Từ cuộc gặp gỡ, ân ái trong 3 ngày đến hành trình tìm về quá khứ

'Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo' kể về một cuộc di cư, mà sâu xa, đó là hành trình mà các nhân vật tìm về bản ngã, bản sắc, nguồn cội, quá khứ của mình.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào mùa thu 2019 này, nhà văn Jean-Pierre Orban giới thiệu bản dịch tiếng Việt cuốn tiểu thuyết mới Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo, đồng thời ông cũng tìm kiếm tác phẩm Việt Nam chất lượng để chia sẻ với độc giả Pháp.

Jean-Pierre Orban là cây bút đương đại người Bỉ viết văn tiếng Pháp. Các sáng tác của ông thuộc nhiều thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch và ông còn từng viết sách cho thiếu nhi. Ông hiện phụ trách chuyên mục Văn học nước ngoài cho một nhà xuất bản tại Paris (Pháp) nơi ông sinh sống, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu cách thức sáng tạo tác phẩm văn học tại Viện Nghiên cứu Paris (trực thuộc CLLS).

Năm 2016, Vera - tác phẩm đầu tay nhưng nhận nhiều giải thưởng danh giá của ông đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Năm 2019 này, một tác phẩm khác của ông tiếp tục được giới thiệu tới độc giả Việt Nam: Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo, cũng qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Duy Bình.

Câu chuyện kể về cô gái Adèle đã gặp gỡ và ân ái với một người đàn ông tên Sainto tại Paris trong vỏn vẹn ba ngày. Khoảng thời gian ngắn ngủi đã đủ để nảy sinh tình cảm trong lòng Adèle và thành hình trong cơ thể cô một đứa trẻ. Để làm rõ lai lịch của cha đứa trẻ, Adèle lên đường sang châu Phi, nơi Sainto đang cùng những người dân da đen chiến đấu chống lại sự áp đặt của Anh và Bỉ lên khu vực này, trong giai đoạn 1960-1965.

Ngược dòng con sông lớn Congo, tới nơi, Adèle hay tin Sainto đã chết do những biến động chính trị. Hành trình của người mẹ đơn thân sẽ tiếp tục vươn tới Bỉ và Anh. Bằng những mảnh ghép thu lượm được trên hành trình đó, những hiểu biết về nguồn cội của đứa trẻ cũng như ý nghĩa tình yêu giữa bố mẹ nó dần dần được lấp đầy...

Nhà văn Jean-Pierre Orban và ấn bản tiếng Việt cuốn tiểu thuyết Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo. Ảnh: Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Nhà văn Jean-Pierre Orban và ấn bản tiếng Việt cuốn tiểu thuyết Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo. Ảnh: Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Hành trình di cư: Từ đi tìm tình yêu đến đi tìm nguồn cội

Cũng như Vera, Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo kể về một cuộc di cư, mà sâu xa, đó là hành trình mà các nhân vật tìm về bản ngã, bản sắc, nguồn cội, quá khứ của mình cũng như những người xung quanh.

Cha Adèle che giấu kỹ nguồn gốc người Do Thái của mình để tránh né chính quyền Pháp (là đồng minh của Đức), điều đó khiến bản thân Adèle vốn đã có những khúc mắc cần truy nguyên về thân thế. Khi gặp người yêu, cô cũng muốn tìm hiểu người đàn ông đó như thế nào và muốn tìm hiểu cho chính mình tại sao rơi vào câu chuyện tình yêu như thế này. Không ngại ngần, Adèle lên tàu, bắt đầu cuộc hành trình gian nan đến một đất nước loạn lạc, để tự mình đi tìm câu trả lời về nguồn gốc, về bản ngã.

Nói về chủ nghĩa xê dịch, nhà văn cho rằng người ngoại quốc sẽ nhìn cuộc sống ở xứ lạ với con mắt một người ngoài và khám phá ra những điều khác biệt, mới mẻ so với người dân bản địa. Từ trường hợp của các nhà văn Do Thái tha hương, tản mát khắp nơi trên địa cầu, nhà văn đánh giá cao giá trị của bi kịch này: Họ vừa đau đáu với nỗi niềm vong quốc, mặt khác họ lại có sự gắn kết với nơi ngụ cư mới, tạo nên sự phong phú cho cộng đồng tha hương người Do Thái.

