Từ con của người trồng dâu thành ứng viên kế nhiệm Thủ tướng Abe

Xuất thân từ gia đình nông dân, Chánh văn phòng Nội các Suga nay là 'cây đa cây đề' của chính trường Nhật Bản và được kỳ vọng trở thành thủ tướng tiếp theo sau ông Abe.

Giống như John Lennon, người đã viết nên bản hit Strawberry Fields Forever (Cánh đồng dâu tây còn mãi) của The Beatles năm 1967, nói về nơi ông thường lui tới thời thơ ấu, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng có những cánh đồng dâu tây trong kỉ niệm của mình - những cánh đồng có thực.

Trái ngược với Thủ tướng Shinzo Abe và Phó thủ tướng Taro Aso, hai người xuất thân từ những gia đình danh giá có quan hệ mật thiết với giới chính trị, ông Suga là con trai của một nông dân trồng dâu tây. Người phát ngôn chính của thủ tướng Nhật lớn lên ở tỉnh Akita phía đông bắc Nhật Bản, nơi tuyết có thể rơi dày đến nỗi việc đi ra ngoài đã là khó khăn.

"Bất kể mùa đông khắc nghiệt như thế nào, mùa xuân sẽ đến và tuyết sẽ tan", ông Suga nói, nhìn lại thời thơ ấu vất vả của mình. "Vùng quê ấy dạy tôi sự kiên trì trước khi tôi biết điều đó".

Đó là một hành trình dài từ vùng nông thôn đến trung tâm quyền lực ở Tokyo. Song ông Suga, cánh tay phải của Thủ tướng Abe, đã từng bước leo lên hàng ngũ chính trị gia lão làng của Nhật Bản, và nhiều người nghĩ rằng ông sẽ là người kế nhiệm khi nhiệm kỳ của ông Abe kết thúc vào năm 2021.

Được Mỹ đón tiếp trọng thị

Ông Suga kết thúc chuyến thăm Mỹ hôm 11/5, sau khi có các cuộc gặp với Phó tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Patrick Shanahan, đề cử của Tổng thống Donald Trump cho vị trí bộ trưởng quốc phòng.

Sự tiếp đãi trọng thị ấy được thúc đẩy bởi mối quan hệ thân thiết giữa ông Abe với ông Trump, cũng như bởi cách nhìn nhận rằng ông Suga là ứng viên tiềm năng cho ghế thủ tướng Nhật Bản. "Chúng ta sẽ gặp lại nhau", ông Suga nói với từng người trong số họ.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) bắt tay với ông Suga tại Nhà Trắng ngày 10/5. Ảnh: Kyodo.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) bắt tay với ông Suga tại Nhà Trắng ngày 10/5. Ảnh: Kyodo.

Tại New York, chánh văn phòng nội các Nhật Bản cũng tiếp xúc với giới kinh doanh, bao gồm các lãnh đạo của S & P Global Rankings và Bank of America. "Hãy theo dõi giá đất ở vùng ven các khu vực đô thị lớn tại Nhật", ông Suga nói. "Giá đất đang tăng lần đầu tiên sau 27 năm". Các lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra vô cùng quan tâm.

Chuyến đi của Suga gợi nhớ chuyến thăm Washington của ông Abe năm 2005 khi ông được chính quyền Bush chào đón. Trong khi chỉ là quyền tổng thư ký của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, ông Abe đã lần lượt tiếp xúc với Phó tổng thống Dick Cheney, Ngoại trưởng Condoleezza Rice và Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld. Ông cũng có cơ hội gặp Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông và chuyển đến Tokyo, ông không hề nghĩ sẽ theo đuổi chính trị. Ông theo học Đại học Hosei vì đó là lựa chọn ít tốn kém nhất và làm việc trong một nhà máy sản xuất bìa cứng nhỏ tại thành phố để kiếm tiền chi trả học phí.

Trong khi tin rằng ông sẽ phải trở lại Akita một ngày nào đó, ông bắt đầu quan tâm đến chính trị, dù vẫn còn mơ hồ, coi đó là lực lượng làm thay đổi thế giới. Song con trai của người nông dân không có những mối quan hệ để đặt chân vào cánh cửa đó. Bước đi đầu tiên của ông để vào chính trường là đến trung tâm việc làm của Hosei, nơi ông kết nối được với chủ tịch hội cựu sinh viên.

