Từ 'gáo nước lạnh' MV Noo bị gỡ khỏi Youtube: Ở đời chả có gì là free cả!

Bản quyền - Có những thói quen tưởng vô hại nhưng lại gây ra hậu quả không ngờ.

Nhỏ xứ mình, lớn xứ người!

Mới đây, việc MV chục triệu view Chạm khẽ tim anh một chút thôi - sản phẩm đầy tâm huyết từ Noo Phước Thịnh cùng ekip bất ngờ bị gỡ khỏi Youtube đã khiến người hâm mộ hết sức hoang mang. Vấn đề đến từ sơ suất không đáng có: Ekip thực hiện đã sử dụng một đoạn nhạc nền ngắn cho phân đoạn chiếc xe hơi bốc cháy ở cuối MV mà chưa xin phép đơn vị giữ bản quyền.

Phản ứng chung từ dư luận đến 99.9% là thương thay cho Noo, chỉ vì một lỗi lầm “nhỏ xíu” (từ phía ekip) mà bỗng chốc bay vèo cả mấy chục triệu view, lại còn không chỉ là MV đơn thuần, phim ngắn đầu tư công phu là thế. Sự thương này quả là dễ hiểu, chúng ta động lòng, chúng ta thông cảm khi chứng kiến tai họa đổ xuống tâm huyết của một người nghệ sĩ. Nhưng suy cho cùng, đến “bước đường” này cũng là do cái sai đầu tiên đến từ số đông… và đó là từ chính chúng ta.

Là bởi ở Vpop, mọi thứ vốn dĩ rất dễ dãi. Nghe, xem, hóng tin tức gì cũng free (miễn phí) hết. Free từ thuở “khai thiên lập địa” showbiz cho đến bây giờ. “Lớn lên”, sinh tồn giữa một môi trường như vậy, dù cho bạn có là người làm nghệ thuật như ekip sản xuất của Noo đi chăng nữa thì việc “quên” xin phép mà rất tự nhiên lấy một đoạn nhạc nền tìm được trên Youtube (và có thể, nghĩ nó là chuyện bình thường) chèn vào sản phẩm của mình cũng là một việc dễ hiểu. Chuyện phán xét đúng sai hay buộc tội không còn là vấn đề quan trọng ở đây, bởi cái sai này không đến từ cá nhân, mà nó được nuôi dưỡng và “nuông chiều” dễ dãi từ văn hóa thưởng thức, nghe xem của số đông khán giả Việt.

Bản quyền không phải chuyện đùa, có khi chúng ta sai mà chẳng biết mình sai! Ở “xứ người”, một đoạn nhạc nền ngắn cũn như câu chuyện MV Noo Phước Thịnh cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Bởi nó là sản phẩm, là trí tuệ con người. Chuyện tôn trọng bản quyền, tôn trọng chất xám là điều hết sức cơ bản ở các nước mà công nghiệp âm nhạc phát triển, là “cái nết” mỗi người tự phải có, nó cũng cơ bản như việc “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” ở xứ ta vậy.

Chính vì mang tầm quan trọng như thế, nên Youtube có hẳn một chuyên mục riêng để người dùng tìm hiểu và hiểu rõ về bản quyền, làm thế nào để video của bạn tải lên không vi phạm các nguyên tắc cộng đồng cũng như xâm phạm bản quyền từ người khác. Và còn có cả một cơ chế gọi là content ID. Hệ thống content ID được kích hoạt tự động, khi một video trên Youtube chứa âm thanh hoặc video đã được chủ sở hữu bản quyền khác xác nhận quyền sở hữu. Nôm na là nếu bạn lấy đi chất xám của người khác mà không có sự cho phép, sớm muộn gì bạn cũng sẽ bị Youtube “khai tử”.

Nếu bạn lấy đi chất xám của người khác mà không có sự cho phép, sớm muộn gì bạn cũng sẽ bị Youtube “khai tử”.

Từ “gáo nước lạnh” này, mong ngày mai sẽ khác!

Sự việc MV Noo Phước Thịnh bị gỡ khỏi Youtube vì vi phạm bản quyền có thể ví như 1 “gáo nước lạnh” khiến chúng ta phải “tỉnh cả ngủ”. Ngày mai Vpop sẽ khác, chắc chắn là vậy, nhưng cái khác đó hẳn còn xa lắm.

