Từ chuyện ôtô tiêu thụ 50 lít xăng cho 100km

Cơn mưa chiều 16-11 ở Hà Nội khiến nhiều người chật vật di chuyển trên các tuyến phố. Dù chuyện tắc đường vào giờ tan tầm đã trở thành chuyện thường ngày, nhất là mỗi khi trời mưa thì các các tuyến đường xuyên tâm hoặc hướng ra ngoại ô như Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Lê Văn Lương… không chỉ tắc cục bộ mà kéo dài hơn ngày thường rất nhiều.

Do mất nhiều giờ mà chỉ di chuyển vài kilomet nên thông báo mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình trên ôtô tăng đến mức đột biến. Anh Trần Minh, một thành viên trong nhóm những người sử dụng xe Hyundai Tucson, than thở với các thành viên trong nhóm rằng: "Cảm giác ngồi 3 giờ trong xe để đi hơn 14km, ôi đường Hà Nội trời mưa", đồng thời "khoe" đồng hồ trong xe đã báo mức xăng trung bình hiển thị lên mức 35 lít/100 km.

Trong khi đó chị Đỗ Thu Hằng làm việc tại Cầu Giấy, Hà Nội, xem trên đồng hồ của xe thì thấy báo mức nhiên liệu trung bình là 42,3 lít cho 100km, sau khi mất 35 phút mà chỉ đi được 1,6 km. Tiếp tục "chôn chân", đồng hồ nhảy lên mức 50,5 lít cho 100 km vì xe nổ máy nhưng gần như không thể di chuyển.

Tuy nhiên từ câu chuyện hễ mưa là mọi ngả đường Hà Nội đều tắc cứng tới mức đi một cây số phải mất cả tiếng đồng hồ, một vấn đề luôn thời sự lại được đặt ra là Hà Nội sẽ làm gì để giảm tắc đường.

Trong khi các nhà quản lý giao thông, đô thị của Hà Nội đưa ra nhiều lý do khiến cho tình trạng tắc đường ngày càng trần trọng như phương tiện cá nhân tăng gấp nhiều lần diện tích dành cho giao thông do phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu người dân thì có một lý do chính nhưng lại rất ít nhà quản lý nói tới, đó là việc cho phép "cắm" quá nhiều chung cư trên các tuyến đường xuyên tâm, đường vành đai.

Từ hơn 10 năm trước, Hà Nội đã có chủ trương di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi khu vực nội đô để tránh ô nhiễm môi trường. Thực tế đã có nhiề nhà máy được di dời. Trong khi đáng ra những diện tích này phải được đầu tư xây dựng trường học hay công viên thì gần như lập tức đã được thế chỗ vào đó là các tòa chung cư, thậm chí là cả những khu đô thị mới với hàng chục tòa chung cư. Vì thế, giờ đây trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Minh Khai, Cầu Giấy, Kim Mã có thể thấy nhan nhản các tòa chung cư cao 30, thậm chí 50 tầng. Nhưng mật độ kinh khủng nhất có lẽ phải là các tuyến phố Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kon Tum của quận Thanh Xuân. Khu vực này trước kia vốn là nhà xưởng sản xuất của các Công ty Xe đạp Thống Nhất, Dệt len Mùa Đông.. Tuy nhiên, giờ đây đã trở thành "thủ phủ" của các chung cư, khu đô thị. Theo tính toán, dọc trục đường Nguyễn Tuân chỉ dài 720m nhưng có tới khoảng 6.000 căn hộ chung cư đã và đang đưa vào sử dụng. Nhiều dự án lớn được xây dựng dọc trục đường này là Imperia Garden (1.632 căn hộ), TNR Goldseason (1.500 căn hộ), 90 Nguyễn Tuân (820 căn hộ), Việt Đức Complex (700 căn hộ), Thống Nhất Complex (552 căn hộ), The Legend (460 căn hộ)…

Hay một khu đô mới từng được chọn làm khu đô thị kiểu mẫu của Hà Nội là Linh Đàm cũng vậy. Được đầu tư xây dựng từ năm 2007, sau khi được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu vào năm 2009, thay vì tạo động lực để Linh Đàm tiếp tục vươn lên, khẳng định "giá trị" thì khu đô thị này lại trở thành "thảm họa", bởi hạ tầng xã hội và dân số đã trên 30.000 người, tăng gấp nhiều lần so với quy hoạch.

Với việc "chất" quá nhiều chung cư đã biến nơi đây trở thành những "điểm đen" ùn tắc giao thông chứ không phải là những khu đô thị đáng sống, hiện đại bậc nhất ở Thủ đô. Thực tế này đã đi ngược với mục tiêu quy hoạch chung của TP. Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ phải giảm tải dân số trong khu vực nội đô. Và đương nhiên hậu quả nhãn tiền của việc này là tắc đường.

Năm 2018, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ GT-VT), đưa ra thống kê rằng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang tăng gấp 5 lần so với quy định do việc ùn tắc giao thông gây ra. Ùn tắc giao thông cũng gây thiệt hại từ 1 đến 1,2 tỉ USD/ năm, đồng thời là thủ phạm thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm.

Bao giờ Hà Nội hết tắc đường? Đây vừa là câu hỏi vừa là mong ước của hàng triệu người dân Hà Nội. Tuy nhiên, câu trả lời thì chưa ai dám nói bởi với một hệ thống giáo thông công cộng yếu kém như hiện nay thì chắc còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Nên người dân sẽ vẫn cứ phải đi xe máy, ôtô cá nhân ra đường. Có người thì nói vui rằng cùng với hoàn thành nốt các tuyến đường sắt đô thị, chỉ mong trong nhiệm kỳ này, lãnh đạo thành phố Hà Nội… không cấp phép thêm các dự án chung cư trong nội đô cũng đã là thành công trong việc giúp giảm tắc đường rồi.

Tân Lương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/tu-chuyen-oto-tieu-thu-50-lit-xang-cho-100km-620543/