Từ chuyện 'sức nước ngàn năm' đến kỷ nguyên vươn mình của hàng hóa Việt - Bài 1
Năm 2009, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) được triển khai theo thông báo Kết luận số 264 của Bộ Chính trị trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta.
Mục tiêu của Cuộc vận động nhằm phát huy lòng yêu nước, tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để xây dựng văn hóa người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh tế và đưa hàng hóa nước ta xuất khẩu ra nước ngoài. Có thể nói, ý Đảng đã gặp lòng Dân nên Cuộc vận động được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực; tạo một hiệu ứng sâu rộng, lâu bền cho đến nay.
Những thành quả từ ý Đảng, lòng Dân
Những ngày tháng 11 nắng vàng ươm như rót mật, khi nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tăng cao để phục vụ cho dịp Lễ, Tết cuối năm, Hà Nội lại rực rỡ cờ hoa chào mừng hàng loạt ngày hội lớn của hàng Việt – Tuần Nhận diện hàng Việt Nam; Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday và Tháng Khuyến mãi tiêu dùng quốc gia. Có những sự kiện đã triển khai hàng chục năm, có những sự kiện ít hơn, nhưng tựu chung lại, đều là những chương trình tôn vinh hàng Việt – những mặt hàng là niềm tự hào của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam, kéo dài những thành tựu mà Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động) đạt được.
Trong ánh nắng ấm áp của một ngày Hà Nội vào thu, tiếp tôi trong căn phòng nhỏ quen thuộc, ông Lê Bá Trình – nguyên thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, nguyên Trưởng Ban thường trực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” – người đã đặt những nền móng đầu tiêu cho Cuộc vận động 15 năm về trước – vẫn nhớ như in bối cảnh đặc biệt giúp Cuộc vận động được triển khai.
Từng khoảnh khắc ý nghĩa của Cuộc vận động dài hơi như một cuốn phim tua chậm rõ ràng, rành mạch. Ông kể, năm 2009 là năm thứ ba Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là bước ngoặt lớn trên hành trình đổi mới và hội nhập. Song những thách thức đặt ra không nhỏ, khi phải thực hiện cam kết giảm thuế trong bối cảnh sản xuất trong nước mới chiếm 30 - 50% nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa tiêu dùng. Đồng thời, tâm lý sính hàng ngoại và thích sử dụng hàng trôi nổi giá rẻ của người tiêu dùng còn khá phổ biến.
Trong khoảng những năm 2008 – 2010, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam bị tác động mạnh mẽ và hàng hóa sản xuất của doanh nghiệp bị đình trệ rất nhiều. Hàng năm, đất nước phải nhập khẩu nhiều chục tỷ USD hàng tiêu dùng, nguyên, nhiên, vật liệu, gây căng thẳng cho cán cân thanh toán, sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khi một phần đáng kể lượng hàng nhập khẩu này, trong nước có thể tự sản xuất thay thế được, doanh nghiệp trong nước vẫn khó tiêu thụ nội địa, xuất khẩu lại càng khó khăn hơn, doanh nghiệp lúng túng với việc phải sản xuất như thế nào? Tiêu thụ ra làm sao? Cách nào để vươn ra thị trường thế giới?
Cùng lúc đó, người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với việc mua sắm và sử dụng hàng Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là hàng Trung Quốc chiếm lĩnh hầu khắp thị trường. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã kịp thời nhìn nhận lại vai trò của thị trường trong nước.
Ngày 07/5/2009, Ban Tuyên giáo Trung ương có Tờ trình số 115-TTr/BTGTW về Đề án tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tại phiên họp ngày 15/6/2009, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo với Bộ Chính trị về Đề án này. Ngày 31/7/2009, Ban Bí thư ra Văn bản số 264-TB/TW Thông báo “Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Từ Thông báo kết luận được đánh giá là vô cùng quan trọng thời kỳ đó, Ban Bí thư Trung ương ra Quyết định số 225 ngày 4/9/2009, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với 23 thành viên do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm trưởng ban, lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên, trong đó Bộ Công Thương là Phó trưởng Ban thường trực.
“Từ một chủ trương của Bộ Chính trị, được “tiếp lửa” bằng một quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, quá trình triển khai Cuộc vận động được đánh giá là rất bài bản khi có sự chỉ đạo xuyên suốt, tạo điều kiện cho các kế hoạch được triển khai cụ thể, từ thông tin tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng…”- ông Lê Bá Trình nhận định.
Đến năm 2014, sau Hội nghị tổng kết 5 năm Cuộc vận động, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Kết luận số 107 ngày 10/4/2015 về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động. Trong kết luận này, bên cạnh đánh giá những mặt được và chưa được, Ban Bí thư đã yêu cầu các thành ủy, tỉnh ủy, các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương xây dựng, rà soát, bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện Cuộc vận động; giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy có biện pháp triển khai Cuộc vận động trong giai đoạn Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. “Cứ bộ, ngành, địa phương nào ra được chương trình hành động sớm, đồng thời có một đồng chí trong cấp ủy tham gia Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thì chắc chắn Cuộc vận động ở nơi đó thành công” – ông Lê Bá Trình khẳng định.
Từ những “viên gạch” đầu tiên đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục triển khai Cuộc vận động một cách sâu rộng. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Mục tiêu của Cuộc vận động là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khẳng định vai trò, năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh các giải pháp kích cầu để góp phần định hướng, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra trên diện rộng cũng như tạo thế và lực cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
“Cuộc vận động được triển khai phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, ý Đảng đã gặp lòng Dân nên được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Trong đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng, sự phối hợp từ các ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở tạo nên một hiệu ứng sâu rộng, lâu bền cho đến nay” – bà Tô Thị Bích Châu khẳng định.
