Từ cội nguồn đến khát vọng tương lai...

Đọc lại những vần thơ viết về Đền Hùng, về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) hàng năm, ta như được tắm mình trong mạch nguồn truyền thống dân tộc và lòng luôn hướng về những dự cảm tương lai.

Truyền thuyết về 18 vị vua Hùng dạy các thế hệ cháu con về lòng yêu nước, thương nòi. Minh họa: Internet

Truyền thuyết về 18 vị vua Hùng dạy các thế hệ cháu con về lòng yêu nước, thương nòi. Minh họa: Internet

Từ bậc thềm của Đền Hùng trước khi về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn Đại đoàn quân Tiên Phong: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng” chương “Đất nước” đã viết: “Hàng năm đi đâu, làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”. Nhà thơ Nguyễn Cảnh Tuấn trong bài thơ “Gặp ở Đền Hùng” đã viết: “Lên đền Thượng bồi hồi/ Thấm thía lời Bác dạy/ Cha anh từng chiến trận/ Núi sông dồn hai vai”.

Đất nước Việt Nam ta có một bề dày lịch sử chiến trận với bao cuộc chống ngoại xâm nên khi bắt gặp cột đá thề ở Đền Hùng, điệu thơ 5 chữ của Nguyễn Cảnh Tuấn như nén lại đanh một lời thề: “Đá thề nhắn người sau/ Gươm bao đời tuốt vỏ/ Dấu binh đao khói lửa/ Trong sắc màu đá tươi”.

Cùng với mạch cảm hứng ấy, nhà thơ Nguyễn Văn Toại lại có một cách nói khác. Ông soi mình trong “Giếng nước Đền Hùng”, cũng chính là soi mình trong mạch nguồn trong trẻo của cảm thức dân tộc với biết bao ân tình: “Chúng con đi đánh giặc suốt Trường Sơn/ Về giếng Đền, soi xuống dòng nước mát/ Ai cũng thấy mình là người đẹp nhất/ Lòng giếng sâu khao khát những cuộc đời”. Ở đây ta thấy huyền thoại của lịch sử luôn đồng hành với thực tại của đất nước.

Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng. Ảnh: Internet

Hành hương trở về với Đền Hùng, trở về với lịch sử, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh có một tứ thơ khá ân tình “Đêm nay mình ngủ cuối Phong Châu”. Ông là một người lính, một nhà thơ quân đội vừa qua bao trận mạc trở về với đất Phong Châu, với núi Nghĩa Lĩnh, với ngàn xanh tán cọ trung du, xin được yên tĩnh phút giây này, mong được: “Nhưng thôi đêm nay cho mình được ngủ/ Cuối Phong Châu sau cuộc chiến tranh này/ Mai biên giới phía nào gọi tên mình đến giữ/ Cũng xin đừng lay động giấc đêm nay”.

Vâng, giấc ngủ hiếm hoi của người lính trong hơi thở trầm lắng của đất đai linh thiêng sinh khí bao bọc trong hào khí lịch sử nhuốm bao truyền thuyết. Nữ thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ trong bài “Trống đồng” đã viết: “Qua bao nước mắt mồ hôi/ Vẫn vang một tiếng bồi hồi ruột gan/ Tấm lòng dân tộc Việt Nam/ Thủy chung tiếng trống dịu dàng ngàn năm”.

Nói tiếng trống cũng chính là chạm đến cõi lòng thổn thức linh thiêng và bất diệt. Giọng thơ đầy chất nữ tính của chị như một hồi âm, như một khúc vọng da diết. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách lại có một tứ thơ lạ “Người mẹ Cà Mau thăm mộ Tổ”. Cà Mau - nơi mũi đất tận cùng phía Nam đất nước và hình ảnh người mẹ già thân thương lặn lội đường trường về thăm mộ Tổ Đền Hùng cảm động biết bao: “Chân còn lấm phù sa/ Mũi Cà Mau sóng nước/ Qua nghìn dặm đường dài/ Mẹ về nơi mong ước”. Mẹ về thăm mộ Tổ chính là về với cội nguồn.

Hành hương về với Đền Hùng là về với những địa danh, địa chỉ tin cậy và ấm áp. Đó là một xóm núi Thậm Thình với sự tích vua tôi cùng cày ruộng, giã gạo trong thơ Nguyễn Hữu Quý: “Thậm Thình vọng tiếng chày đêm/ Lúa Giao Chỉ đã chín lên hai mùa”. Và đặc biệt là bài thơ “Qua Thậm Thình” của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi.

Đền Hùng nơi hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt. Ảnh: Internet

Theo tôi, đây là một trong những bài thơ lục bát hay của thể thơ lục bát, một trong những bài thơ hay nhất viết về Đền Hùng đã được tuyển chọn vào sách giáo khoa. Bài thơ viết theo giọng kể, nhưng rất sống động, tươi mới: “Vua Hùng một sáng đi săn/ Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này/ Dân dâng một quả xôi đầy/ Bánh chưng mấy cặp, bánh dày mấy đôi”.

Một sức sống dân dã, quấn quýt tràn đầy biết bao khi những cặp lục bát tương ứng nhịp nhàng mở ra đồng điệu và cộng hưởng với: “Trăm cô gái tựa tiên sa/ Múa chày đôi với chày ba rập rình/ Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình/ Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non”. Trong âm vang của tiếng chày giã gạo, ta như được sống lại, được vun đầy bao vẻ đẹp của nền văn minh lúa nước.

Đây cũng chính là một mạch nguồn tiềm tàng của cộng đồng dân tộc mà truyền thuyết bánh chưng, bánh dày, trời tròn - đất vuông chính là một ẩn số của vũ trụ thắm đượm bao hồn thiêng của đất Việt thân yêu. Đền Hùng là cột mốc tâm linh biểu trưng cho vẻ đẹp ngàn đời bất diệt ấy.

Nguyễn Ngọc Phú

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoc/tu-coi-nguon-den-khat-vong-tuong-lai/189749.htm