Từ cửa hàng cá khô đến đế chế toàn cầu

Cuối năm 2014 xảy ra một tình huống mà nhiều công ty gia đình lo sợ. Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee, 72 tuổi, con trai của người sáng lập tập đoàn, bị đau tim, khiến cả gia đình phải vội vã giải quyết vấn đề chuyển giao lãnh đạo sớm hơn dự đoán.

Ông Lee Jae-yong (giữa), Phó chủ tịch Samsung Electronics, đến phiên thẩm vấn năm 2017 vì vụ bê bối khiến Tổng thống Park Geun-hye “ngã ngựa”. Ảnh: NYT

Ông Lee Jae-yong (giữa), Phó chủ tịch Samsung Electronics, đến phiên thẩm vấn năm 2017 vì vụ bê bối khiến Tổng thống Park Geun-hye “ngã ngựa”. Ảnh: NYT

Một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, một đế chế 400 tỷ USD không chỉ sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác mà cả đóng tàu, kinh doanh khách sạn và resort, xây dựng, quảng cáo và bảo hiểm nhân thọ, đột ngột phải đối diện với những câu hỏi rằng ai sẽ đảm trách nhiệm vụ dẫn dắt con tàu lớn tiến về phía trước. Ðây không phải việc chuyển giao lãnh đạo trong mô hình gia đình bình thường.

Gia đình Lee sẽ cần phải điều chỉnh sự chuyển giao lãnh đạo này một cách cẩn thận. Theo truyền thống của Hàn Quốc, người thừa kế không được chính thức tiếp quản công việc cho đến khi người đang ở vị trí đó qua đời. Vấn đề là ông Lee Kun-hee chưa chết, nhưng sức khỏe yếu khiến ông mất khả năng điều hành tập đoàn.

Một cách từ từ, gia đình ông Lee dần dần thay đổi để tăng trách nhiệm cho con trai duy nhất của ông Lee Kun-hee là Lee Jae-yong, người được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Samsung Electronics. Tuy nhiên, bất ngờ đó không là gì so với những sự cố xảy ra sau này.

Samsung được lập ra bởi ông Lee Byung-chul (bố của ông Lee Kun-hee). Ông Lee Byung-chul khởi nghiệp từ năm 1938 từ nghề xuất khẩu thực phẩm khô. Chuyện kể là ông Lee Byung-chul chỉ có số tiền tương đương 25USD trong túi khi bắt đầu kinh doanh từ một cửa hàng nhỏ chủ yếu bán cá khô và hoa quả. Ông đặt tên doanh nghiệp của mình là Samsung, nghĩa là “Ba ngôi sao”. 3 là số may mắn trong văn hóa của người Hàn Quốc, và “Ba ngôi sao” nghĩa là công ty sẽ vững mạnh và trường tồn.

Dù bằng sự may mắn hay bền bỉ, doanh nghiệp của ông Lee Byung-chul phất lên nhanh chóng. Ðến giữa những năm 1950, sau khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, công ty hợp tác với chính phủ Hàn Quốc để thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng sang các ngành điện tử, đóng tàu, hóa dầu, máy móc công nghiệp và xây dựng.

Ngày nay, Samsung là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Mô hình tập đoàn này được gọi với khái niệm chaebol, thuộc sở hữu của công ty mẹ là Cheil Industries.

Mãi đến gần đây, hơn 60% công ty con của Samsung vẫn được tổ chức theo cấu trúc sở hữu chéo phức tạp. Mô hình này khiến gia đình Lee giữ được quyền điều hành các công ty dù chỉ sở hữu lượng cổ phần nhỏ.

Tính tổng thể, đế chế này chiếm khoảng 15% GDP của Hàn Quốc. Theo số liệu của Bloomberg, tổng lượng vốn hóa thị trường của Samsung tính đến tháng 1 năm nay là 301,6 tỷ USD, đứng thứ 18 trong tất cả các tập đoàn trên thế giới.

Sóng gió gia đình

Ông Lee Byung-chul có 3 con trai trong tổng số 8 hoặc 9 người con. Năm 1966, ông buộc phải từ chức khi con trai thứ hai của ông là Lee Change-hee bị buộc tội buôn lậu 50 tấn chất ngọt nhân tạo saccharin vào Hàn Quốc. Theo truyền thống, con trai cả của ông là Lee Maeng-hee lên thay thế.

Nhưng Lee Maeng-hee lãnh đạo không được lâu vì không được lòng cấp dưới. Tập đoàn rơi vào khủng hoảng chỉ trong vòng 6 tháng. Không lâu sau đó, ông Lee Byung-chul trở lại vị trí.

