Từ cô thợ may trở thành tiến sĩ, giáo sư và sáng lập học viện 20.000 sinh viên

Câu chuyện của cô sinh viên đại học Dương Văn – một nữ công nhân ngành dệt đã phấn đấu để được đi du học Anh Quốc, trở thành giảng viên của một trường Đại học, rồi thạc sĩ, giáo sư, cuối cùng là chủ tịch hội đồng quản trị của một trong những học viện nối tiếng Trung Quốc.

“Mẹ luôn đồng hành cùng con” để con lên tiến sĩ, mẹ cũng thành giáo sư

“Trong một thung lũng nọ, một đêm tối đen như mực, mưa gió sấm chớp đầy trời, một cô gái 17 tuổi vai đeo ba lô, một mình đi qua nghĩa địa để tham gia lớp học bổ túc trên huyện chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Cô gái ra sức bấm móng tay vào cổ tay mình, để cảm giác đau đớn xóa đi nỗi sợ hãi trong lòng.

Đó chính là tôi – cô thợ may ngoài giờ làm việc, vì ước mơ trở thành sinh viên đại học mà miệt mài phấn đấu,...”

Đoạn mô tả đầy sinh động trên chính là xuất phát điểm của cô sinh viên đại học Dương Văn – một nữ công nhân ngành dệt. Cô gái trẻ tiếp tục phấn đấu để được đi du học Anh Quốc, trở thành giảng viên của một trường Đại học, rồi thạc sĩ, giáo sư, cuối cùng là chủ tịch hội đồng quản trị của một trong những học viện nối tiếng Trung Quốc.

Nhìn vào những dấu mốc sơ lược trong sự nghiệp này của Dương Văn ai cũng sẽ trầm trồ ngưỡng mộ. Có thể không ít người nghĩ Dương Văn là người may mắn hoặc sinh ra trong gia đình có điều kiện tốt.

Tuy nhiên, để trở thành người phụ nữ thành công trong công việc và vẹn toàn vai trò nuôi dạy con, tác giả cuốn sách “Mẹ luôn đồng hành cùng con” đã nỗ lực không ngừng suốt hơn một phần ba cuộc đời.

Đặc biệt hơn cả, cậu con trai chào đời năm Dương Văn 24 tuổi trở thành người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời bà và chính tình yêu thương dành cho con đã làm thay đổi cuộc đời bà.

Vốn học ngành sư phạm tiếng Anh và được học về giáo dục học, tâm lý học, Dương Văn có niềm đam mê bất tận, sự hiếu kỳ tuyệt đối đối với tiếng Anh. Vì vậy, bất cứ khi nào có cơ hội, bà luôn cố gắng tìm ra phương pháp dạy tiếng Anh tốt nhất cho trẻ.

Thông qua việc dạy con trai học tiếng Anh bằng những hình ảnh trực quan sinh động: đồng hồ làm từ giấy, hộp diêm làm ô tô, xây nhà, bà Dương Văn phát hiện không chỉ con trai Hạ Dương mà nhiều đứa trẻ khác đều rất hứng thú với phương pháp dạy này. Từ đây, bà quyết tâm nghiên cứu “Phương pháp học tiếng Anh hiệu quả cho trẻ em Trung Quốc”.

Hành trình này bắt đầu với cuốn giáo trình in màu đầu tiên, cuộn băng đầu tiên và thù lao dạy học là hai tệ một buổi với khoảng cách 40 phút đi xe đạp từ nhà đến nơi dạy.

Miệt mài bước những bước đầu tiên trong quá trình tìm tòi phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ em, một ngày khi con trai Hạ Dương 6 tuổi, Dương Văn có cơ hội sang Anh học tập. Mấy năm nghiên cứu, khi về nước bà không mang quà gì cho con ngoài tám thùng sách tiếng Anh cho trẻ.

Bà Dương Văn

Hoàn thành khóa học ở Anh với thành tích xuất sắc, Dương Văn trở thành Hội viên Trung Quốc đầu tiên của Hiệp hội Giáo viên quốc tế giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em.

Bộ sách tiếng Anh do bà biên soạn được phát hành hàng triệu bản, được hàng trăm trường mầm non trên toàn quốc đưa vào sử dụng. Cuốn sách Phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em của bà trở thành công trình nghiên cứu đầu tiên về phương pháp giảng dạy tiếng tiếng Anh cho thiếu nhi ở Trung Quốc.

Chuyên ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh do bà sáng lập trở thành chuyên ngành nổi bật trong hơn 60 chuyên ngành của Học viện Anh Tài (tỉnh Sơn Đông). Từ đây, cùng với việc nuôi dạy con trai, Dương Văn tiến lên trong sự nghiệp nghiên cứu giáo dục của mình.