Tương tự, gốc gác của nhân vật trong tiểu thuyết cũng ông cũng trở nên đáng quý hơn, ý nghĩa hơn khi họ di cư khắp bốn bể, song song với việc họ phải cố gắng thích nghi với cuộc sống của vùng đất mà họ lưu trú.

Bìa sách Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo, bản dịch của Nguyễn Duy Bình, do Sao Bắc Media và NXB Hội nhà văn ấn hành. Ảnh: Baovanhoa.com.vn.

Nước là một hình tượng chủ đạo trong Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo, được thể hiện ngay từ tên tiểu thuyết, tên các tiêu đề chương cho đến những hình ảnh trong tác phẩm.

Nước biểu tượng cho cuộc sống, cho số phận con người, cho nhân loại. Vấn đề được giải thích thông qua vở kịch do nhân vật Dez dựng nên ở cuối tác phẩm. Nhiều triệu năm trước, hành tinh của chúng ta chỉ là một mảnh đất được bao bọc bởi một đại dương. Cùng với thời gian và những biến động mà mảnh đất ấy bị chia cắt, trôi dạt các xứ, xuất hiện vô số đảo. Mỗi mảnh đất lại thuộc về một chủng tộc: Da đen, da trắng, Indien...

Thông điệp ở đây, nhà văn kêu gọi mọi người hãy hợp nhất trong cùng một đại dương. Nếu chúng ta cùng tập trung lại thì độ cao của mọi người sẽ tương đối bằng nhau, vị thế con người là như nhau, là bình đẳng.

Không muốn viết những gì dễ đọc

Nhiều người phản hồi với Jean-Pierre Orban rằng tác phẩm của ông không dễ tiếp cận, có thể phải đọc hai hay nhiều lần hơn để hiểu.

Quả vậy, nhà văn chia sẻ, ông không muốn viết ra những gì đơn giản, dễ đọc, nhưng tác phẩm vẫn hướng độc giả nhận ra các vấn đề đang tồn tại trong xã hội, chẳng hạn ông đưa ra cái nhìn khác về châu Phi, về mối quan hệ giữa người với người, về nguồn cội con người.

Nhà văn chia sẻ sáng tác và hư cấu cung cấp một sức mạnh rất lớn, giúp họ đặt mình được vào vị thế của người khác để kể câu chuyện về họ. Một phần tác phẩm được viết trên trải nghiệm thật của ông, nhưng được hư cấu đi. Sinh ra trong một gia đình người Ý di cư tới Bỉ, vì vậy ông đã viết về chuyến di cư tới Anh trong Vera cũng như Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo chủ yếu nhờ trí tưởng tượng.

Trong cả hai cuốn tiểu thuyết, Jean-Pierre Orban - một tác giả nam - cũng phải tự thử thách mình bằng việc đặt bản thân vào vai nữ để kể về mối quan hệ giữa mẹ và con trai. Đây cũng là một điểm khiến ông lo lắng về sức phản ánh chân thật trong tác phẩm hư cấu của mình.

Nhà văn Jean-Pierre Orban trong buổi tọa đàm với giảng viên và sinh viên khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ảnh: Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Tác phẩm được cấu trúc gồm bốn chương, trong đó ba chương đầu dài tương tự nhau còn chương cuối có dung lượng ngắn hơn. Mỗi chương lại được viết với một điểm nhìn khác nhau: Adèle; Raphael - con trai cô với Sainto - vào hai thời điểm: Hồi nhỏ và khi trưởng thành; cuối cùng là Dez - một người da đen sống khép kín, đã xây dựng được tình bạn với Raphael.