Giờ đây, ông Suga là chánh văn phòng nội các phục vụ lâu nhất của Nhật Bản, với hơn 2.300 ngày đảm nhiệm cương vị này. Ông bắt đầu mỗi buổi sáng bằng việc thức dậy lúc 5h, xem qua các tờ báo trong ngày và đi bộ 40 phút.

Điểm mạnh của ông nằm ở chỗ ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ông đã vươn lên vị trí hiện tại bằng cách đánh cược vào ông Abe trong cuộc bầu cử lãnh đạo LDP năm 2012, đảng khi đó thuộc phe đối lập.

Vào thời điểm đó, không ai tưởng tượng được rằng ông Abe có thể gượng dậy sau nhiệm kỳ thủ tướng đầy sóng gió bắt đầu vào năm 2007. Nhiều ứng viên nặng ký trong đảng đang nhìn đi những nơi khác, nhưng ông Suga đã nắm được kết quả phiếu bầu trước cuộc bỏ phiếu giúp ông thêm chắc chắn về cơ hội chiến thắng của ông Abe.

Chính lúc đó, ông Suga đã thuyết phục ông Abe nhảy vào cuộc đua lãnh đạo.

"Suga luôn là một chiến lược gia, kể từ khi còn nhỏ", Hachiro Okonogi, nghị sĩ của LDP có quan hệ với ông Suga, nói. "Giống như trong shogi, anh ấy di chuyển từng bước một và trước khi bạn nhận ra thì anh ấy đã ở vị trí chiếu tướng rồi" (shogi là tên gọi cờ tướng tại Nhật).

Người quan trọng nhất

Chánh văn phòng là người quan trọng nhất với hoạt động của nội các Nhật Bản, điều phối chính sách giữa các bộ và chủ trì hai cuộc họp báo mỗi ngày, bên cạnh việc xử lý các tình huống khẩn cấp, liên lạc với đảng cầm quyền...

Người nắm giữ chức vụ này thường rơi vào một trong hai kiểu. Kiểu thứ nhất là trợ lý kiêm cố vấn chính, vừa phục vụ thủ tướng vừa rèn giũa kỹ năng chính trị của mình. Kiểu này bao gồm Noboru Takeshita vào những năm 1970 và Keizo Obuchi vào những năm 1980, cả hai sau này đều trở thành thủ tướng.

Kiểu thứ hai là người quản lý sắc sảo, mà đại diện là Hiromu Nonaka, người có biệt danh là "thủ tướng trong bóng tối" vì sự khéo léo của ông trong việc điều hành quốc hội và chính trị.

Ông Suga (phải) và Thủ tướng Abe trong một cuộc họp tại hạ viện. Ảnh: Reuters.

Ông Suga hội tụ các yếu tố của cả hai kiểu chánh văn phòng nội các. Ông đến văn phòng của Thủ tướng Abe nhiều lần trong ngày để trao đổi ý kiến và hỗ trợ công việc, và ông vạch ra chi tiết cho Abenomics, chính sách kinh tế của biểu tượng của vị thủ tướng.

Chánh văn phòng nội các cũng chịu trách nhiệm mở rộng cánh cửa nước Nhật cho lao động nước ngoài với chính sách nhập cư mới có hiệu lực từ tháng 4, cũng như nới lỏng các hạn chế về thị thực giúp gia tăng lượng khách quốc tế đến Nhật Bản. Đất nước đã đón 31,2 triệu du khách vào năm ngoái, tăng từ mức chỉ 8,4 triệu vào năm 2012.

Mùa hè năm ngoái, ông Suga đã kêu gọi các nhà mạng không dây giảm giá 40%, chống lại sự thiếu cạnh tranh trong lĩnh vực này. Ngay cả sau khi tuyên bố bất ngờ của ông gặp phải cơn bão chỉ trích từ những người trong ngành, ông vẫn tiếp tục thúc đẩy việc giảm giá.

Về mặt chính trị, ông Suga đã sử dụng quan hệ của mình trong LDP, đảng đối tác liên minh Komeito và đảng đối lập bảo thủ Nippon Ishin no Kai để duy trì cơ sở quyền lực của chính quyền Abe. Ông tìm kiếm sự hỗ trợ đa đảng cho các dự luật được cho là sẽ không làm công chúng hài lòng, giảm thiểu thiệt hại cho nội các.