Vài năm sau, con trai thứ hai của ông Lee Byung-chul giành quyền điều hành tập đoàn bằng cách “mách” với tổng thống Hàn Quốc về quỹ đen của bố. Ðến năm 1969, con trai cả và thứ hai của ông Lee đều bị loại khỏi hàng thừa kế, nên người con trai còn lại là Lee Kun-kee trở thành người tiếp quản duy nhất sau khi ông Lee Byung-chul qua đời năm 1987.

Lee Kun-hee bị đánh giá là một tay chơi, không được chuẩn bị để đảm nhận vị trí quan trọng này. Nhưng với bằng cử nhân kinh tế và thạc sĩ từ ÐH Georgie Washington, ông đã đưa Samsung trở thành một thương hiệu cao cấp.

Samsung nghĩa là “Ba ngôi sao”. 3 là số may mắn trong văn hóa của người Hàn Quốc, nên “Ba ngôi sao” nghĩa là công ty sẽ vững mạnh và trường tồn.

Ông Lee Kun-hee dẫn dắt Samsung phát triển hùng mạnh trong hơn 35 năm. Ðó là một lý do vì sao khi ông bị đau tim năm 2014 và sau đó mất khả năng làm việc ở độ tuổi 72 trở thành cú sốc lớn đối với gia đình Lee, khiến sau đó họ phải triển khai kế hoạch kế nhiệm sớm hơn nhiều so với dự kiến.

Thách thức ban đầu của gia đình là phải giữ được quyền kiểm soát và ổn định trong giai đoạn chuyển giao quyền lực sang thế hệ 3. Ông LeeKun-hee có 4 người con, gồm 3 con gái và con trai duy nhất Lee Jae-yong. Ngày nay, hai người con gái vẫn nắm giữ những vị trí cấp cao trong công ty. Cô Lee Boo-jun điều hành mảng khách sạn nghỉ dưỡng, còn cô Lee Seo-hyun phụ trách mảng thời trang và quảng cáo. Hai phụ nữ này là đồng chủ tịch của Cheil Industries. Còn cô con gái út tự tử năm 2005.

Lee Jae-yong là người được kế nhiệm vị trí chủ tịch, theo truyền thống của xã hội Hàn Quốc. Ông trở thành chủ tịch Samsung Electronics từ năm 2014, rồi hai năm sau gia nhập ban giám đốc. Dù truyền thống quy định Lee Jae-yong không được tiếp quản cho đến khi bố ông qua đời, nhưng ông đã là ông chủ thực tế của Tập đoàn Samsung.

Trong một cửa hàng trải nghiệm sản phẩm Samsung ở Mỹ. Ảnh: Startribune

Bão truyền thông

Sức khỏe của ông Lee Kun-hee xấu đi vào thời điểm áp lực dư luận lên các chaebol Hàn Quốc gia tăng. Các tập đoàn gia đình bị chỉ trích vì quá thân với chính phủ. Cũng vào lúc đó, chính phủ Hàn Quốc cấm sử dụng hình thức sở hữu cổ phần chéo và áp dụng chính sách ưu đãi thuế để các công ty tái cấu trúc nhằm nâng cao tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp trong các chaebol do gia đình điều hành. Tình hình càng căng thẳng hơn sau khi chính phủ của Tổng thống Park Geun Hye sụp đổ khi bà Park bị cáo buộc quá thân với một số chaebol, trong đó có Samsung. Ðầu năm 2018, bà Park bị kết án 24 năm tù vì tội tham nhũng và nhận hối lộ.

Ðầu năm 2017, gần 2 năm sau khi trở thành nhà lãnh đạo không chính thức của Samsung, ông Lee Jae-yong bị buộc tội hối lộ Tổng thống Park và các cố vấn để được phép sáp nhập 2 công ty con của Samsung nhằm bảo vệ quyền kiểm soát của gia đình Lee đối với đế chế và tránh khoản thuế thừa kế khổng lồ. Bê bối đó trở thành bão truyền thông ở Hàn Quốc, trái ngược với những gì Samsung và gia đình Lee mong muốn trong giai đoạn ông Lee Kun-hee mới bị đau tim vài tháng.

Trong sự kiện được báo chí Hàn Quốc gọi là “phiên tòa thế kỷ”, ông Lee Jae-yong bị buộc tội hối lộ, biển thủ và khai man, rồi bị kết án 5 năm tù. Nhưng sau khi thụ án gần 1 năm, ông được thả nhờ kháng cáo và được giảm án. Tòa án kết luận rằng Samsung bị cựu tổng thống ép phải góp tiền.

Samsung đang đặt mục tiêu cạnh tranh với các tập đoàn lớn như Google và Amazon trong lĩnh vực phần mềm, công nghệ trí tuệ nhân tạo và internet kết nối vạn vật. Tập đoàn cũng xác định ưu tiên là đổi mới sáng tạo, với các lĩnh vực ưu tiên là công nghệ xe hơi, trí tuệ nhân tạo và mạng 5G.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/tu-cua-hang-ca-kho-den-de-che-toan-cau-1733968.tpo