Chừng nào số đông chịu bỏ ra một khoản tiền hàng tháng, như ở đất nước gần gũi với chúng ta là Hàn Quốc, từ 10.99 USD đến 29.69 USD để nghe và tải nhạc (mức phí tại Melon, trang nghe nhạc trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc). Biết đâu khi đó dàn trai xinh gái đẹp Vpop cũng lên tầm thế giới như Kpop cũng nên. (Xin nhấn mạnh lại một lần nữa, số liệu ở trên là mức phí trong MỖI tháng).

Chừng nào mua nhạc trên iTunes hay nhấn nút download ở các trang nghe nhạc trong nước không còn hiện ra lựa chọn miễn phí.

Chừng nào Vpop có những album trăm ngàn, triệu bản, concert của các nghệ sĩ không có hàng ghế nào miễn phí.

Chừng nào nguồn thu từ nghệ thuật có thể nuôi sống nghệ sĩ.

Thì ngày đó chắc chắn chúng ta sẽ không còn phải chứng kiến bất cứ một MV nào bị gỡ khỏi Youtube vì lỗi lầm tương tự. Vì bây giờ số đông khán giả yêu nhạc chúng ta chưa thực sự “văn minh”, môi trường chưa thực sự “văn minh”. Không thể chối cãi được!

So với Kpop, nền công nghiệp âm nhạc Nhật Bản còn “thú dữ” hơn khi chẳng cần phải “xuất khẩu” văn hóa, nghệ sĩ vẫn có thể sống tốt chỉ ở thị trường trong nước. Đơn giản bởi công chúng Nhật Bản sẵn sàng chi nhiều tiền cho các hoạt động nghệ thuật, giải trí và họ đã quen với điều đó.

Đấy chính là lý do vì sao các sao Hàn vẫn lũ lượt Nhật tiến hàng năm, còn sao Nhật thì chẳng đi đâu cả! Bạn cũng khó mà tìm kiếm MV của nghệ sĩ Jpop trên Youtube.

Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng mới đây đã trải lòng trên trang cá nhân. “Thật ra nói vui thì ở Việt Nam mình nghệ sĩ nào cũng là nghệ sĩ Indie (độc lập) hết, vì có công ty quản lý hay hãng đĩa phát hành đâu, nghệ sĩ nào mà chẳng phải tự lo từ A đến Z, hoặc may mắn có tiền thì thuê ekip làm cho. Đó là hệ quả của việc chúng ta không có một nền công nghiệp âm nhạc (nói thẳng là không ai bỏ tiền để nghe nhạc, mua nhạc), nên mãi chúng ta vẫn mang danh là Showbiz đó”.

Đáng mừng là ở Vpop hiện tại, đã có những nghệ sĩ đủ bản lĩnh, đủ tầm ảnh hưởng để có thể “trấn áp” sự chưa văn minh này. Là Mỹ Tâm, là Sơn Tùng. Nghe và xem thoải mái trên Youtube, nhưng muốn tải nhạc của hai cái tên này về máy, bạn bắt buộc phải bỏ tiền mua trên iTunes hoặc các trang nghe nhạc trong nước, nơi mà họ phát hành độc quyền sản phẩm của mình. Có người tiên phong thì sẽ có người theo sau. Hy vọng các nghệ sĩ của chúng ta cũng sẽ “trang bị” cho mình một tinh thần đi lên như vậy. Và quan trọng nhất, bản thân mỗi người thưởng thức âm nhạc cũng phải tự “nâng cấp” mình từ trong tiềm thức, đừng chỉ hào nhoáng ở mỗi đôi tai! Cuộc đời này không có gì là free hết, cho nên chất xám càng phải được tôn trọng!

Mỹ Tâm…

và Sơn Tùng là 2 nghệ sĩ hiếm hoi đủ tầm ảnh hưởng và bản lĩnh để thắt chặt vấn đề bản quyền cũng như chất xám của cả ekip tạo ra sản phẩm cho mình.

Từ câu chuyện của MV Noo Phước Thịnh, mong ngày mai của Vpop sẽ sáng hơn!

Đào Thanh Tâm

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/am-nhac/tu-chuyen-mv-noo-phuoc-thinh-bi-xoa-khoi-youtube-da-den-luc-ngung-coi-nhe-ban-quyen-1801903.html