Giáo dục gia đình, giáo dục tố chất bồi dưỡng nên một tiến sĩ Cambridge toàn diện

Một điều trong quá trình nuôi dạy con không phải cha mẹ nào cũng nhận thức được, hoặc dù biết nhưng không tìm ra phương pháp tốt, đó là vai trò quan trọng của giáo dục gia đình và sự ảnh hưởng to lớn của cha mẹ đối với quá trình trưởng thành của con trẻ.

Nhận thức sâu sắc điều này, trong muôn vàn phương pháp nuôi dạy con, Dương Văn đã chọn một phương pháp mình tâm đắc nhất: “thái độ sống của một người mẹ quyết định đến tương lai con trẻ”.

Vì vậy, trong cuộc sống gia đình, trong công việc bà không ngừng cố gắng học hỏi những cái mới, tìm tòi hướng đi mới để con trai noi gương, rèn luyện tinh thần trước khó khăn không bỏ cuộc và luôn kiên trì trong học tập.

Quả thực như vậy, xuyên suốt cuốn sách này, quá trình trưởng thành của con chưa từng thiếu vắng sự đồng hành, nỗ lực của người mẹ; mục tiêu sự nghiệp giáo dục của mẹ trước tiên là thông qua quá trình học tập, nghiên cứu không ngừng để đưa ra thuyết khoa học về giáo dục trong gia đình để nuôi dạy con trai. Và “dùng sự kiên trì của một người làm giáo dục, từ yêu một người đến yêu vạn người, để thực hiện ước mơ trồng người của mình”

Cùng với đó, phương pháp giáo dục tố chất, để con phát triển tự nhiên trong từng giai đoạn của bà đã gặt hái nhiều “trái ngọt”. Khi con cần một bức tường để vẽ bà không sợ một ngôi nhà không gọn gàng, sạch sẽ mà tạo điều kiện để con phát huy trí tưởng tượng.

Khi con thích lắp đồ chơi, cái radio bị con làm hỏng bà cũng không phê bình, mà cho rằng, không nên vì một cái đài radio mà phá vỡ niềm say mê tích cực đối với hoạt động khám phá thế giới của con.

Bà cũng bồi dưỡng khả năng tư duy của con qua các trò chơi hình học. Bà dạy con phân biệt các hình thù từ khi con 1 tuổi, như khi ra phố thường hỏi: “Đố con tòa nhà này hình gì? Cánh cửa kia hình gì?”.

Đọc cuốn sách, có thể nhiều người thấy tác giả đã quá nuông chiều con, tuy nhiên, Dương Văn đang dùng tình yêu thương dịu dàng để mài rũa “viên ngọc”. Trong suốt hành trình nuôi dạy con, bà chưa từng nổi giận hay phê phán, chê bai con.

Thay vào đó luôn khen và cổ vũ con, thậm chí bà còn chép bài tập hộ con. Khi con lên 8 tuổi, bà đã cho con tiếp xúc với máy tính, đăng ký cho con một lớp tin học theo lời đề nghị của con.Và câu trả lời của bà và chồng cho phương pháp dạy con luôn là “không quản”, “không học”.

Khi đọc Mẹ luôn đồng hành cùng con, các cha mẹ sẽ thấy được rằng, con có thể vừa “trưởng thành trong niềm vui”, đồng thời vừa đạt “thành tích học tập xuất sắc”. Năm 2003, cậu con trai của tác giả Dương Văn cùng lúc được 6 trường đại học ở Anh gọi nhập học, cậu đã lựa chọn Trinity College có tiếng tăm nhất Đại học Cambridge.

Hè năm 2006, cậu một tay cầm giấy nhập học tiến sĩ của phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới tại đại học này, một tay cầm giấy thông báo tuyển dụng của ngân hàng quốc gia nổi tiếng quốc tế với mức lương hậu hĩnh.

Cuốn sách với những ghi chép xuất phát từ thực tiễn nuôi dạy con của một người mẹ, những phương pháp giáo dục khoa học được gắn vào những câu chuyện trí tuệ sẽ vô cùng hấp dẫn chứ không lý luận, giáo điều.

Đặc biệt, với cuốn sách này các bậc phụ huynh sẽ biết cần làm gì để đồng hành cùng con.

Thục Linh

Nguồn Gia Đình Mới: https://giadinhmoi.vn/tu-co-tho-may-tro-thanh-tien-si-giao-su-va-sang-lap-hoc-vien-20000-sinh-vien-d9036.html