuật Úc. Tôi là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Úc sau năm 1975.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Khi đến Sydney, một số nhà văn Việt kiều ra đón tôi. Cùng lúc đó, ông Neil Manton, Vụ trưởng Vụ văn hóa đối ngoại của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc là người đại diện nước chủ nhà cũng ra đón tôi. Tôi quyết định không ở khách sạn 5 sao mà về ở nhà của một nhà văn Việt kiều. Ông Neil Manton lo lắng hỏi tôi có thấy an toàn không vì lúc đó quan hệ giữa những Việt kiều và người trong nước sang công tác khá căng thẳng và có những việc đau lòng đã xảy ra. Tôi nói với ông cho dù họ mang quốc tịch Úc nhưng lại là người Việt Nam. Ông Neil Manton đồng ý nhưng đã lấy số xã hội của một trong những nhà văn Việt kiều ra đón tôi để biết tôi sẽ ở đâu và ở với những người như thế nào. Vì tôi là khách mời của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc nên họ có trách nhiệm về sự an toàn của tôi trong suốt chuyến thăm.

Cột cờ Hà Nội

Một buổi tối, tôi được một gia đình người Việt mời đến ăn tối. Khi ngồi vào bàn ăn, tôi vô cùng xúc động vì thấy trên bàn ăn là những món ăn quen thuộc của Hà Nội. Sau đó tôi mới biết rằng, chủ nhà là nhà giáo, nhà thơ Trần Đình Lương, người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 1954, gia đình ông di cư vào Nam rồi sang Úc định cư năm 1975. Bất ngờ hơn, ông là con trai của nhà cách mạng nổi tiếng Trần Đình Long. Nhà cách mạng Trần Đình Long có thể nói giống như "Bộ trưởng Bộ Ngoại giao’’ đầu tiên của Cụ Hồ. Ông từng bị Pháp bắt giam ở nhà tù Sơn La cùng những nhà cách mạng nổi tiếng trong đó có nhà cách mạng Tô Hiệu. Nhà cách mạng Trần Đình Long đã bị tổ chức Quốc dân đảng ám sát. Trước khi tôi chuẩn bị chào gia đình ra về, ông Trần Đình Lương mang một cuốn sách xuất bản trong nước và rụt rè cho tôi xem. Đó là cuốn Hoa Nhạn Lai Hồng của tác giả Hoàng Công Khanh viết về nhà tù Sơn La trong đó có những phần viết về nhà cách mạng Trần Đình Long. Ông nói với tôi, ông đã giấu cuốn sách ấy trong nhà nhiều năm rồi nhưng không dám cho ai biết bởi ông sợ những chuyện không hay xảy ra với gia đình ông ở Úc. Nhưng lần thứ hai sang Úc một vài năm sau đó thì tôi đã nhìn thấy cuốn sách đặt trang trọng trên một chiếc bàn ở phòng khách. Ông Trần Đình Lương nói với tôi: Cha ông, nhà cách mạng Trần Đình Long, đã hy sinh cho nền độc lập của Tổ quốc và ông có quyền kiêu hãnh về cha mình.

Ông Chu Văn Trình, cựu trung tá của quân đội Sài Gòn, quê gốc là làng Kim Liên, Hà Nội, định cư ở Mỹ đã kéo lá cờ Tổ quốc trong ngày con trai ông tốt nghiệp đại học tại Mỹ. Lần đâu tiên gặp cố nhà thơ Phạm Tiến Duật và tôi, ông đã đứng nghiêm trang và vừa khóc vừa hát quốc ca. Ông chính là người đã chạy như điên trên những đường phố Hà Nội trong ngày 2 tháng 9 năm 1945. Có một câu chuyện của ông mà tôi không sao quên được là khi lần đầu tiên từ Mỹ (sau 1975) về thăm lại đất nước, thứ mà ông đi tìm mua đầu tiên để mang về Mỹ là lá cờ đỏ sao vàng. Ông đã treo lá cờ đó trong nhà mình suốt từ đó cho tới sau này. Ông luôn luôn nói rằng lá cờ đó là Tổ quốc ông, nó chứng minh Việt Nam là một dân tộc độc lập trước toàn thế giới và không ai được quyền đánh tráo sự thật ấy. Mấy năm gần đây, ông đưa con trai ông là một tiến sỹ y khoa về Việt Nam để giúp đỡ một số bệnh viện và tìm cách đưa những bác sỹ Việt Nam giỏi sang học tập ở Mỹ. Ông luôn nói với con trai ông, Việt Nam là Tổ quốc thật sự của con và lá cờ đỏ sao vàng là lá cờ của Tổ quốc con.