Trong cuộc bầu cử thống đốc ở Hokkaido hồi tháng 4, ứng viên được LDP ủng hộ đã giành chiến thắng với sự hỗ trợ đằng sau cánh gà của ông Suga, tạo điều kiện cho đảng của ông Abe thiết lập bàn đạp ở một khu vực mà họ tương đối yếu. Vai trò của Suga là điều bất thường, vì chiến lược bầu cử thường là công việc của các quan chức hàng đầu trong đảng.

Ngựa ô

Bất chấp tất cả, vị chánh văn phòng nội các từ lâu đã được coi là ngựa ô trong cuộc đua tìm người kế nhiệm ông Abe vì sự tận tâm với vai trò ở hậu trường. Ông Suga từng cho biết cuốn sách yêu thích của ông là một cuốn tiểu thuyết về Toyotomi Hidenaga, em trai đồng thời là quân sư của Toyotomi Hideyoshi, lãnh chúa đã thống nhất Nhật Bản vào thế kỷ 16 và chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc.

Các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp khen ngợi ông Suga, nhưng ông không được công chúng yêu thích một cách rộng rãi. Tuy vậy gần đây, những tấm hình ông cầm bức thư pháp thông báo tên niên hiệu mới "Reiwa" (Lệnh Hòa) gây chú ý trên mạng xã hội. Ông được đặt biệt danh là "Chú Reiwa" - giống như Obuchi, người đã làm điều tương tự cho thời kỳ Heisei (Bình Thành) trước đó - thậm chí còn được một số người khen là "dễ thương".

Một số người trong LDP cảm nhận được sự thay đổi ở người đàn ông dường như từng bằng lòng với vai trò ở hậu trường.

Ông Suga công bố niên hiệu mới của Nhật Bản, "Reiwa" (Lệnh Hòa), hôm 1/4. Ảnh: Reuters.

Ông Suga đã làm gia tăng những đồn đoán như vậy với chuyến thăm Mỹ. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông Suga trong ba năm rưỡi. Chánh văn phòng nội các hiếm khi đi nước ngoài, do vai trò của họ trong việc xử lý khủng hoảng. Đó là sự lấn sân hiếm hoi vào lĩnh vực ngoại giao, thường là sân cỏ độc quyền của Abe.

Mặc dù bây giờ mọi ánh mắt đều đổ dồn về Suga, không ai biết ông sẽ làm thủ tướng như thế nào. Khi được các phóng viên hỏi về kỳ vọng của mình trong thời đại Reiwa, ông Suga nói: "Thu hút người nước ngoài, xuất khẩu nông sản và hỗ trợ vùng nông thôn bằng thuế quê hương".

Và với các chính sách trụ cột của Abenomics, như nới lỏng tiền tệ, tiếp cận những gì mà một số người tin là giới hạn của họ, sẽ không đơn giản để đưa ra các chính sách mới giúp nền kinh tế tiếp tục vận hành tốt.

Bước tiếp theo cho con trai của người nông dân trồng dâu tây sẽ là gì? Ở tuổi 70, ông Suga đã quá tuổi nghỉ hưu bắt buộc của hầu hết công ty Nhật Bản, nhưng sự nghiệp chính trị của ông có thể vẫn còn một số cách để tiếp tục.

Tuy nhiên, ông cũng thực sự có những kế hoạch khác ngoài chính trị. "Tôi muốn dành ba tháng hoặc lâu hơn tại một trường ngôn ngữ ở Cebu, Philippines", ông nói. "Một khi tôi có thể nói một chút tiếng Anh, tôi muốn dành một hoặc hai năm đi khắp thế giới".

Vào sáng 11/5, một ngày sau cuộc gặp với Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, ông Suga đi dạo trong Công viên Trung tâm ở New York. Ông đi qua một khu vực của công viên có tên là Cánh đồng Dâu tây, để tưởng nhớ John Lennon, người bị bắn chết tại thành phố vào năm 1980.

Không ai rõ ông Suga khi đó nghĩ gì. Có lẽ ông nghĩ về những điều có thể xảy ra trong tương lai. Trước mặt ông, trên mặt đất, khắc tên bài hát nổi tiếng nhất của Lennon: Imagine (Tưởng tượng).

Đông Phong
Theo Nikkei Asian Review

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tu-con-cua-nguoi-trong-dau-thanh-ung-vien-ke-nhiem-thu-tuong-abe-post945615.html