Từ chuyện nhà vệ sinh ở các bệnh viện

Trên diễn đàn Quốc hội vừa qua, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế rằng 'Nhà vệ sinh bẩn thì giám đốc ở bẩn; trong khoa không có bồn rửa tay thì trưởng khoa ở bẩn' đã cho thấy Bộ Y tế với tư cách là một bộ phận của bộ máy nhà nước có sự chủ động hướng đến một số nhu cầu thiết thân của người dân.

Do hàng tháng đi khám bệnh theo diện bảo hiểm y tế ở bệnh viện nên người viết có thể chứng thực phần nào điều hay ho mà bà bộ trưởng đã kể trước Quốc hội rằng ngành y tế “đã đầu tư xây dựng rất nhiều bệnh viện từ Trung ương tới tỉnh, bệnh viện xanh sạch đẹp, xây dựng nhà vệ sinh bệnh viện…”. Phải nói là mấy tháng qua, người đi khám bệnh ở đấy không còn khổ sở khi phải đi vệ sinh như nhiều năm qua. Các nhà vệ sinh ở các tầng lầu khu khám bệnh nay đã tạm gọi là sạch sẽ. Nếu người sử dụng “hợp tác” hơn nữa và nhân viên quét dọn “chuyên nghiệp” hơn nữa thì mọi thứ sẽ càng sạch và lịch sự hơn, như ở một số rạp chiếu bóng hay trung tâm thương mại “có yếu tố nước ngoài”, nơi nhất định đang dẫn đầu các bảng xếp hạng nhà vệ sinh công cộng.

Hy vọng rằng “làn sóng” nhà vệ sinh sạch do Bộ trưởng Bộ Y tế khởi xướng sẽ lan tỏa khắp các bệnh viện lớn nhỏ trong cả nước, và từ đó trở thành một “làn sóng lớn” lan rộng qua mọi bộ, ngành, địa phương... để đâu đâu cũng có được những nhà vệ sinh cho ra nhà vệ sinh, vừa đáp ứng “bụng dạ” của người dân, vừa nâng nếp sống lên tầm văn minh mới.

Có một thực tế nan giải đang cần cú hích như của Bộ Y tế. Thực tế đó là chứng “tiểu đường” mà Nhà nước đã có thừa quy định xử phạt hành chánh để “nghiêm trị”. Bản thân người dân, hầu như số đông cũng không ai muốn làm chuyện khó coi ấy ngoài đường. Song, quay tới quay lui, ngay tại các “đầu tàu kinh tế, văn hóa, xã hội” cũng hiếm thấy có cái nhà vệ sinh. Lấy con đường đẹp như đường Nguyễn Huệ, có lẽ số cột đèn xanh, đèn đỏ dành cho người đi bộ băng qua đường được lắp đặt “thừa văn minh, lịch sự”, chừng chưa đầy 100 mét đã có một cột đèn tín hiệu, trong khi số nhà vệ sinh thì lại hơi “xa cách” người có nhu cầu.

Thành ra, nếu muốn kết liễu hội chứng “tiểu đường” toàn quốc này, không gì bằng một quyết tâm rộng rãi hơn như trường hợp của Bộ Y tế, một ý chí tiết kiệm chi tiêu ngân sách “không thường xuyên” (như đi học kinh nghiệm ở nước ngoài, họp hành, hội hè...) để dành tiền xây nhà vệ sinh khắp cả nước.

Trên một bình diện khác, câu chuyện nhà vệ sinh và quy định cấm tiểu tiện ngoài đường tồn tại từ bao nhiêu năm qua còn phản ánh một thực tế nan giải và kinh niên không kém. Đó là khi ban hành những luật lệ, quy định như đã nêu ở trên, cơ quan chức năng cứ biên soạn mà không cần để ý sau đó luật sẽ được thực thi như thế nào. Thật ra, đó là do không có sự kết nối giữa khâu soạn luật với khâu thi hành luật. Thành ra, ai soạn cứ soạn, ai thực hành cứ thực hành theo ý mình. Rốt cuộc, người dân cứ vi phạm quy định, từ “cực chẳng đã” trở thành “vô pháp luật” một cách tự nhiên!

Danh Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280959/tu-chuyen-nha-ve-sinh-o-cac-benh-vien.html