Jean-Pierre Orban tán đồng với Joseph Conrad rằng khi sáng tác văn học, nhà văn cần dẫn dắt độc giả giải quyết các vấn đề đặt ra ở đầu tác phẩm, nhưng chỉ nên đưa ra câu trả lời vào cuối tác phẩm. Ở những trang cuối của Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo, độc giả sẽ được lắng nghe nhân vật Dez kể cho Raphael nghe câu chuyện về Sainto cha cậu, điều mà mẹ con cậu vẫn luôn nỗ lực tìm hiểu.

Viết tiểu thuyết Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo, Jean-Pierre Orban đã có những tham chiếu về văn học. Chi tiết nhân vật chính Adèle ngược dòng sông Congo về phía bắc tìm người tình được tham khảo từ tiểu thuyết Giữa lòng tăm tối của Joseph Conrad, ngoài ra nhà văn cũng tham chiếu với những trang văn viết về các dòng sông ở Đông Dương của Maguerite Duras.

Jean-Pierre Orban xây dựng tác phẩm mình giống như chiếc gương. Vẫn sự việc, sự kiện đó, nhưng lại khác nhau ở đầu và cuối tác phẩm. Nếu ở đầu tác phẩm xuất hiện hình ảnh người phụ nữ Adèle da trắng đi tàu lên thượng nguồn giữa toàn bộ những người da đen, thì ở cuối tác phẩm độc giả lại bắt gặp hình ảnh Dez - một người đàn ông da đen lên một con tàu toàn người da trắng. Nếu ở đầu tác phẩm, người phụ nữ dường như nhốt mình trong cabin thì ở cuối tác phẩm, người con trai cũng bị nhốt trong căn hộ ở một tòa nhà.

Với cách xây dựng tác phẩm như vậy, nhà văn muốn thể hiện sự thay đổi, lật đổ về vị trí: Con người trước đây bị trị, giờ đây trở thành thống trị; trước đây bị thuộc địa hóa, giờ đây đứng lên chống lại những kẻ đã đàn áp mình.

Ám ảnh lịch sử trong văn chương

Jean-Pierre Orban chia sẻ ông viết tác phẩm với mục đích trả nợ ân tình cho gia đình, cho nguồn cội, đặc biệt là đối với mẹ ông, là một cách để nhà văn tự giải phóng bản thân khỏi quá khứ.

Ám ảnh lịch sử trong tiểu thuyết của Jean-Pierre Orban thể hiện ở sự đứt gãy giữa hai thế hệ nối tiếp nhau do những biến động chính trị xã hội. Đó là chủ nghĩa phát xít Ý do Mussolini sáng lập ở Vera, hay là cuộc chiến tranh giành độc lập ở châu Phi trong Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo đã gây ra chia cách cho những cặp nhân vật cha - con, để rồi nhà văn đưa họ vào một cuộc hành trình tìm về với bản ngã, với nguồn cội, tìm hiểu thân thế và quá khứ của gia đình mình.

Bìa sách Vera, bản dịch của Nguyễn Duy Bình, do Sao Bắc Media và NXB Hội nhà văn ấn hành. Ảnh: Sách Khai Tâm.

Cả hai tác phẩm đều đề cập đến sức nặng của lịch sử trên đôi vai của giới trẻ - những người vốn không dính dáng gì đến quá khứ đó. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện trong văn học châu Âu mà còn ở nền văn học ở nhiều khu vực trên thế giới. Nhà văn khẳng định lịch sử đè nặng sẽ trở đi trở lại trong nhiều nền văn học trong một khoảng thời gian rất dài nữa.

Với tư cách là người phụ trách chuyên mục văn học nước ngoài cho một nhà xuất bản tại Pháp, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông mong muốn gặp gỡ các tác giả, các đơn vị xuất bản tại Việt Nam để tìm kiếm những bản thảo chất lượng và chia sẻ với độc giả Pháp thông qua các bản dịch Anh ngữ và Pháp ngữ.

Tạ Đình Đoàn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tu-cuoc-gap-go-an-ai-trong-3-ngay-den-hanh-trinh-tim-ve-qua-khu-post996267.html