Năm 1994, tôi ở Boston bang Massachusetts đúng dịp trong nước kỷ niệm mồng 2 tháng 9. Buổi tối đó một gia đình Việt kiều đã tổ chức tiệc trang trọng. Đoàn nhà văn Việt Nam gồm nhà văn Đỗ Chu, nhà văn Lê Lựu, cố nhà văn Nguyễn Thị Như Trang và tôi đã được mời tham dự. Trước khi nâng cốc, chủ nhà đã lấy ra lá cờ đỏ sao vàng treo lên trong phòng khách. Ông nói với tôi lá cờ chính là căn cước đầu tiên của một nước Việt Nam Độc Lập sau cả trăm năm bị người Pháp đô hộ. Với ông, đó là lễ Độc Lập đúng nghĩa nhất với tất cả những người Việt Nam. Tôi đã dự hàng ngàn lễ chào cờ, nhưng chưa bao giờ tôi xúc động và suy nghĩ nhiều như lần lá cờ ấy được mở ra và treo lên trong ngôi nhà của một người Việt Nam sống ở nước ngoài trong những năm tháng mà quan hệ giữa nước Mỹ và Việt Nam hay giữa những người Việt Nam ở nước ngoài với những người Việt Nam trong nước còn đầy băng giá. Nó làm tôi hiểu hơn về lịch sử, hiểu đúng hơn về một cuộc chiến tranh của người Việt Nam.

Có một sự thật là: Không ít những người Việt Nam định cư ở nước ngoài bởi biến cố tháng 4 năm 1975. Trong các câu chuyện với những người Việt Nam như thế mà tôi gặp thì câu chuyện về năm 1975 vẫn còn rất nặng nề. Nhưng mỗi khi nói về bản Tuyên ngôn về Độc Lập của người Việt Nam năm 1945 thì mọi chuyện ngay lập tức thay đổi. Những người đó cho dù ở tuổi nào vào những ngày tháng 8 năm 1945 thì ký ức của họ về những ngày tháng đó là những ký ức đẹp đẽ như một bài ca. Với nhiều người khi sống ở nước ngoài trong những năm tháng đầu thì ký ức ấy được giấu kỹ trong lòng. Có người vẫn mơ thấy ngày ấy khi họ chỉ mới là một cậu bé, cô bé. Rồi những ký ức ấy dần dần thức dậy trong các câu chuyện của họ như một lẽ tất yếu của một lịch sử. Họ đã gạt đi chuyện này chuyện nọ bởi những biến cố lịch sử sau này để thừa nhận một sự thật lịch sử mang tên Mùng 2 tháng Chín năm 1945.

Ông luôn luôn nói rằng lá cờ đó là Tổ quốc ông, nó chứng minh Việt Nam là một dân tộc độc lập trước toàn thế giới và không ai được quyền đánh tráo sự thật ấy. Mấy năm gần đây, ông đưa con trai ông là một tiến sỹ y khoa về Việt Nam để giúp đỡ một số bệnh viện và tìm cách đưa những bác sỹ Việt Nam giỏi sang học tập ở Mỹ. Ông luôn nói với con trai ông, Việt Nam là Tổ quốc thật sự của con và lá cờ đỏ sao vàng là lá cờ của Tổ quốc con.

Nguyễn Quang Thiều

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tu-cuon-sach-den-co-to-quoc-o-ngoai-bien-gioi-1456885.tpo