Từ định hướng chiến lược và những nỗ lực bền bỉ vun đắp nguồn lực...
Bồi hồi và xúc động khi nhớ về hành trình 15 năm với vô vàn khó khăn thử thách của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", bà Lê Việt Nga – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương – một trong những thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Bộ Công Thương ngay trong những năm đầu triển khai Cuộc vận động bồi hồi nhớ lại, tháng 7/2009, Bộ Chính trị chính thức ra thông báo Kết luận triển khai Cuộc vận động và Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên được ký Chương trình hành động để triển khai Cuộc vận động.
Kể từ đó, vào đầu mỗi năm, Bộ Công Thương đều ban hành rất sớm Kế hoạch triển khai Cuộc vận động chi tiết, cụ thể theo từng năm. Kế hoạch được ban hành đến các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ với nhiều nội dung chi tiết, cụ thể và Cuộc vận động được lồng ghép trong hầu khắp các hoạt động của Bộ Công Thương như kết nối cung cầu; xúc tiến thương mại; khuyến công hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, năng lực sản phẩm; xây dựng điểm bán hàng Việt cố định, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam…
Từ những định hướng mang tầm chiến lược, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ: “Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, 15 năm qua, Bộ Công Thương đã luôn bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động để chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trên các mặt công tác. Trong đó mục tiêu hàng đầu là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất hàng Việt”.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã tăng cường thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, Cuộc vận động nói riêng; nghiên cứu, tham mưu bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt.
Song song với đó, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường; chú trọng phát triển, thương mại điện tử, hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Thêm nữa, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động thông qua việc tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp Việt tiêu biểu và bình chọn sản phẩm Việt có uy tín, chất lượng.
Đặc biệt, Bộ Công Thương tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo dựng, củng cố niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân về tinh thần phục vụ và năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương; đồng thời, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm và khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành các chiến lược, đề án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia vào chuỗi sản xuất, phân phối trong nước và nước ngoài, như: Chiến lược Phát triển thương mại trong nước, Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản...
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như năng lượng, chế biến, chế tạo, hóa chất, vật liệu mới nhằm xây dựng nền công nghiệp tự chủ, hiện đại hỗ trợ những tập đoàn kinh tế đủ mạnh đóng vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.
Với những tâm huyết đó, cùng sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước và Bộ Chính trị, Cuộc vận động đã được bền bỉ thực hiện suốt 15 năm qua, huy động được sự vào cuộc của người Việt Nam ở hầu khắp các ngành hàng, xây dựng “hệ sinh thái” Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
... Đến hành trình lan tỏa của hàng Việt
Từ bối cảnh hết sức khó khăn, 15 năm qua, Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ 2009 đến nay liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay. Tỷ lệ nhập siêu giảm, tiến tới xuất siêu liên tục từ năm 2016. Cả nước từng bước hình thành những tập đoàn kinh tế đủ mạnh, dẫn dắt các ngành công nghiệp.
Thị trường nội địa tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Hàng Việt Nam, nhất là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng - những mặt hàng có thế mạnh - đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại. Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%),...
Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MM MegaMarket, LotteMart… cũng có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng nơi mở cơ sở kinh doanh bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương,…) và giữ tỷ lệ hàng Việt cao trong kênh phân phối của mình.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, thị trường nội địa Việt Nam có 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng. Hiện nay, thu nhập bình quân của người Việt Nam vào khoảng 4000 USD và 5 đến 10 năm tới có khả năng đạt 5.000 – 8.000 USD/người/năm. Thu nhập được cải thiện khiến nhu cầu của người dân ngày càng tăng lên, không chỉ với hàng hóa thiết yếu mà cả với những nhóm ngành hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến như dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử… Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiến lên chiếm lĩnh thị trường.
“Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kết nối cung cầu… Các hoạt động kết nối trên cả nền tảng trực tiếp và trực tuyến đã giúp doanh nghiệp tiếp cận cả những phương thức mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử để bắt kịp xu hướng tiêu dùng của người dân” – Chuyên gia Vũ Vinh Phú chỉ rõ.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương – người đã nhiều năm gắn bó với hoạt động đưa hàng Việt ra nước ngoài bồi hồi nhớ lại: Tôi còn nhớ vào những năm 2006 – 2007, khi dạo quanh thị trường, hàng Việt Nam mang thương hiệu Việt ở những siêu thị và ở chợ là rất hiếm. Buồn hơn nữa là khi đi ra nước ngoài chúng tôi hiếm khi tìm thấy hàng hóa Made in Vietnam, chứ chưa nói đến hàng hóa mang thương hiệu Việt.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long:
Trong 15 năm qua, ngành Công Thương đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản Cuộc vận động và đạt được những kết quả tích cực, nổi bật. Nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét; trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% doanh nghiệp biết đến Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này.
Bên cạnh đó, hàng Việt Nam đã duy trì và tăng tỷ trọng tại hệ thống phân phối trong nước (hàng Việt Nam hiện chiếm trên 80% hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại); doanh thu bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.
Phương Lan - Nguyễn Hạnh
Đồ họa: Ngọc Lan
Ảnh: Cấn Dũng, VGP, TTXVN, doanh nghiệp cung cấp
Bài 2: ‘Gốc có vững, cây mới bền; xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân’
Phương Lan - Nguyễn Hạnh